Cống Cái Lớn - Cái Bé phát huy hiệu quả hỗ trợ giảm ngập úng

Sáng 26-9, Đoàn công tác Cục Thủy lợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có buổi làm việc với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Miền Nam, các huyện nằm trong vùng hưởng lợi dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé về đánh giá kết quả vận hành công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé hỗ trợ giảm thiểu ngập lụt, úng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.

Ông Nguyễn Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Miền Nam cho biết, khi có tin bão, áp thấp nhiệt đới trên biển Đông kết hợp triều cường trong tháng 9, đơn vị đã chủ động tiến hành vận hành đóng 5/11 cửa van cống Cái Lớn từ ngày 19 đến 24-9 để kiểm soát triều cường, hỗ trợ tiêu úng, mở hoàn toàn 11/11 cửa van khi triều rút; đóng 2 cửa van cống Cái Bé khi triều lên và mở hoàn toàn 2 cửa van khi triều xuống; mở tự do cống Xẻo Rô.

Kết quả vận hành công trình cống Cái Lớn - Cái Bé đã làm giảm mực nước nội đồng xuống, càng gần cống mực nước giảm càng nhiều, càng vào sâu phía thượng lưu mực nước giảm được ít đi; khi số cửa vận hành đóng tăng lên mực nước nội đồng sẽ được giảm sâu hơn so với khi không vận hành. Tuy nhiên, mực nước hạ lưu phía biển sẽ gia tăng, khi đóng 11/11 cửa lúc đỉnh triều, gây ngập, úng hạ lưu công trình phía biển.

Cống Cái Lớn vận hành tiêu thoát nước chống ngập khu vực nội đồng.

Cống Cái Lớn vận hành tiêu thoát nước chống ngập khu vực nội đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Cục Trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong đánh giá cao hiệu quả công tác vận hành công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và cả khu vực của dự án nói chung. Điển hình là vụ đông xuân 2023-2024 vừa qua đã đạt thắng lợi hoàn toàn trong bối cảnh hạn hán gay gắt. Cùng với công tác chỉ đạo xuống giống sớm, việc điều tiết, vận hành các công trình thủy lợi đã đảm bảo sản xuất, gần như không có thiệt hại.

Để tăng hiệu quả vận hành giảm ngập và tiêu úng, Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong đề nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác thủy lợi Miền Nam phối hợp chặt chẽ với Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, Quy hoạch thủy lợi Miền Nam, Kỹ thuật Biển, Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ và Đài Khí tượng thủy văn các tỉnh trong trao đổi, chia sẻ thông tin dự báo, cảnh báo về tình hình khí tượng, thủy văn, nguồn nước, chất lượng nước khu vực, triều cường, nước biển dâng để phục vụ cho lập kế hoạch vận hành các công trình phục vụ hiệu quả sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và dân sinh kinh tế vùng dự án.

Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong phát biểu tại buổi làm việc.

Cục trưởng Cục Thủy lợi Nguyễn Tùng Phong phát biểu tại buổi làm việc.

Công ty phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các tỉnh trong công tác vận hành công trình ứng phó với thiên tai; đồng thời, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị chuyên môn thuộc sở và các địa phương vùng dự án thường xuyên trao đổi thông tin về kế hoạch sản xuất, khung lịch thời vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tiến độ sản xuất; phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy lợi vận hành các công trình thuộc phạm vi quản lý theo quy trình vận hành đã được phê duyệt.

Trước mắt, khi tỉnh chưa đầu tư xây dựng nâng cấp được hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, các tuyến đê bao kết hợp đường giao thông hạ lưu các công trình, đề nghị UBND huyện Châu Thành, An Biên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã Bình An, Vĩnh Hòa Phú (Châu Thành), UBND xã Hưng Yên, Tây Yên, Tây Yên A (An Biên) hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân nâng cao tạm thời bờ bao ở các nơi xung yếu, cao trình thấp và bổ sung cửa van điều tiết tại các cửa mương lấy nước, để ngăn nước tràn khi vận hành các công trình và tiêu thoát nước nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ngập úng, bảo vệ nhà cửa, ruộng, vườn...

Tin và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/nong-nghiep/cong-cai-lon-cai-be-phat-huy-hieu-qua-ho-tro-giam-ngap-ung-22446.html