Công nghiệp ô tô Việt Nam và những 'cú lội ngược dòng'
Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam muốn phát triển thì không gì bằng 'tự lực'. Mà muốn 'tự lực' thì không thể thiếu vài trò của các doanh nghiệp 'mang yếu tố Việt' như THACO, VinFast hay Hyundai Thành Công. Họ chính là 3 cái tên tạo ra những 'cú lội ngược dòng'.
Mới đây, Công ty CP Sản xuất Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam - Liên doanh sản xuất giữa TC Group (Tập đoàn Thành Công) và Hyundai Motor đã tổ chức Lễ xuất khẩu xe ô tô Hyundai Palisade sang thị trường Thái Lan. Sự kiện được tổ chức tại Nhà máy Hyundai Thành Công số 1, thuộc Khu công nghiệp Gián Khẩu, tỉnh Ninh Bình.
Đó là một sự kiện nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Nó chứng tỏ một điều, nếu trước kia các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam chỉ đơn thuần lắp ráp và nhập khẩu thì nay đang “ngược dòng” xuất khẩu xe ra các thị trường lớn trên thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch HĐQT của Thành Công Group, ông Nguyễn Anh Tuấn cũng dùng từ “ngược dòng” để nói về bước đi của Hyundai Thành Công. Theo ông Tuấn, ngoài việc xuất khẩu mẫu Hyundai Palisade, Hyundai Thành Công còn đặt mục tiêu mở rộng xuất khẩu các dòng xe khác trong phân khúc B, B-SUV, D-SUV, D-MPV sang các thị trường khác như Myanmar, Philippines, Indonesia và các quốc gia khác tại Đông Nam Á. Đây cũng là minh chứng cho chất lượng toàn cầu của sản phẩm ô tô thương hiệu Hyundai được sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, góp phần nâng tầm vị thế của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trên bản đồ khu vực.
Thực tế, “bước đi” của Hyundai Thành Công cũng là “bước đi” mà Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã thực hiện cách đây 4 năm. Thời điểm đó (thời điểm năm 2020), trong khi một số “ông lớn” đã và đang thu hẹp sản xuất, chỉ duy trì mẫu xe có doanh số lớn và chuyển sang nhập khẩu xe về phân phối thay cho lắp ráp như trước đây thì THACO đã tạo ra một “làn sóng ngược” – nghĩa là mở rộng sản xuất và hướng tới xuất khẩu.
Những ngày cuối năm 2020, cảng Chu Lai, Quảng Nam thêm bận rộn vì hàng loạt container ô tô và linh kiện phụ tùng của THACO được đưa lên tàu để xuất khẩu. Tổng kết năm 2020, với hơn 1.400 ô tô các loại, và hàng nghìn tấn linh kiện, phụ tùng đã đem về cho THACO gần 50 triệu USD kim ngạch xuất khẩu.
Quý I năm 2021, THACO đã xuất khẩu hơn 200 ô tô và linh kiện phụ tùng sang các thị trường Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là lô hàng có số lượng lớn nhất từ trước đến nay, gồm xe du lịch KIA, xe bus và sơmi rơmoóc được sản xuất tại các nhà máy thuộc KCN Thaco Chu Lai. Đây cũng là cơ sở để THACO tự tin hoàn thành kế hoạch năm 2021 xuất khẩu khoảng 2.500 xe, bao gồm gần 1.800 xe du lịch, hơn 70 xe tải và bus, hơn 630 Sơmi rơmoóc.
Xuất khẩu ô tô sang Thái Lan là “làn sóng ngược” của nước ta vốn chỉ có dòng chảy ô tô từ Thái Lan sang Việt Nam. Bởi lẽ, ngoài việc là trung tâm sản xuất ô tô lớn của Đông Nam Á thì chính sách và thủ tục nhập khẩu vào Thái Lan khắt khe hơn các thị trường khác nhằm bảo hộ doanh nghiệp trong nước.
Tuy nhiên, khi Atiga mở ra, nhiều mẫu xe của THACO, mới đây nhất là của Hyundai Thành Công có tỷ lệ nội địa hóa lên trên 40%, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content) để hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang các thị trường ASEAN, nên đã cạnh tranh được tại thị trường Thái Lan.
Mẫu xe Kia Grand Carnival do THACO sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng Kia toàn cầu và tỷ lệ nội địa hóa trên 40%; mẫu xe bus của Thaco xuất khẩu sang Thái Lan cho Công ty VOLVO Buses - nhà sản xuất xe bus lớn nhất thế giới thuộc VOLVO Group.
Mẫu xe này đáp ứng được yêu cầu của VOLVO về công nghệ, chất lượng, độ an toàn và giá cạnh tranh; đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 60% và đạt các tiêu chuẩn, chứng nhận tại Thái Lan (về thiết kế, về kích thước, các chứng nhận ECE...), nên được VOLVO Buses tại Thái Lan lựa chọn nhập khẩu và phân phối.
Trước đó, THACO đã xuất khẩu xe bus với tỷ lệ nội địa hóa trên 60% sang Philippines, Thái Lan, Singapore, xe du lịch, xe tải có tỷ lệ nội địa hóa 40% sang Thái Lan, Myanmar, Campuchia.
Nói đến vai trò của các doanh nghiệp ô tô trong nước đối với ngành ô tô Việt Nam không thể không nhắc tới cái tên VinFast. Còn nhớ, năm 2018, VinFast thực sự đã hâm nóng cả Việt Nam cũng như trên thế giới khi hãng xe hơi thương hiệu Việt đã chính thức bước ra vũ đài sản xuất ô tô thế giới qua sự kiện giới thiệu hai mẫu xe đầu tiên của mình tại Paris Motor Show 2018.
Người dân Việt Nam không khỏi tự hào khi vị nữ chủ tịch của VinFast lúc bấy giờ, bà Lê Thị Thu Thủy phát biểu mở đầu tại sự kiện ra mắt hai mẫu xe ở Paris Motor Show 2018: "Chúng tôi rất vui mừng bởi kể từ lúc này, Việt Nam đã chính thức có tên trên bản đồ ngành công nghiệp chế tạo xe hơi thế giới".
Và quả thật, sau những bước đi thần tốc, những thành công ban đầu nhanh chóng của VinFast, người Việt cảm nhận "giấc mơ ô tô Việt" chưa bao giờ gần hơn thế. VinFast không chỉ đại diện cho khát vọng thương hiệu ô tô Việt, mà còn là dự án tạo động lực để thúc đẩy cả một nền sản xuất công nghiệp vốn đang “chưa đi tới đâu”.
Vậy sau 6 năm VinFast đã làm được những gì? Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện tại Cát Hải - Hải Phòng là “cái nôi” xuất khẩu xe đi khắp thế giới, từ những thị trường khó tính như Mỹ, Canada, châu Âu, đến các thị trường láng giềng như Indonesia, Ấn Độ, Philippines, Thái Lan và mới đây nhất là Trung Đông. Hãng này cũng xây dựng 2 nhà máy sản xuất xe điện, một tại Mỹ, một tại Ấn Độ, mở hàng trăm đại lý trên toàn cầu. Hàng nghìn chiếc xe điện đủ phân khúc lăn bánh ngoài Việt Nam. Điều mà cách đây chỉ khoảng chục năm, những người theo dõi ngành ô tô, dù lạc quan lắm cũng không dám nghĩ tới.
Để giấc mơ ngành công nghiệp ô tô sớm thành hiện thực và lớn mạnh, đúng là không thể thiếu những “cú lội ngược dòng” của THACO, Hyundai Thành Công hay VinFast. Và ngẫm lại, công nghiệp ô tô Việt Nam muốn đi lên, vẫn chủ yếu dựa vào những doanh nghiệp “đậm dấu ấn Việt” như 3 cái tên nói trên.