Công nghệ cũ và mới tồn tại song song trong văn hóa, xã hội Nhật Bản

Nhật Bản có tư duy kế thừa rất mạnh. Công nghệ cũ vẫn tồn tại song song và phổ biến bên cạnh công nghệ tân tiến. Cùng tham khảo kinh nghiệm Nhật Bản bảo tồn giá trị truyền thống trong phát triển công nghệ số…

Nhật Bản là quê hương của một số hãng công nghệ hàng đầu thế giới. Cuối thế kỷ XX, Nhật Bản đã là một trong những quốc gia dẫn đầu xu hướng phát triển công nghiệp và có tốc độ tăng trưởng kinh tế đáng ngưỡng mộ. Một trong những “bí quyết” để đạt được thành công đó là Nhật Bản đã tập trung phát triển và làm chủ một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Thế nhưng, điều kỳ lạ là những công nghệ cũ hơn như máy fax, đĩa mềm...vẫn tồn tại trong đời sống và nền hành chính công của “đất nước mặt trời mọc”. Thậm chí, năm 2018, Bộ trưởng An ninh mạng Yoshitaka Sakurada từng gây sốc khi thừa nhận ông chưa bao giờ sử dụng máy tính. Mãi đến năm 2019, nước này cũng mới đóng cửa dịch vụ tin nhắn bằng máy nhắn tin...Và còn rất nhiều thứ khác nữa..

Hanko. Ảnh: Bùi Hùng.

Hanko. Ảnh: Bùi Hùng.

Hanko - con dấu hòa trộn công nghệ và văn hóa truyền thống

Nhật Bản có lẽ là một trong ít quốc gia đang dùng con dấu cá nhân (hanko). Hanko chính là con dấu cá nhân, có khắc tên của từng người thường được dùng để thay thế chữ ký bình thường trong các văn bản tại Nhật. Hanko được xem như là một vật dụng mà người Nhật nào cũng phải có, bạn có thể ký tên vào các văn bản hành chính, giấy xác nhận ngân hàng, hóa đơn, hợp đồng… chỉ bằng một con dấu. Đường kính của một con dấu thường dao động từ 8-25mm.

Con dấu được sử dụng cho mục đích chính trị lần đầu tiên ở Nhật Bản là vào thời Nara, thế kỷ thứ 8 và tồn tại cho đến ngày nay.

Đối với những người nước ngoài thì con dấu này mới đầu có vẻ hơi phiền toái, bởi ai cũng nghĩ là nó chỉ mang tính cá nhân, hay phải mang theo người lúc cần xác nhận gì đó thay vì chỉ cần ký là xong. Nhưng trên thực tế, nó có giá trị pháp luật rất cao. Ví dụ như khi đã đóng dấu vào văn bản liên quan đến ngân hàng chẳng hạn thì nó sẽ loại bỏ lớn những khả năng rủi ro làm giả chữ ký, con dấu. Vì hanko có rất nhiều loại, mà mỗi người thì khắc tên theo mẫu khác nhau, chất liệu khác nhau, nên việc làm giả rất khó.

Khi sử dụng hanko, mọi người thấy không phiền toái mà thấy thú vị. Ngoài ra, nếu hanko được làm bằng sừng, có hộp đẹp thì nó giống như một vật trang sức. Nó giống như một nét văn hóa ngoại quốc mà mình được trải nghiệm.

Còn riêng về đĩa mềm, Nhật Bản cũng không còn dùng nhiều như trước, nhưng nó vẫn được dùng như một kiểu lưu trữ tư liệu một cách an toàn nhất. Bởi dữ liệu cất trong máy tính có thế mất bất cứ lúc nào. Mặt khác, trong văn hóa Nhật Bản có một nguyên tắc là sẽ không loại bỏ triệt để cái gì, vì mỗi phát minh của con người đều là sản phẩm văn minh trong từng giai đoạn lịch sử, và con người cần kế thừa nó, và ngay khi nó trở thành di sản thì giá trị càng cao.

Vào những năm cuối của thập kỷ 1990, đã có ý kiến của một số đảng của Nhật Bản về con dấu hanko. Nhưng ý kiến này đã bị phản đối mạnh mẽ, và hanko vẫn tồn tại và phát triển cùng dòng chảy xã hội hiện đại. Mặc dù Nhật Bản là nước có nền công nghệ hàng đầu thế giới, tự động hóa gần như ở mức triệt để, từ nhà vệ sinh tự động, bán vé tàu tự động…nhưng vẫn duy trì những thứ mà các nước khác gần như loại bỏ.

Ví dụ như chương trình tiếng Nhật Bản của Đài Tiếng nói Việt Nam, hàng năm vẫn nhận được hàng trăm lá thư tay từ thính giả Nhật Bản, bởi thư tay vẫn tồn tại như một phong cách con người Nhật Bản. Thư tay là thứ tình cảm đặc biệt vừa thể hiện được sự yêu thương bằng nét chữ, cảm xúc buồn vui bằng ngôn ngữ viết.

Con dấu hanko vẫn còn tồn tại, vì nó tạo nên một đặc sắc trong văn hóa Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu xét trên phương diện kinh tế và đời sống thì thay đổi con dấu thành chữ ký tay hoặc ký số có thể là một tổn thất lớn. Rất nhiều người sẽ gặp rắc rối khi ngành công nghiệp con dấu không còn nữa.

Thứ nhất, đó là những người kinh doanh con dấu. Quy mô của ngành công nghiệp con dấu Nhật Bản là 300 tỷ yen và có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh con dấu trên toàn quốc. Nếu văn hóa con dấu bị bãi bỏ, người ta ước tính lợi ích thu được không bù đắp được sự thất thoát của cải cũng như sự thất nghiệp của người kinh doanh con dấu.

Thứ hai, đó là tầng lớp người lớn tuổi tại Nhật Bản. Họ đã quen với việc dùng con dấu trong hàng chục năm, hơn nữa tên kanji viết tay cũng đòi hỏi sự tinh mắt và sức lực, vốn là hai thứ ngày càng xa rời những người già. Vì vậy, nếu con dấu bị vô hiệu hóa, người già sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Bảo tồn di sản là một phần trong chiến lược xây dựng xã hội siêu thông minh của Nhật Bản. Trong ảnh là Kinkakuji, Kyoto. Ảnh: Bùi Hùng.

Bảo tồn di sản là một phần trong chiến lược xây dựng xã hội siêu thông minh của Nhật Bản. Trong ảnh là Kinkakuji, Kyoto. Ảnh: Bùi Hùng.

Xã hội siêu thông minh và giá trị truyền thống

Trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là số hóa các hoạt động chính phủ. Năm ngoái, Chính phủ Nhật Bản thành lập một cơ quan kỹ thuật số nhằm dẫn dắt một cuộc cải cách lớn về số hóa toàn bộ xã hội.

Nhật Bản có hẳn một Bộ kỹ thuật số. Bộ này có vai trò chuyển đổi số triệt để trong tất cả các lĩnh vực, trong doanh nghiệp, công sở. Trên thực tế công nghệ số đã thực hiện ở Nhật Bản từ mấy chục năm trước.

Hiện tại, Nhật Bản đang thực hiện “Xã hội 5.0” hay còn gọi là “Xã hội siêu thông minh”. Cụ thể Nhật Bản sẽ áp dụng xây dựng xã hội phong phú dựa trên sự phong phú giữa sản xuất, lưu thông và mua bán, sự toàn diện của giao thông, hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe, nền tài chính, dịch vụ công cộng.

Xã hội 5.0 của Nhật Bản chính là sự xúc tiến số hóa chính phủ, công nghiệp và xã hội dựa trên vận dụng những ưu thế của sự đa dạng dữ liệu và sự phát triển của kỹ thuật mới trong quá trình từ “giải quyết vấn đề” đến “sáng tạo tương lai”. Có thể nói xã hội 5.0 của Nhật Bản bao quát được cả “công nghiệp 4.0” của nhiều nước đang thực hiện.

Có thể tóm gọn về xã hội 5.0 là tạo ra một xã hội mà trong đó cung cấp dịch vụ cần thiết cho người cần thiết vào lúc cần thiết, đáp ứng nhanh những nhu cầu cần thiết của xã hội. Tất cả mọi người đều có thể tiếp nhận dịch vụ chất lượng cao, vượt qua nhiều rào cản về tuổi tác, giới tính, khu vực, ngôn ngữ, sống một cuộc sống dễ chịu và thoải mái.

Với ý nghĩa như vậy, người Nhật Bản đã có thể xem truyền hình 8K, người bệnh được chăm sóc bằng robot…và cải cách hành chính nói cho cùng là con người phải thực sự thuận lợi trong lúc sử dụng dịch vụ, công cụ hay thỏa mãn nhu cầu nào đó.

Tự động hóa gần như tối ưu tại Nhật Bản. Tuy nhiên, có những giá trị mà công nghệ số không thể mang lại, đặc biệt là truyền thống và cảm xúc. Do đó, sự tồn tại song song của yếu tố truyền thống bên cạnh nền tảng công nghệ giúp Nhật Bản phát triển mạnh mẽ, nhưng cũng giữ gìn được bản sắc riêng biệt của một dân tộc mà đã khiến cả thế giới thán phục. Đó là một kinh nghiệm đối với các nước khi áp dụng công nghệ số vào toàn xã hội./.

Bùi Hùng/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/cong-nghe-cu-va-moi-ton-tai-song-song-trong-van-hoa-xa-hoi-nhat-ban-post957631.vov