Công dân đặc biệt của Thủ đô

Ở độ tuổi xưa nay hiếm, ông Lê Đức Vân (tên thật Nguyễn Hữu Phúc) nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2023, bên cạnh niềm tự hào là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng các thành viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu.

Ông Lê Đức Vân nói chuyện với giới trẻ Thủ đô vào năm 2020. (Ảnh tư liệu)

Ông Lê Đức Vân nói chuyện với giới trẻ Thủ đô vào năm 2020. (Ảnh tư liệu)

Từng có nhiều năm phụ trách công tác phong trào sinh viên, học sinh, thiếu niên Thủ đô, sau đó giữ vị trí Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội rồi công tác tại Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Lê Đức Vân, hiện là Trưởng Ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu…

Người tiên phong của phong trào thanh niên

Sinh năm 1926, ngay từ khi là học sinh Trường Bưởi, ông Lê Đức Vân đã tham gia Đội Ngô Quyền - tổ chức học sinh yêu nước tại trường và sớm được kết nạp vào Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu vào tháng 8/1944 tại số nhà 46 phố Bát Đàn (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Trong trí nhớ của ông, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu khi mới thành lập có khoảng 60 đoàn viên, rất đông học sinh các trường Bưởi, Thăng Long, Gia Long, Đồng Khánh, Văn Lang... hoạt động bán công khai, thực hiện nhiệm vụ rải, dán truyền đơn, truyền tay các tin tức cách mạng, kết hợp tổ chức các cuộc mít-tinh, biểu tình trong công sở, trường học...

Ông kể: “Hoạt động của tổ chức nhận được nhiều sự giúp đỡ từ người dân, mọi người coi nhau như gia đình, có thể họp khắp nơi. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo trực tiếp là Thành ủy Hà Nội, Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã tham gia và đi đầu trong hầu hết các cuộc đấu tranh cho đến ngày cách mạng thành công”.

Ông Lê Đức Vân nhớ như in không khí sục sôi của những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi, mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, cùng niềm tin theo Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Để hoạt động được triển khai rộng khắp trên tất cả các mặt trận, cũng như phát huy, khai thác thế mạnh của từng đoàn viên, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã thành lập các đội, tổ bán chuyên trách, hoạt động chuyên nghiệp, riêng biệt, gắn với từng nhiệm vụ cụ thể.

Đáng chú ý, trong 260 ngày hoạt động, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu thuộc Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ như: tổ chức và bảo vệ cuộc mít tinh tại chợ Canh (Hoài Đức, Hà Tây); đột nhập tổ chức mít tinh tại trường E.P.I.V; tổ chức mít tinh tuần hành vũ trang tại làng Mễ Trì; phối hợp với thanh niên cứu quốc xã Nhân Chính, Từ Liêm phá kho thóc Nhật tại đình làng Mọc, Quan Nhân chia cho dân nghèo; đột nhập, diễn thuyết phá cuộc triển lãm độc lập giả hiệu do chính quyền bù nhìn tổ chức ngay sau ngày khai mạc…

Điển hình là trưa ngày 17/8/1945, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã phá tan cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức, giành thế chủ động, biến cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức thành cuộc mít tinh biểu dương tinh thần và quyết tâm của quần chúng cách mạng Hà Nội trong phong trào chống Nhật và tay sai, tiến hành thành công cuộc biểu tình tuần hành thị uy xuất phát từ Nhà hát Lớn, theo dọc đường Tràng Tiền tỏa đi các hướng kéo dài đến 22 giờ đêm cùng ngày.

Đỉnh cao là ngày Chủ nhật 19/8/1945, Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu đã tổ chức thành công cuộc mít tinh, hiệu triệu khởi nghĩa, biểu tình tuần hành đi chiếm phủ Khâm sai, tòa Thị chính, Kho bạc, Bưu điện Bờ hồ và Sở cảnh sát Hàng Trống, chiếm trại Bảo an binh…

Ban chấp hành Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu còn thành lập Đội danh dự trừ gian, Đội Thanh niên cứu quốc và tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội và các tổ, đội khác như tiểu đội tự vệ chiến đấu, liên đội tự vệ học sinh, tổ nữ, tổ giao liên, đội tự vệ xung phong… có liên hệ chặt chẽ với nhau cùng góp phần công sức trong công cuộc khởi nghĩa, giành chính quyền tháng Tám năm 1945.

Các ông Hải Hùng, Mai Luân, Trần Thư, Lê Đức Vân và Nguyễn Kim Chi - những thành viên của báo Hồn Nước. (Ảnh tư liệu)

Các ông Hải Hùng, Mai Luân, Trần Thư, Lê Đức Vân và Nguyễn Kim Chi - những thành viên của báo Hồn Nước. (Ảnh tư liệu)

Hồn Nước - tiếng nói của thanh niên Hoàng Diệu

Những năm tháng hoạt động cách mạng tại Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu, ông Lê Đức Vân còn được Thành ủy Hà Nội giao nhiệm vụ phụ trách báo Hồn Nước - cơ quan ngôn luận của nam, nữ thanh niên cứu quốc khu Hoàng Diệu.

Ông cho biết, tờ Hồn Nước ra đời để thực hiện chủ trương “Mỗi thành phố lớn phải có một ban thanh vận và ra một tờ báo riêng của thanh niên” của Thường vụ Trung ương Đảng. Tham gia làm báo khi ấy gồm năm người, trong đó ông phụ trách phần nội dung, tổ chức in ấn và phát hành.

Ban đầu Hồn Nước ra mỗi số hai trang, in khoảng một trăm đến hai trăm tờ, có các bài xã luận, tin tức thời sự, thơ văn cách mạng tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Việt Minh, phản ánh hoạt động của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu...

Hiện những số báo đầu tiên của Hồn Nước đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, trong đó có số thứ năm ra ngày 1/7/1945, in litô, mực xanh, hai trang trên giấy trắng đục có kích thước 28cm x 37cm. Trang Nhất của tờ báo có các bài nổi bật như: “Văn hóa với cách mạng”, “Hãy bình tĩnh trước cơn khủng bố”, “Chặt xiềng phá ách”…

Vì hoàn cảnh kháng chiến, địa điểm và kỹ thuật in báo Hồn nước có nhiều lần thay đổi. Đầu tiên báo được in ở số nhà 15 phố Hàng Phèn, với kỹ thuật in thô sơ. Lúc đầu dùng thạch tím để in nhưng không thành công, sau đó chuyển sang in bằng bột đá nhào với nước làm khuôn in, dùng mực tím viết lên giấy dài rồi đặt lên khuôn lăn đến khi được thì bóc giấy ra.

Đầu năm 1945, sau Tết Nguyên Đán, cơ quan in báo Hồn nước được chuyển đến làng Giáp Nhất thuộc đại lý Hoàn Long (nay thuộc quận Thanh Xuân). Sau đó cơ sở bị lộ, cơ quan in báo lại chuyển đến nơi mới là một ngôi nhà gạch nhỏ vắng chủ ở làng Láng Trung rồi chuyển đến thôn Xuân Canh (trên đường từ Nhổn đi Hà Đông).

Đến ngày gần khởi nghĩa, cơ quan in báo Hồn nước một lần nữa di chuyển về ở Dịch Vọng, Từ Liêm. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, trụ sở in báo công khai đặt ở gần Ngân hàng Trung ương bây giờ, lúc này báo chuyển sang in máy.

Bên cạnh việc in ấn gian nan, thì nguy hiểm nhất vẫn là công đoạn phát hành tờ báo và truyền đơn. Những người thực hiện nhiệm vụ này thường đi theo nhóm, mỗi nhóm ba người và được phân công công việc cụ thể: một người cảnh giới, một người phết hồ làm bằng bột gạo nếp vào tường, người còn lại áp truyền đơn, báo Hồn Nước lên đó.

Báo Hồn Nước cùng với truyền đơn của Việt Minh khi đó được dán tại những nơi đông người qua lại như cổng chùa Láng, các đình làng Quan Nhân, Chính Kinh, đình làng Hạ Yên Quyết và Thượng Đình... Tờ báo cùng với các loại truyền đơn, tài liệu, áp phích đã góp phần cổ vũ thanh niên Hà Nội nói riêng, nhân dân Thủ đô nói chung đứng lên giành chính quyền.

Báo Hồn Nước ra ngày 1/7/1945 (Ảnh báo gốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Báo Hồn Nước ra ngày 1/7/1945 (Ảnh báo gốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia)

Tinh thần cách mạng ở thời bình

Cách mạng tháng Tám thành công, các đoàn viên thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu tiếp tục tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng ở Thủ đô, trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Sau giải phóng năm 1975, Ban Liên lạc các chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu trước Cách mạng tháng Tám (nay gọi là Ban Liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu) được thành lập.

Đến nay, những đoàn viên thanh niên cứu quốc năm xưa đều ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn giữ nguyên bầu nhiệt huyết cách mạng, nhiệt tình, trách nhiệm trong các hoạt động của chi hội Cựu chiến binh, Chi hội Người cao tuổi, Mặt trận Tổ quốc khu dân cư.

Là người nhiệt huyết, ông Lê Đức Vân trải qua rất nhiều vị trí công tác. Sau này, dù đã nghỉ hưu, ông vẫn nhiệt tình tham gia các hoạt động, đặc biệt là các buổi giao lưu, nói chuyện giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về những thời khắc hào hùng của những năm kháng chiến, nhân thêm tình yêu nước.

Với danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú 2023 ở tuổi 97, ông là tấm gương mẫu mực để các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập, lao động, xung kích đi đầu trong các lĩnh vực của đời sống, góp phần vào quá trình đổi mới đất nước.

ĐĂNG NINH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cong-dan-dac-biet-cua-thu-do-245027.html