Công nhân cấp nước ở vùng biên

Trung bình mỗi tháng, một công nhân đội cấp nước Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đi bộ khoảng 60 cây số. Tính chung cả đội có năm người sẽ đi bộ 300 cây số để kiểm tra, vệ sinh đập đầu mối và hệ thống dẫn nước từ đập đầu mối về nhà máy. Ngoài ra, họ còn đảm đương sản xuất, cấp nước phục vụ hơn 1.000 khách hàng và các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chính trị-xã hội trên địa bàn huyện vùng biên xa xôi. Việc vất vả, lương không cao, chế độ vùng đặc thù không được hưởng, thế nhưng, mỗi ngày họ vẫn miệt mài với công việc được giao...

Vệ sinh đập đầu mối là công việc hằng ngày của công nhân đội cấp nước Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Vệ sinh đập đầu mối là công việc hằng ngày của công nhân đội cấp nước Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Đúng hẹn, 7 giờ sáng một ngày cuối tháng 2 chúng tôi có mặt ở Nhà máy cấp nước Mường Nhé thuộc địa phận xã Mường Nhé, để cùng anh em đội cấp nước đi kiểm tra tuyến ống, đập đầu mối. Phân công từng người chịu trách nhiệm đưa đoàn, trước lúc xuất phát, đội trưởng Trần Hưng Đạo nói rõ lịch trình: Từ nhà máy đến đập đầu mối dài hơn 5km, nhưng chỉ 2km đi được xe máy, còn hơn 3km phải đi bộ theo đường mòn xuyên rừng; thời gian di chuyển dự kiến hơn một giờ nhưng có thể dài hơn, miễn sao an toàn.

Nghe đội trưởng Đạo nhắc hai từ “an toàn”, tôi chợt thấy ái ngại. Như hiểu điều ấy, Đạo chủ động trấn an: Không có gì đáng sợ đâu! Chỉ là em nhắc để mọi người không chủ quan bởi trên đường đi cũng có thể có cây gãy, cành rơi hoặc qua dốc cua ngoằn ngoèo khúc khuỷu thì mọi người chủ động tránh. Anh em trong đội chúng em quen rồi, chỉ lo các anh chị đoàn mình đi lần đầu nên em nhắc.

Đúng như lời đội trưởng Đạo, đoạn đường 2km từ nhà máy đến địa phận Đồn Biên phòng Mường Nhé rất thuận lợi. Đường nhựa, xe chạy êm ru. Nhưng đoạn đường từ Đồn Biên phòng Mường Nhé đi đập đầu mối thì hoàn toàn khác. Người ở thành phố không thể hình dung nổi, vì sao hai đoạn đường chỉ cách nhau vài bước chân đã như ở hai thế giới. Chỉ tay vào con đường mòn dẫn qua nương ngô trước mắt, anh Hờ A Chù - người thuộc đường như lòng bàn tay, liền nói: Bắt đầu từ đây, qua nương ngô, nương lúa, qua rừng, qua vực và qua dốc sẽ đến đập đầu mối. Mọi người cứ thong thả đi, mệt ở đâu ta nghỉ ở đó. Vừa nói anh vừa bước nhanh lên phía trước dẫn đoàn.

Hăm hở bước theo sau anh Chù, mấy vị khách trong đoàn như chẳng để tâm đến đoạn đường phía trước, bởi lúc này người nào người ấy đều choáng ngợp trước không gian khoáng đạt ở vùng biên cương. Đi sau cùng như cách “khóa đuôi” bảo đảm an toàn cho mọi người, Đạo còn đem theo túi đồ nghề với lỉnh kỉnh dao, ốc, tua-vít... Và lúc này, nhìn anh đã rõ vai “thủ lĩnh”, khác hoàn toàn dáng vẻ thư sinh!

Lùi lại đi cùng Đạo, tôi khẽ hỏi: “Cả đội cấp nước Mường Nhé có mấy thành viên? Công việc hằng ngày của anh em gồm những gì?”, Đạo cười khiêm tốn và nói: Đội em có năm người, trong đó bốn nam, một nữ. Về dân tộc thì có ba, gồm: Kinh, Hà Nhì, H Mông. Người cao tuổi nhất, thâm niên làm việc tại đội nhiều nhất là anh Hờ A Chù, sinh năm 1974. Trước đây, anh Chù làm tại đội cấp nước Tủa Chùa, đến năm 2012, anh được công ty điều động về đội Mường Nhé. Người ít tuổi nhất trong đội là Phạm Huy Toàn, sinh năm 1999, mới được phân công về đội từ năm 2020. Người về đội sau anh Chù là em, em được công ty phân về đội từ năm 2015 và là đội trưởng từ đó đến bây giờ!

Giọng nhẹ nhàng, Đạo kể tiếp: Công việc hằng ngày của anh em trong đội là sản xuất, bảo đảm cấp nước tại nhà máy; kiểm tra đường tuyến, đập đầu mối; tiếp nhận thông tin phản ánh sự cố hư hỏng làm mất nước, ảnh hưởng nước sinh hoạt khi khách hàng phản ánh và việc theo chu kỳ hằng tháng là ghi công tơ để thu tiền nước từ khách hàng.

Để hoàn thành các việc được giao, Đạo phải xây dựng kế hoạch, phân công việc tỉ mỉ từng ngày cho từng người; trong đó chỉ có một ưu tiên là không giao việc đi kiểm tra đường tuyến, đập đầu mối cho Vừ Hờ Pứ vì Pứ là thành viên nữ duy nhất trong đội, lại có hai con nhỏ. Còn bốn người thì không phân biệt đội trưởng với công nhân đều luân phiên đi kiểm tra đường ống đập đầu mối theo ngày. Cứ như thế, người nào đến lịch thì lên đường đi tuyến; những người khác ở nhà trực sản xuất, trực tiếp nhận tin để sửa chữa ngay khi nhận phản ánh từ khách hàng.

Công việc lặp đi lặp lại ngày này qua ngày khác, song để hoàn thành lại không dễ dàng gì. Ví như chuyến đi tuyến hôm nay, với những người khách như chúng tôi thì là một trải nghiệm thực tế, khám phá lạ, nhưng với mỗi công nhân như anh Chù, đội trưởng Đạo, em Toàn thì đi tuyến còn là trách nhiệm, lương tâm. Anh Chù nói: “Một mình khắc đi khắc đến đập đầu mối. Trên đường đi phải theo sát tuyến để nhặt đá, khơi dòng. Mùa mưa cây khô cành gãy dồn về nhiều lắm. Có khi khơi dòng mất cả ngày không xong. Vậy nhưng, anh em tôi luôn làm xong việc mới về...”.

Chuyện về công việc của anh em đội cấp nước Mường Nhé như đưa chúng tôi đến đập đầu mối nhanh hơn. Dừng chân trước con suối rộng lòng lổn nhổn đá, anh Chù thông báo đoàn đã đến đầu nguồn. Rồi anh chỉ vách ngăn thu nước, rào chắn rác, mương dẫn nước về nhà máy. Cạnh đó có một đường dẫn nhỏ hơn là nguồn dẫn nước sinh hoạt, sản xuất của người dân hai bản Nà Pán và Nậm Là. Mùa này, nước đầu nguồn không nhiều song vẫn đủ chia dòng phục vụ sản xuất tại nhà máy và phục vụ sản xuất, sinh hoạt của hơn 200 gia đình thuộc hai bản. Thế nhưng chỉ ít ngày nữa thôi, nước nguồn sẽ ít hơn rất nhiều và khi ấy, mùa làm nương mới bắt đầu. Việc khan hiếm nước đầu nguồn lại trở thành vấn đề “nóng bỏng” với cả anh em đội nước và người dân.

Chính vì thế, mà ngay trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, Đạo và thành viên đội đã dành thời gian khảo sát tỉ mỉ toàn tuyến, đánh giá từng điểm có nguy cơ tắc, bục có thể thất thoát nước để chủ động khắc phục hoặc đề nghị công ty kịp thời thay thế. Tại đập đầu mối, họ đã dành cả tuần trời nạo bùn, nhặt đá quanh lòng suối; hỗ trợ người dân hai bản vệ sinh, khơi dòng dẫn nước, sao cho hạn chế đến mức thấp nhất lượng nước nguồn bị thất thoát. Các việc có thể nghĩ được thì họ đã gắng sức làm kỳ được, nhưng khô hạn hay thiên tai thì không thể lường, bởi vậy bắt đầu vào mùa khô là mỗi công nhân đội cấp nước Mường Nhé lại canh cánh nỗi lo.

Nhắc lại vụ mâu thuẫn vì nước nguồn xảy ra tháng 5/2020, Đạo kể: Thời điểm đó do khô hạn nước nguồn khan hiếm hơn, lại thêm người dân mất việc do dịch Covid-19 dồn về địa phương làm nương nhiều hơn khiến tình trạng thiếu nước trở nên trầm trọng. Dù đội đã thống nhất với hai trưởng bản cùng người dân về thời gian luân phiên đóng máng theo tinh thần bảo đảm nước tối thiểu phục vụ sinh hoạt cho khách hàng, đồng thời bảo đảm cho người dân hai bản sinh hoạt, sản xuất thế nhưng lo lỡ vụ sản xuất nên một số người dân ở bản Nậm Là đã chặn nguồn dẫn về nhà máy cả ngày trời khiến hơn 1.000 khách hàng thiếu nước trầm trọng.

Để giải quyết Đạo đến gặp người dân, trưởng bản Nậm Là giải thích thực trạng để bà con hiểu, chia sẻ khó khăn thực tế chứ không phải do nhà máy lấy nhiều làm cạn nguồn nước như một số đối tượng xấu kích động. Cùng với đó, Đạo còn chủ động làm việc với chính quyền xã Mường Nhé đề nghị vào cuộc tuyên truyền, giải thích cặn kẽ để người dân hiểu, hợp tác lâu dài. Làm theo cách đó, hai năm nay người dân các bản đã đồng thuận, chung ý thức bảo vệ, giữ rừng đầu nguồn, tình trạng nảy sinh mâu thuẫn từ nguồn nước cũng nhờ đó đã được giải quyết.

Công việc vất vả, khó nhọc là thế nhưng thu nhập của Đạo và công nhân toàn đội lại không nhiều. Hiện tại, đội trưởng như Đạo có mức lương cao nhất hơn 6,6 triệu đồng; tiếp theo đến anh Chù, công nhân có hơn 20 năm công tác hưởng lương hơn 5 triệu đồng; còn những người mới như Pứ, Toàn lương dao động từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Với đồng lương ấy dù có tính toán chi tiêu tằn tiện thì họ cũng chẳng dư được là bao. Có lẽ vì thế mà thanh niên độc thân như Toàn dù rất nhớ bố mẹ ở thành phố cũng chẳng mấy khi về. Và có lẽ, cũng vì thế mà gia đình nhỏ của Đạo cứ “rối tinh lên” mỗi khi hai con nhỏ thay nhau ốm lúc thời tiết thay đổi...

Sáng hôm ấy, trong lúc đợi Đạo cùng mấy anh em đội nước vệ sinh đập đầu mối, tôi đi loanh quanh khu vực đầu nguồn suối Mường Nhé ở ngọn núi trên 1.000m so với mực nước biển. Nhìn từng hàng cây nghiêng mình bên dòng suối tôi như thấy ở đó có cả bóng hình những công nhân như anh Chù, em Đạo, em Toàn... vẫn ngày ngày lặng lẽ nhặt đá, khơi dòng. Bất giác tôi như hiểu hơn ý nghĩa việc họ làm vượt trên cả trách nhiệm, vì trong tim họ còn mang niềm tin ấm áp ân tình. Mà điều ấy tôi đã từng nghe Đạo tâm sự khi đón lãnh đạo công ty trao quà Tết vừa qua: Không riêng em mà các anh trong đội vẫn nói với nhau, cố gắng làm tốt việc để không phụ sự tin tưởng của các chú, các bác lãnh đạo công ty, mọi người đã thấu hiểu khó khăn và đã luôn động viên, an ủi...

Hơn hai tháng trôi qua, tôi vẫn nhớ từng lời, từng câu chuyện trong bữa cơm tối một ngày cuối năm 2022 giữa lãnh đạo Công ty cấp nước Điện Biên với anh em công nhân đội cấp nước Mường Nhé. Họ ngồi bên nhau như cha con, như người thân trong gia đình và họ đã nói với nhau rất nhiều chuyện về niềm vui, nỗi buồn của từng người. Cũng trong câu chuyện, tôi nghe cả điều trăn trở của lãnh đạo công ty mong muốn được chi lương cho công nhân đội cấp nước Mường Nhé theo bảng lương khu vực đặc biệt khó khăn mà hiện tại các phòng, ban toàn huyện đang hưởng. Vì quy định với doanh nghiệp khác nên công ty không thể làm, để đến giờ, mỗi lần nhắc chuyện lương của anh em thì lãnh đạo công ty lại không khỏi ngậm ngùi...

Bài và ảnh: LÊ LAN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cong-nhan-cap-nuoc-o-vung-bien-post740463.html