Công bố kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022

Kiểm toán Nhà nước vừa hoàn thành cuộc kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (Quỹ) giai đoạn 2020-2022 tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng.

Trong giai đoạn 2020-2022, có 3/4 địa phương được kiểm toán đã thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh (trừ tỉnh Hải Dương chưa thành lập, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ theo quy định) để thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng và các nguồn tài chính hợp pháp khác phục vụ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã thực hiện ban hành quy chế tổ chức, điều lệ tổ chức, hoạt động của Quỹ; ban hành văn bản quản lý; Đề án triển khai chính sách dịch vụ môi trường rừng; kế hoạch thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng; thẩm tra, chấp thuận phương án trồng rừng thay thế; lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch trồng rừng thay thế theo quy định tại Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn.

 Người dân tham gia hoạt động trồng rừng. Ảnh: nguồn Internet.

Người dân tham gia hoạt động trồng rừng. Ảnh: nguồn Internet.

Từ khi thành lập Quỹ đến ngày 31-3-2023, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và thành phố Hải Phòng đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi 5.470,01ha rừng (rừng tự nhiên 170,09ha, rừng trồng 5.299,92ha) sang mục đích khác, diện tích rừng phải trồng thay thế 5.607,54ha, diện tích rừng đã trồng thay thế 3.341,64ha (bằng 60% so với diện tích phải trồng); diện tích còn phải trồng rừng thay thế là 2.274,07ha. Trong đó, Quảng Ninh là 2.065,69ha; Hải Dương là28,05ha; Bắc Giang là 128,12ha; Hải Phòng là 52,21ha.

Về tình hình thu-chi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 đến ngày 31-3-2023: Tổng số thu trong kỳ 541,236 tỷ đồng (trong đó thu tiền trồng rừng thay thế 491,874 tỷ đồng, dịch vụ môi trường rừng 36,132 tỷ đồng, còn lại là thu lãi tiền gửi, Quỹ Bảo vệ và phát triển Việt Nam điều chuyển). Số đã chi 106,956 tỷ đồng (trong đó, chi trồng rừng thay thế 86,910 tỷ đồng, dịch vụ môi trường rừng 17,105 tỷ đồng, còn lại chi quản lý, dự phòng chi); số dư cuối kỳ 517,979 tỷ đồng (Quảng Ninh 445,303 tỷ đồng; Hải Dương 7,688 tỷ đồng; Bắc Giang 33,968 tỷ đồng; Hải Phòng 31,020 tỷ đồng). Trong đó, số thu tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế 275,318 tỷ đồng phải nộp về Quỹ Bảo vệ và phát triển Việt Nam).

Việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chuyển loại rừng, ban hành kế hoạch trồng rừng thay thế và ban hành văn bản quản lý còn một số tồn tại. Tỉnh Hải Dương quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê toàn bộ diện tích đất rừng, bao gồm cả diện tích đất rừng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền trồng rừng thay thế với 2 dự án. Tỉnh Hải Dương, Bắc Giang chưa ban hành Quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các dự án đã nộp tiền trồng rừng thay thế (Hải Dương 5 dự án, Bắc Giang 35 dự án) theo quy định tại khoản 1 Điều 42, khoản 1 Điều 43 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Tỉnh Hải Dương thực hiện chuyển loại rừng đặc dụng với 3,9624ha sang loại rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng 3,9624ha rừng sản xuất sang mục đích khác (thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường dẫn cầu Đồng Việt kết nối với quốc lộ 37 thành phố Chí Linh). Đến thời điểm kết thúc kiểm toán, địa phương chưa thực hiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng đặc dụng 3,9624ha do đã chuyển loại rừng đặc dụng thành rừng sản xuất trước khi chuyển mục đích sử dụng rừng như nêu trên.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ sang mục đích khác cho Công ty Cổ phần Tập đoàn khoáng sản Á Cường khai thác khoáng sản (quặng vàng gốc) đối với diện tích rừng 2,5ha (trong đó: Rừng phòng hộ 2,04ha và rừng sản xuất 0,46ha) để khai thác khoáng sản thuộc khu vực cấm khai thác khoáng sản trước khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản.

Tại tỉnh Bắc Giang và thành phố Hải Phòng, khi quyết định phương án chấp thuận nộp tiền trồng rừng thay thế, địa phương đã không xác định rõ thuộc trường hợp.

Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí đất để trồng rừng thay thế trên địa bàn theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư số 13/2019/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (Thông tư 13) hoặc trường hợp địa phương không còn quỹ đất quy hoạch phát triển rừng để trồng rừng thay thế theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư 13.

Các địa phương đã chấp thuận phương án nộp tiền trồng rừng thay thế, đã thu tiền trồng rừng thay thế nhưng đến thời điểm kết thúc kiểm toán chưa giao kế hoạch trồng rừng thay thế cho toàn bộ diện tích rừng đã chuyển mục đích sử dụng rừng, diện tích rừng trồng thay thế (Quảng Ninh 1.913,64ha chưa giao kế hoạch; Bắc Giang 128,12ha chưa giao kế hoạch); diện tích còn phải trồng rừng thay thế đến ngày 31-3-2023 tại 4 địa phương là 2.274,07ha (Quảng Ninh là 2.065,69ha; Hải Dương là 28,05ha; Bắc Giang là 128,12ha; Hải Phòng là 52,21ha). Số tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế cần phải chuyển tiền trồng rừng thay thế về Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam để tổ chức trồng rừng thay thế tại địa phương khác theo quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 4 Thông tư 13 là 275,318 tỷ đồng (Quảng Ninh là 248,933 tỷ đồng; Bắc Giang là 23,249 tỷ đồng; Hải Phòng là 3,136 tỷ đồng).

Kết quả kiểm tra chọn mẫu hồ sơ nghiệm thu, thanh toán kinh phí trồng rừng thay thế tại Quảng Ninh, Hải Dương và kiểm tra đối chiếu tại Bắc Giang cho thấy hồ sơ ký kết hợp đồng nhân công, cây giống, phân bón còn chưa chặt chẽ. Hồ sơ nghiệm thu thanh toán chưa thể hiện đủ số nhân công cần thiết để thực hiện công việc theo hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán, chưa có tài liệu nghiệm thu, bàn giao phân bón, cây giống trước khi thực hiện trồng, chăm sóc rừng. Hồ sơ nghiệm thu thể hiện công việc vận chuyển, bón phân trước thời điểm bàn giao phân bón; trồng cây trước thời điểm giao nhận cây giống…; hồ sơ thiết kế kỹ thuật dự toán chưa bảo đảm yêu cầu kỹ thuật.

Kết quả kiểm toán nêu trên cho thấy công tác quản lý, sử dụng Quỹ bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt, việc trồng rừng thay thế chưa bảo đảm tính khả thi. Hạn chế này bắt nguồn từ những bất cập trong cơ chế, chính sách hiện hành…

VIỆT ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cong-bo-ket-qua-kiem-toan-chuyen-de-viec-quan-ly-su-dung-quy-bao-ve-va-phat-trien-rung-giai-doan-2020-2022-744568