Cống hiến thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ

Tết cổ truyền của dân tộc là dịp sum vầy của mỗi gia đình. Nhưng với đội ngũ y, bác sĩ, đón giao thừa có khi là niềm vui khi chứng kiến hạnh phúc của một gia đình đón em bé chào đời; chung vui, động viên bệnh nhân điều trị tại bệnh viện, nhưng cũng có khi là những giọt mồ hôi, những gấp gáp, “cân não” khi phải cấp cứu những trường hợp tối khẩn cấp. Bệnh viện Đa khoa Phố Nối nằm trên địa bàn thị xã Mỹ Hào, giáp Quốc lộ 5, lưu lượng phương tiện đông. Vì vậy, trong dịp Tết, nhiều trường hợp điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia nên xảy ra tai nạn giao thông. Bệnh nhân được đưa vào trong tình trạng vết thương nặng, cần cấp cứu ngay. Người nhà bệnh nhân chưa kịp vào, nhưng để bảo toàn tính mạng cho người bệnh, kíp trực tiến hành khẩn trương công việc chuyên môn. Ngoài ra, nhiều trường hợp ngộ độc rượu, thực phẩm, tăng huyết áp, các bệnh cấp tính cũng được cấp cứu trong dịp Tết… Bác sĩ Vũ Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc phụ trách, điều hành Bệnh viện Đa khoa Phố Nối chia sẻ: Với đội ngũ y, bác sĩ, ít có cái Tết nào trọn vẹn với gia đình. Đặc biệt, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng trong các kíp trực rất vất vả, trắng đêm cấp cứu để giành sự sống cho bệnh nhân.

Bác sĩ Trung tâm y tế huyện Tiên Lữ làm nhiệm vụ chuyên môn

Bệnh tật đến với bất kỳ ai, bất kể thời gian nào, nên với các y, bác sĩ, việc đón Tết cùng với bệnh nhân là chuyện không có gì lạ. Có những bệnh nhân nhờ sự tận tình của kíp trực nên thoát khỏi cơn nguy kịch. Ông Nguyễn Văn Thành ở huyện Tiên Lữ cho biết, đêm giao thừa năm 2020, đang chuẩn bị mâm cơm cúng thì bỗng nhiên tôi bị ngất xỉu, con cháu nhanh chóng đưa tôi vào Trung tâm Y tế huyện Tiên Lữ. Các bác sĩ nhanh chóng làm các xét nghiệm và chẩn đoán tôi bị đột quỵ, đồng thời khẩn trương cấp cứu. Vậy là cả Tết, tôi nằm trong bệnh viện, được các y, bác sĩ chăm sóc, điều trị, động viên, chúc Tết.

Công tác ở Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên đã nhiều năm, bác sĩ Nguyễn Thị Giang, khoa Sơ sinh chia sẻ: Dịp lễ, Tết, đội ngũ y, bác sĩ vất vả hơn bởi nhân lực ít hơn ngày thường. Với tôi, còn đặc biệt hơn nhiều đồng nghiệp khác là cả 2 vợ chồng cùng công tác tại bệnh viện. Vì vậy, kỳ nghỉ Tết nào, 2 vợ chồng cũng đều có lịch trực. Bắt đầu có lịch nghỉ Tết, chúng tôi đưa 2 con về ông bà nội. Đây cũng là dịp để các cháu gần gũi ông bà nhiều hơn, trải nghiệm việc chuẩn bị Tết cổ truyền của dân tộc, được đón Tết cùng với ông bà. Tôi tranh thủ thời gian ngoài giờ làm mua sắm thực phẩm gửi bố mẹ để làm cơm cúng tổ tiên. Có những năm, chiều 30 Tết, 2 vợ chồng cùng được nghỉ mới dạo qua chợ hoa mua đào, quất. Chúng tôi nhận được sự chia sẻ, động viên của gia đình 2 bên nội ngoại nên yên tâm làm nhiệm vụ. Tại Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên, trong kỳ nghỉ Tết hàng năm, có khoảng trên 200 bệnh nhân phải ở lại điều trị, ngoài ra, bệnh viện đón bệnh nhân vào khám. Bệnh viện xây dựng kế hoạch trực Tết từng khoa; bố trí linh hoạt thời gian trực Tết đối với cán bộ, y, bác sĩ. Đêm 30 Tết là thời điểm kíp trực quây quần tất niên, được lãnh đạo bệnh viện chúc Tết, mừng tuổi và cùng nhau đón năm mới tại bệnh viện. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hữu, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Hưng Yên cho biết, chiều 30 Tết hàng năm, lãnh đạo bệnh viện đi thăm, động viên, tặng quà Tết, bánh chưng, giò cho những bệnh nhân điều trị tại bệnh viện trong những ngày Tết, tạo không khí gần gũi, ấm cúng để bệnh nhân bớt nhớ nhà trong ngày Tết cổ truyền. Có nhiều năm rất ý nghĩa đối với kíp trực khi đón một công dân chào đời ngay thời khắc giao thừa, chuyển giao năm cũ và năm mới. Bệnh viện mừng tuổi và coi đó là niềm vui, hạnh phúc, may mắn cho cả năm mới… Sau mỗi ca cấp cứu, sau công việc chuyên môn, các y, bác sĩ lại đọc những dòng tin chúc Tết của người thân, bạn bè trong niềm xúc động và cảm xúc của ngày Tết cổ truyền. Cảm ơn những hy sinh thầm lặng của đội ngũ y, bác sĩ đã gác lại tình cảm riêng tư, niềm vui đoàn viên, sum vầy để người dân yên tâm đón Tết an lành, may mắn.

Đào Doan

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202301/cong-hien-tham-lang-cua-doi-ngu-y-bac-si-a96047e/