Công cụ đặt cọc hoàn trả trong quản lý chất thải

Công cụ đặt cọc - hoàn trả có thể giúp thúc đẩy thu gom và quản lý chất thải rắn, tuy nhiên cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả.

Đặt cọc - hoàn trả cho bao bì chưa thực sự phù hợp để áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Đặt cọc - hoàn trả cho bao bì chưa thực sự phù hợp để áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Việc trả lại chai thủy tinh đựng bia, nước ngọt sau khi đã sử dụng và nhận lại một khoản tiền cọc có lẽ đã trở thành điều quen thuộc đối với người tiêu dùng. Đây chính là ứng dụng đơn giản nhất của công cụ đặt cọc – hoàn trả, một công cụ hiệu quả trong quản lý chất thải rắn.

Theo PGS.TS Lê Thu Hoa, giảng viên Khoa Môi trường, biến đổi khí hậu và đô thị, Đại học Kinh tế quốc dân, bên cạnh việc trả lại tiền đặt cọc cho người tiêu dùng, nhà sản xuất, bán lẻ cũng có thể sử dụng để tài trợ cho hoạt động tái chế, xử lý rác thải do chính doanh nghiệp thực hiện hoặc bên thứ ba.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã ứng dụng thành công công cụ đặt cọc hoàn trả trong việc nâng cao hiệu quả thu gom rác thải cũng như tiết kiệm chi phí. Ở Đức, công cụ này góp phần không nhỏ vào tỷ lệ tái chế vỏ chai nhựa, lon nhôm, chai thủy tinh đạt đến 97%.

Đặt cọc – hoàn trả cho bao bì

Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng công cụ hệ thống đặt cọc – hoàn trả cho bao bì sản phẩm, tuy nhiên điều này vẫn còn hạn chế ở Việt Nam.

Thực tế, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường 2019 đã luật hóa mô hình đặt cọc – hoàn trả đối với bao bì. Theo đó, doanh nghiệp có quyền cộng thêm một khoản tiền đặt cọc vào giá của sản phẩm. Khoản đặt cọc này được tách riêng, không đưa vào doanh thu và không tính vào thuế, phí và phải được sử dụng để chi trả chi phí thu gom cho các cơ sở thu hồi bao bì.

Tuy nhiên, quy định này sau đó không được đưa vào luật chính thức. Theo đại diện Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), quy định về đặt cọc – hoàn trả đối với bao bì chưa thích hợp với hiện trạng Việt Nam.

Cụ thể, tại các nước đang phát triển như Việt Nam, việc đặt thêm tiền cọc vào giá sản phẩm có thể làm ảnh hưởng lớn đến quyết định chi tiêu của người tiêu dùng.

Cùng với đó, các điểm thu gom rác thải hoạt động kém hiệu quả và thiếu tính bền vững cũng khiến việc quản lý tiền cọc trở nên vô cùng phức tạp.

Như vậy, mô hình đặt cọc – hoàn trả có thể tạo ra lạm phát giá chung nhưng không tạo ra hiệu quả đến tỷ lệ thu gom bao bì, do đó chỉ nên được cân nhắc áp dụng cho giai đoạn sau, khi chất lượng hệ thống thu hồi rác thải được cải thiện và người tiêu dùng có trách nhiệm hơn đối với môi trường.

Đặt cọc – hoàn trả cho rác thải điện tử

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và công nghệ, lượng rác thải điện tử như pin, điện thoại và các sản phẩm điện tử cũ, hỏng đang phát sinh ngày càng nhiều nhưng chưa có giải pháp thích hợp để xử lý.

Theo các chuyên gia, trong rác thải điện tử chứa nhiều chất giá trị cao, có thể mang lại lợi nhuận cho hoạt động thu gom và tái chế. Tuy nhiện, nếu bị thải bỏ bừa bãi, các chất này lại gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường.

Thực tế, việc thải bỏ pin và đồ điện tử đã qua sử dụng khiến không ít người tiêu dùng tỏ ra lúng túng. Các rác thải này thường bị vứt bỏ chung với rác thải sinh hoạt, cất giữ trong nhà hoặc bán lại cho những người thu gom không chính thức.

Từ đó, công cụ đặt cọc – hoàn trả có thể được áp dụng để thu hồi các chất thải điện tử, tuy nhiên cần được đi kèm với công tác tuyên truyền, hướng dẫn phân loại và thu gom để đạt được hiệu quả cao.

Một cách ứng dụng công cụ đặt cọc – hoàn trả cho sản phẩm điện tử là doanh nghiệp tổ chức các chương trình “đổi cũ lấy mới”, khuyến khích người tiêu dùng đổi sản phẩm cũ, hỏng lấy ưu đãi khi mua sản phẩm mới. Tại Việt Nam, hình thức này đang được nhiều doanh nghiệp bán lẻ áp dụng cho sản phẩm điện thoại, máy tính xách tay và đạt được hiệu quả khả quan.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/cong-cu-dat-coc-hoan-tra-trong-quan-ly-chat-thai-1612604411617.htm