Con người Đất Tổ với việc phát huy giá trị văn hóa dân tộc theo di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh

Học sinh xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì tìm hiểu lịch sử truyền thống quê hương.

Học sinh xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì tìm hiểu lịch sử truyền thống quê hương.

Lịch sử phát triển văn hóa nhân loại cho thấy, mỗi nền văn hóa bao giờ cũng tàng chứa những tố chất đặc sắc, tạo nên nét riêng của mình đó là bản sắc. Cái bản sắc đó được kết tinh từ tâm hồn, khí phách hàng ngàn đời của dân tộc, tạo nên nhân lõi, cốt cách, bản lĩnh và sức sống của một dân tộc, đó là căn cước để nhận dạng trong trăm ngàn nền văn hóa. Văn hóa là cội nguồn của đời sống một dân tộc. Nó là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo nên cốt cách, tâm hồn, lực cố kết giữa các thành viên trong xã hội, sức mạnh nội lực của một dân tộc. Đó là “nguyên khí” của một quốc gia.

Dưới dự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời năm 1943, là một thông điệp mới mẻ và mạnh mẽ nhằm thức tỉnh nhận thức của mỗi người Việt Nam về họ chính là chủ thể của văn hóa, về tài sản văn hóa mà họ đang nắm giữ và nhận chân giá trị của nền văn hóa mà họ thuộc về, đang thực hành, đang trao truyền và đang gìn giữ. Đề cương này đã khẳng định rõ ba nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hóa nước Việt Nam trong giai đoạn này: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ). Văn hóa không phải là cái gì đó thật mơ hồ mà là toàn bộ đời sống hằng ngày của mỗi cộng đồng. Tinh thần yêu nước cũng không phải là cái gì đó cao siêu, mà là sự gắn bó một cách thiết tha với vận mệnh dân tộc của mỗi cá nhân. Như vậy, khi thực hành văn hóa, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng đã thể hiện trong đó tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết với truyền thống và sự gắn bó với những hiện thể của truyền thống trong hiện tại. Đó là tính chất “dân tộc, khoa học và đại chúng” của văn hóa Việt Nam mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chỉ dạy.

Từ rất sớm, Người khẳng định văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất. Cho nên, Người rất chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa đi đôi với xây dựng thiết chế văn hóa. Người nói: Cái gì “mới” mà “hay”, thì ta phải làm; thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp. Và nếu mọi người đều làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường. Phải từng bước xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa trực tiếp phục vụ cuộc sống của Nhân dân. Đó là thiết chế văn hóa thông tin cơ sở, cầu nối gần gũi giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; là nơi tổ chức các hội thi, liên hoan, tập hợp, giao lưu truyền giữ các điệu dân ca, dân vũ truyền thống đậm đà bản sắc...

Người luôn coi việc đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, phát triển văn hóa chính là phát huy nguồn lực con người - nguồn lực to lớn và quyết định nhất đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước; văn hóa gắn chặt với đời sống con người, không nên đánh giá văn hóa bằng tiêu chí thể hiện trình độ cao/thấp, tốt/xấu, tiên tiến/lạc hậu. Tuy nhiên, nếu văn hóa là sáng tạo của con người trong quá trình thích ứng với tự nhiên thì ngược lại, con người lại chính là một sản phẩm của văn hóa theo nghĩa: Văn hóa đã mang lại phần “người” cho “con người”, là tư duy, nhận thức, là phẩm chất nhân văn, làm cho cuộc sống trở nên phong phú, tốt đẹp hơn. Vì vậy, Người chủ trương xây dựng nền văn hóa mới, xây dựng đời sống văn hóa trong đồng bào trên cơ sở có kế thừa và phát triển, dân tộc và thời đại. Trong “Thư gửi Hội nghị cán bộ văn hóa” (ngày 28/2/1957), Người chỉ rõ cần phải phát huy vốn cũ quý báu của dân tộc (nhưng tránh “phục cổ” một cách máy móc) và học tập văn hóa tiên tiến của các nước (trước hết là các nước bạn).

Theo Người, phải kết hợp hài hòa giữa phát triển văn hóa với các lĩnh vực khác của đời sống. Không tuyệt đối hóa hoặc chỉ coi trọng phát triển thiên lệch một lĩnh vực nào. Có người nghĩ một cách đơn giản: Có kinh tế là có tất cả. Sự tăng trưởng kinh tế không có mục tiêu tự thân. Nếu tăng trưởng kinh tế mà dẫn đến việc lụi bại văn hóa truyền thống, phá hoại môi trường sinh thái, làm xấu đi môi trường nhân văn, thì sự tăng trưởng đó sẽ dẫn đến những bất ổn trong xã hội. Những bất ổn đó sẽ phá hủy cả một nền kinh tế. Vấn đề đặt ra trong công tác lý luận và hoạt động thực tiễn hiện nay là phải khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần, là động lực và mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ quan điểm đó, phải có những định hướng, chính sách thích hợp nhằm xây dựng và phát triển nền tảng tinh thần của xã hội, bảo tồn những công trình văn hóa và di tích lịch sử cho đời sau.

Diễn xướng dân gian của đồng bào Mường huyện Yên Lập. Ảnh: Ngọc Bích

Diễn xướng dân gian của đồng bào Mường huyện Yên Lập. Ảnh: Ngọc Bích

Phát huy giá trị văn hóa dân tộc của con người Đất Tổ hiện nay

Tư tưởng Hồ Chí Minh về việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, đặc biệt là những chỉ dạy của Người trong những lần về thăm và làm việc tại Phú Thọ có ý nghĩa định hướng sâu sắc cho việc bảo tồn và phát triển những giá trị văn hóa dân tộc của con người Đất Tổ hiện nay. Phú Thọ là vùng đất cổ, là kinh đô đầu tiên của Việt Nam, ngày nay được gọi là vùng Đất Tổ. Trải qua quá trình lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, trên vùng đất cội nguồn vẫn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quý báu, đặc biệt là các di sản văn hóa gắn với thời đại Hùng Vương- đặc trưng của vùng đất cội nguồn dân tộc. Đó chính là diện mạo văn hóa của vùng Đất Tổ mà không thể thấy ở bất cứ nơi nào khác. Sự thống nhất trong đa dạng về văn hóa cần phải có chiến lược để bảo tồn, phát huy giá trị gắn liền với tạo sinh kế cho người dân.

Đó là các giá trị văn hóa vật thể với hệ thống 1.372 di tích lịch sử - văn hóa; trong đó có 299 di tích được Nhà nước xếp hạng (1 di tích Quốc gia Đặc biệt: Khu di tích lịch sử Đền Hùng; 72 di tích Quốc gia và 226 di tích cấp tỉnh). Đó là các giá trị văn hóa phi vật thể với 260 lễ hội (trong đó có 223 lễ hội dân gian)... Đặc biệt, Phú Thọ vinh dự có ba di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là: Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Ca Trù của người Việt (Phú Thọ nằm trong 15 tỉnh, thành vùng lan tỏa của Ca Trù).

Đó là các di tích đình, đền, miếu và khu vực cảnh quan của di tích, không gian văn hóa, là diễn trường trực tiếp của các lễ hội truyền thống. Tất cả tạo nên giá trị không chỉ về kiến trúc nghệ thuật, mà có giá trị lịch sử văn hóa sâu đậm. Lễ hội là nơi tiến hành các nghi lễ tín ngưỡng để cúng tế thành hoàng, cầu mùa, cầu cho dân khang vật thịnh. Đồng thời, cũng là nơi diễn ra một số diễn xướng dân gian gắn với tín ngưỡng thờ thành hoàng như hát Xoan, múa Xuân Ngưu, múa trình đầu rối, múa bông... Đó là phần quan trọng nhất của lễ hội bởi các biểu hiện tín ngưỡng là linh hồn của lễ hội. Hệ thống di tích tỉnh Phú Thọ đa dạng về loại hình và có giá trị to lớn về nhiều mặt. Các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gắn liền với quá trình đấu tranh cách mạng của Nhân dân cả nước nói chung, Nhân dân Phú Thọ nói riêng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mỗi di tích đều lắng đọng nhiều giá trị khác nhau mà ngày nay chúng ta cần phải bảo vệ và phát huy nhằm giáo dục truyền thống anh hùng cách mạng cho các thế hệ đi sau. Đó là giá trị lịch sử to lớn, giúp mọi người tìm hiểu về lịch sử, các phong trào cách mạng của Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Hơn thế, mỗi người còn có thể tự đánh giá những sự kiện lịch sử bằng cảm nhận trực quan của riêng mình, có những suy nghĩ, tâm tư tình cảm riêng về một giai đoạn lịch sử hào hùng, về những sự kiện hoặc về một con người, một danh nhân cách mạng cụ thể. Có nhiều di tích đẹp, còn bảo lưu gần như nguyên vẹn kiến trúc - nghệ thuật thời Hậu Lê và thời Nguyễn như Đình Hùng Lô, Đình Lâu Thượng, Đình An Thái, Đình Bảo Đà, Đình Cao Xá, Đình Đào Xá, Đình Hữu Bổ,... Những di tích, những hiện vật ấy là bằng chứng trung thực, sống động để các nhà sử học và khách tham quan có thể nghiên cứu, tìm hiểu, học tập, làm cơ sở chứng minh cho nhiều vấn đề của lịch sử tỉnh Phú Thọ nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Cùng với các địa điểm, các di tích mang ý nghĩa, giá trị văn hóa thì các tài liệu, hiện vật gắn với các nhân vật cách mạng, danh nhân cách mạng có trong mỗi một di tích cũng là những hiện vật chứa đựng giá trị văn hóa. Những cuốn sách, những bản thảo, tài liệu, công trình nghiên cứu... là những sản phẩm tinh thần, tư tưởng của chính danh nhân đó. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 17 di tích, trong đó có 8 di tích đã xếp hạng (2 di tích Quốc gia, 6 di tích cấp tỉnh).

Vận dụng những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn hệ thống chính trị và người dân Đất Tổ cần quán triệt định hướng chiến lược của Đảng và Nhà nước về tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa con người Đất Tổ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Có các giải pháp sưu tầm, hệ thống và tư liệu hóa các nguồn tài liệu, hiện vật, hình ảnh và có chế độ, chính sách phát huy, phát triển dài lâu đối với những nét văn hóa phi vật thể. Đặc biệt là việc đưa vào giáo dục học đường để gìn giữ và phát triển những loại hình văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân sống xung quanh khu vực di tích trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa. Cần phải điều tra, khảo sát, đánh giá thực trạng văn hóa và con người Đất Tổ để hoạch định chiến lược giữ gìn, quy hoạch, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa địa phương.

Lê Trung Kiên

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/con-nguoi-dat-to-voi-viec-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc-theo-di-san-chu-tich-ho-chi-minh-212076.htm