Công khai ngân sách: Khung pháp lý và quyết tâm đã có nhưng vẫn cần thêm chế tài

Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính - khẳng định, khuôn khổ pháp luật về công khai, minh bạch ngân sách khá đầy đủ, các cấp quản lý đã quyết tâm thực thi nhưng vẫn có đơn vị chưa thực hiện do thiếu chế tài xử lý. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, bổ sung vấn đề này khi sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).

Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tân. Ảnh: X.HỒNG

Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Nguyễn Minh Tân. Ảnh: X.HỒNG

3 yếu tố giúp công khai ngân sách được cải thiện

Vấn đề công khai, minh bạch ngân sách được Đảng, Nhà nước rất chú trọng và việc thực hiện nhiệm vụ này đã có nhiều tiến bộ. Chỉ ra các yếu tố giúp cải thiện chỉ số công khai ngân sách, ông Nguyễn Minh Tân cho biết, điểm mấu chốt là khung khổ pháp lý từng bước được hoàn thiện bằng việc ban hành Luật NSNN năm 2015, có hiệu lực thi hành từ năm 2017. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN.

4 năm gần đây, việc áp dụng ngân sách công dân ở cấp Trung ương đã tạo được sức lan tỏa khá tốt trong các Bộ, ngành và địa phương. Bộ Tài chính cũng đang nhân rộng mô hình này để các địa phương có thể học tập và xây dựng ngân sách công dân ở địa phương.

Ông Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước

Tiếp đó, Bộ Tài chính ban hành các Thông tư hướng dẫn về công khai ngân sách đối với các cấp chính quyền cũng như đối với các đơn vị sử dụng ngân sách và các tổ chức được NSNN hỗ trợ. Luật NSNN năm 2015 đã quy định rõ ràng và khá toàn diện nội dung, phạm vi, quy trình, mẫu biểu cũng như thời gian thực hiện việc công khai, minh bạch ngân sách, từ các dự toán Chính phủ trình Quốc hội, dự toán Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân, các báo cáo về tình hình thực hiện thu, chi ngân sách trong quý, 6 tháng, 9 tháng, các vấn đề liên quan đến báo cáo quyết toán ngân sách và báo cáo thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Đây là bước tiến rất lớn về luật pháp.

Yếu tố thứ hai góp phần làm cho chỉ số công khai, minh bạch ngân sách của Việt Nam được cải thiện chính là ý thức tổ chức thực hiện. Bộ Tài chính đã tuân thủ rất nghiêm quy chế công khai, minh bạch ngân sách. Khi thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội dự toán hằng năm, Bộ Tài chính đều đăng công khai. Sau khi Quốc hội biểu quyết dự toán ngân sách năm, Bộ cũng tiếp tục công khai đúng thời hạn quy định. Trong quá trình điều hành, hằng quý, 6 tháng, 9 tháng, Bộ Tài chính có báo cáo công khai ngân sách để đăng trên các phương tiện truyền thông. Cùng với đó, Bộ cũng đã đôn đốc các địa phương thông qua việc giám sát Cổng thông tin công khai ngân sách của địa phương, qua đó giúp các địa phương tuân thủ tốt hơn quy định về công khai ngân sách. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn nghiên cứu, áp dụng thông lệ quốc tế trong việc xây dựng báo cáo ngân sách công dân và đây cũng chính là điểm cộng đối với công khai, minh bạch của nước ta trong mấy năm gần đây. Ở góc độ địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh đã sâu sát trong công tác chỉ đạo công khai ngân sách. Các sở tài chính cũng đã tuân thủ đúng quy định về công khai ngân sách, qua đó giúp người dân ở cấp phường, cấp xã, huyện quan tâm nhiều hơn đến NSNN nói chung cũng như ngân sách địa phương nói riêng.

Thứ ba, Bộ Tài chính cũng đã, đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm tốt để quản lý ngân sách. Thực tế, 4 năm gần đây, việc áp dụng ngân sách công dân ở cấp Trung ương đã tạo được sức lan tỏa khá tốt trong các Bộ, ngành và địa phương. Bộ Tài chính cũng đang nhân rộng mô hình này để các địa phương có thể học tập và xây dựng ngân sách công dân ở địa phương - ông Nguyễn Minh Tân cho biết.

Vì sao công chúng chưa tham gia nhiều vào quá trình xây dựng dự toán?

Các quy định về công khai, minh bạch ngân sách đều đưa ra các điều kiện tốt nhất để người dân tham gia quá trình xây dựng dự toán và giám sát việc thực hiện. Bất kỳ một chính sách, chế độ nào của Nhà nước trước khi ban hành đều phải tuân thủ quy trình và xin ý kiến người dân, đặc biệt là đối tượng chịu ảnh hưởng. Ví dụ, khi xây dựng dự Luật Thuế hay một khoản thu nào đó đều phải gửi xin ý kiến các đối tượng chịu tác động, sau đó, Bộ Tài chính đăng trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài chính để lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình cấp thẩm quyền ban hành. Các vấn đề liên quan đến chi tiêu cũng vậy. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), sự tham gia của công chúng vào quá trình này tại Việt Nam còn thấp, mới đạt 19/100. Thế nhưng, so với bình quân chung của thế giới thì tỷ lệ này của nước ta vẫn ở mức cao, bởi vì chỉ số bình quân chung của toàn cầu chỉ là 15/100.

Các quy định về công khai, minh bạch ngân sách đều đưa ra các điều kiện tốt nhất để người dân tham gia quá trình xây dựng dự toán và giám sát việc thực hiện. Ảnh minh họa

Các quy định về công khai, minh bạch ngân sách đều đưa ra các điều kiện tốt nhất để người dân tham gia quá trình xây dựng dự toán và giám sát việc thực hiện. Ảnh minh họa

Vì sao sự tham gia của công chúng vào quy trình ngân sách còn thấp? Khảo sát trong năm 2024 của Bộ Tài chính tại 9 địa phương về tình hình công khai ngân sách cho thấy, dù các quy định về công khai ngân sách đã đầy đủ nhưng dường như thông tin được ban hành chưa thực sự phù hợp, sát đúng với nhu cầu của bà con, đặc biệt là bà con ở cấp thôn bản. Kết quả tìm hiểu cho thấy, bà con chỉ quan tâm đến địa bàn mình sinh sống, còn những thông tin ở xa như Trung ương, bà con không nắm được. Điều này cũng giống như việc, chúng ta muốn bày mâm cỗ ngon nhưng bà con lại không thưởng thức được. Chẳng hạn, bà con chỉ quan tâm, năm 2024, thôn của họ có công trình nào xây dựng, Nhà nước có chính sách gì hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, đảm bảo an sinh xã hội thế nào?... Vì vậy, trong tương lai, các cơ quan quản lý sẽ phải nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương, đối tượng, từng cấp.

Không chỉ có vậy, lĩnh vực tài chính, ngân sách là lĩnh vực hẹp, người có nghề mới đọc được, đa phần những tài liệu công khai này dường như mới chỉ đến những người làm công tác nghiên cứu. Hơn nữa, còn có tình trạng chậm, muộn và không đầy đủ trong việc công khai thông tin theo quy định hoặc chỉ công khai số liệu mà không thuyết minh. Nguyên nhân thứ 3 này thuộc về cơ quan nhà nước.

Ông Nguyễn Minh Tân khẳng định, khuôn khổ pháp luật về công khai, minh bạch ngân sách thì tương đối đầy đủ, quyết tâm của các cấp đều có nhưng vẫn có đơn vị chưa thực hiện công khai, minh bạch ngân sách do thiếu chế tài. Sắp tới, khi sửa đổi toàn diện Luật NSNN, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để có thể đưa chế tài đối với vấn đề này vào trong Luật.

Ngoài ra, khảo sát của Bộ Tài chính cho thấy năng lực của cán bộ cấp xã cũng còn bất cập. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giáo dục về ý thức tuân thủ pháp luật, cần tăng cường năng lực cho cán bộ cấp dưới để cải thiện hơn nữa các chỉ số công khai, minh bạch ngân sách./.

THÙY ANH (ghi)

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/cong-khai-ngan-sach-khung-phap-ly-va-quyet-tam-da-co-nhung-van-can-them-che-tai-35387.html