Công tác ngoại giao kinh tế: Đã tốt, còn tốt hơn!

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) được Bộ Ngoại giao chú trọng đẩy mạnh, coi đây là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm, động lực quan trọng để phát triển đất nước nhanh, bền vững; đóng vai trò tiên phong trong huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham gia lễ khánh thành C4IR. (Ảnh: Nguyễn Văn Bình)

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham gia lễ khánh thành C4IR. (Ảnh: Nguyễn Văn Bình)

“Đã tốt, còn tốt hơn!”, là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về công tác NGKT tại phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế trong khuôn khổ Đối thoại Hữu nghị (FD) và Diễn đàn Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (HEF) 2024 mới diễn ra. Đây là một trong những hoạt động NGKT nổi bật do Bộ Ngoại giao triển khai trong năm nay.

35 đoàn đại biểu, đến từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ là các đoàn địa phương, bộ, ngành, tổ chức quốc tế, chuyên gia uy tín trong nước và thế giới tụ họp tại sự kiện của TP. Hồ Chí Minh. Sự có mặt của các chuyên gia, diễn giả có chuyên môn, uy tín về lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp và phát triển bền vững… cho thấy vai trò kết nối đã được Bộ Ngoại giao và địa phương đồng hành, phối hợp ăn ý và hiệu quả.

Khéo léo xoay chuyển tình thế

Đánh giá về công tác NGKT, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, những vấn đề hiện nay trên thế giới không nước nào tự giải quyết được, do đó, phải đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi đoàn kết quốc tế. Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, nền ngoại giao Việt Nam phải góp phần giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác để phát triển, trong đó có nội dung NGKT, để phát triển kinh tế, tham gia xử lý các vấn đề toàn cầu, toàn dân.

Mới đây, Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) TP. Hồ Chí Minh khánh thành tại Khu công nghệ cao ở thành phố Thủ Đức. Trung tâm là một phần trong mạng lưới toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF); là trung tâm C4IR thứ hai tại Đông Nam Á (sau Malaysia) và thứ 19 trên thế giới trong mạng lưới của WEF. Đây là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, của Bộ Ngoại giao và TP. Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy hợp tác sâu rộng giữa Việt Nam và WEF.

Thủ tướng hoan nghênh và đánh giá cao Trung tâm được thành lập trên cơ sở triển khai Biên bản ghi nhớ (MoU) giữa Chính phủ Việt Nam và WEF giai đoạn 2023-2026, trong đó, Bộ Ngoại giao đóng vai trò là đơn vị kết nối, thúc đẩy, điều phối, trong khi TP. Hồ Chí Minh triển khai thực hiện, cụ thể hóa MoU.

Khẳng định Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP. Hồ Chí Minh, kết nối giữa WEF với các địa phương, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, nhờ việc thành lập C4IR tại TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam có thể đóng góp tích cực hơn với thế giới về chuyển đổi công nghệ, quản trị và nhân lực.

Về vai trò của kinh tế đối ngoại và việc vận dụng NGKT để thu hút đầu tư chiến lược, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chưa bao giờ NGKT được thúc đẩy như giai đoạn hiện nay. NGKT là nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của nền ngoại giao Việt Nam; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; là động lực để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững”.

Theo Thứ trưởng, trong giai đoạn chống dịch Covid-19, NGKT đặt trọng tâm vào ngoại giao vaccine, qua đó, đã tạo ra sự xoay chuyển tình thế. Hiện nay, NGKT cần phải tạo ra đột phá, xoay chuyển tình thế trong thu hút nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho phát triển đất nước.

Hơn lúc nào hết, việc thúc đẩy NGKT vừa là yêu cầu khách quan, vừa là yêu cầu chủ quan. Về khách quan, trong một thế giới siêu kết nối thì nhu cầu hợp tác của các quốc gia rất lớn. “Từ nhu cầu chủ quan, đất nước bước vào giai đoạn mới với các mục tiêu khát vọng phát triển đến năm 2030-2045. Việt Nam hiện nay đã trở thành 1 trong 40 nền kinh tế hàng đầu, là 1 trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn trên thế giới. Chúng ta đã trở thành mắt xích rất quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, do đó, nhu cầu của Việt Nam là thu hút thêm các đối tác, các nguồn lực từ quốc tế”, Thứ trưởng cho biết.

Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành đối thoại với các doanh nghiệp trong khuôn khổ Đối thoại Hữu nghị (FD). (Ảnh: Nhật Bắc)

Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành đối thoại với các doanh nghiệp trong khuôn khổ Đối thoại Hữu nghị (FD). (Ảnh: Nhật Bắc)

“Đoàn kết là sức mạnh vô địch”

Sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng 96 lần so với năm 1986; vai trò, vị thế, uy tín quốc tế được tăng cường. “Quá trình phát triển của Việt Nam gắn kết chặt chẽ với các xu thế toàn cầu. Đất nước không thể đạt được các thành tựu to lớn nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế, ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh hiện tại, công tác ngoại giao nói chung và NGKT nói riêng đã nỗ lực kêu gọi hợp tác quốc tế. Với phương châm “lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, Bộ Ngoại giao đã phát huy vai trò cầu nối, tạo nhiều diễn đàn, không gian để các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài gặp gỡ, tiến đến những hợp tác hiệu quả.

Đơn cử như, các Hội nghị Gặp gỡ Thái Lan ở Quảng Trị (tháng 8/2023), Lào Cai (tháng 8/2024) và Đà Nẵng (tháng 9/2024) do Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức đã gặt hái nhiều kết quả thực chất giữa các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp hai bên. Từ đó, thúc đẩy hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam, giữa địa phương và doanh nghiệp hai nước trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch.

Ngay trong tháng 10 này, Bộ Ngoại giao cũng sẽ chủ trì tổ chức Hội nghị Halal toàn quốc “Phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển bền vững”, nhằm nâng cao nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng ngành Halal Việt Nam phát triển toàn diện và bài bản trong thời gian tới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch”, vì vậy, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng nhận thấy, các địa phương cần tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy giao lưu văn hóa và chia sẻ kinh nghiệm phát triển, từ đó, cùng nhau vượt thách thức để đạt được những thành tựu to lớn hơn. Bộ Ngoại giao sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương trong tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cùng các đại biểu dự Hội nghị Gặp gỡ Thái Lan ở Đà Nẵng.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng cùng các đại biểu dự Hội nghị Gặp gỡ Thái Lan ở Đà Nẵng.

Đưa kinh tế Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Chỉ thị số 15-CT/TW nêu rõ, sau 12 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 15/4/2010 của Ban Bí thư khóa X, công tác NGKT có chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “NGKT cuối cùng là phải đưa nền kinh tế Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuỗi cung ứng toàn cầu, chuỗi sản xuất toàn cầu; mở rộng thị trường, đối tác, như các thị trường mới tại Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi… Hiện nay, chúng ta đã làm tốt, chúng ta phải làm tốt hơn”. Điều này thể hiện sự đánh giá cao cũng như kỳ vọng lớn của lãnh đạo Chính phủ với công tác NGKT.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng, Chính phủ chỉ đạo công tác NGKT hiện chú trọng năm định hướng lớn: Thứ nhất, tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Trong đó, tiếp tục kiến tạo môi trường hòa bình ổn định thuận lợi cho phát triển thúc đẩy quan hệ đối tác.

Trong đối ngoại cấp cao, nội hàm kinh tế là then chốt và tất cả các hoạt động đều hướng tới đạt kết quả cụ thể về hợp tác kinh tế, đóng góp cho phát triển đất nước. Thứ hai, thúc đẩy động lực cho tăng trưởng, gồm thúc đẩy thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thứ ba, thúc đẩy ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực. Thứ tư, nắm bắt được xu thế của thời đại. Thứ năm, gắn với các địa phương, doanh nghiệp.

Có thể thấy, chưa bao giờ công tác NGKT gắn với các nhu cầu sát sườn của các địa phương được đẩy mạnh như giai đoạn hiện nay.

Thời gian tới, NGKT sẽ tập trung đẩy mạnh ngoại giao công nghệ, ngoại giao tập đoàn để thu hút các nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực chiến lược, như chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại HEF 2024.

Gia Thành

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-da-tot-con-tot-hon-288609.html