Công Phượng và giấc mơ xuất ngoại của cầu thủ Việt

Sau hàng loạt những cầu thủ xuất ngoại, việc Công Phượng trở về đầu quân cho đội hạng Nhất Bình Phước cho thấy bóng đá Việt Nam còn khoảng cách rất lớn với châu lục và những người làm bóng đá cũng như các cầu thủ cần nhìn nhận thực tế hơn để có những bước đi hợp lý.

Về chuyên môn đơn thuần, lựa chọn đội Bình Phước là một bước lùi trong sự nghiệp cầu thủ của Công Phượng sau khi chia tay Yokohama. Cánh cửa trở lại đội tuyển Việt Nam trở nên khó khăn hơn với anh nếu nhìn thực tế hầu hết tuyển thủ quốc gia đều chơi cho các đội bóng ở V-League. Điều này không có gì bất ngờ, bởi trên thực tế giữa V-League và hạng Nhất là khoảng cách lớn về mặt chuyên môn.

Một thực tế khác không thể phủ nhận, giai đoạn vừa qua Công Phượng không đóng vai trò quan trọng ở đội tuyển Việt Nam, thậm chí ít được triệu tập. Hai đời HLV gần nhất của đội tuyển Việt Nam là ông Philippe Troussier và hiện nay, Kim Sang-sik, Công Phượng đều không phải nhân tố quan trọng.

Trên thế giới, các cầu thủ đẳng cấp cao nhất cũng chỉ đến những giải đấu thấp hơn hầu hết với mục đích “dưỡng già”. Hãy để ý những ngôi sao tầm cỡ như Messi hay Ronaldo chỉ chia tay các giải đấu châu Âu khi đã bên kia sườn dốc.

Trong khi đó, Công Phượng vẫn đang ở độ tuổi sung mãn. Những đồng đội của anh tại HAGL trước đây như Tuấn Anh, Văn Toàn, Hồng Duy hay Vũ Văn Thanh… đều vẫn đang chơi bóng cho các đội tại V-League và tiếp tục có suất ở đội tuyển Việt Nam.

Tuấn Anh, Văn Toàn và Hồng Duy hiện đã có trong tay một chức vô địch V-League và Siêu cúp Quốc gia, bên cạnh các danh hiệu ở cấp độ ĐTQG. Ở khía cạnh chuyên môn, có thể nói việc hoạch định kế hoạch và các mục tiêu cho sự nghiệp của Công Phượng đang đi chệch hướng.

Công Phượng tập luyện ở CLB Bình Phước

Công Phượng tập luyện ở CLB Bình Phước

Ở góc độ rộng hơn, việc Công Phượng chia tay Yokohama đánh dấu bóng đá Việt Nam không còn cầu thủ nào thi đấu ở nước ngoài. Trước đó, Văn Hậu, Quang Hải, Tuấn Anh và Văn Toàn lần lượt trở về nước chơi bóng sau khi không thể trụ được ở những giải đấu nước ngoài.

Văn Hậu hiện vẫn đang chấn thương chưa thể trở lại sân cỏ và chuyến đi tới SC Heerenveen (Hà Lan) có thể nói không đem lại hiệu ứng tích cực về chuyên môn.

Không phải đến thời điểm hiện tại khi các cầu thủ Việt Nam trở về nước, ngay từ đầu giới chuyên môn đã có những cảnh báo về khả năng các cầu thủ khó trụ được ở những giải đấu nước ngoài, đặc biệt châu Âu. Sự chênh lệch về chuyên môn là yếu tố đầu tiên cần xét đến bởi so với các cầu thủ châu Âu, cầu thủ Việt gặp nhiều bất lợi về thể hình, thể lực, kỹ-chiến thuật.

Ngay cả khi lựa chọn những giải đấu châu Á như K-League hay J-League, thực tế của Công Phượng và Tuấn Anh, Văn Toàn cho thấy sự khác biệt vẫn rất lớn.

Bên cạnh đó, những khác biệt về văn hóa, dinh dưỡng, thói quen… cũng tạo nên những rào cản lớn, không phải cầu thủ nào cũng có thể vượt qua. Chia sẻ với Tiền Phong, một “cò” bóng đá có tên tuổi của Việt Nam cho biết cầu thủ Việt chịu áp lực lớn khi đá ở một giải châu Âu, do không còn vị thế “ngôi sao” như thi đấu tại V-League.

Thực tế trên không có các cầu thủ Việt Nam nên từ bỏ giấc mơ xuất ngoại. Tuy nhiên, nó là lời cảnh báo đối với những thế hệ đi sau đang hướng đến trải nghiệm và thử thách bản thân, như Phạm Tuấn Hải hay Nguyễn Hoàng Đức. Đó là để thành công ở những giải đấu nước ngoài, các cầu thủ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ đầu, cũng như xác định tâm thế đối diện với nhiều thử thách, khó khăn. Một quyết định sai có thể khiến sự nghiệp cầu thủ bị chệch quỹ đạo, trở thành bước lùi trong sự nghiệp chuyên môn.

V.P

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cong-phuong-va-giac-mo-xuat-ngoai-cua-cau-thu-viet-post1679548.tpo