Công tác thanh tra năm học 2019-2020: Tránh hình thức

Nội dung các cuộc thanh tra, kiểm tra trong ngành giáo dục phải trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào việc thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục theo Chỉ thị số 2268, đặc biệt là việc tập trung thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị. Đây là một trong những yêu cầu của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc trong hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2019-2020.

Tổng kết công tác thanh tra năm học 2018-2019 khối các sở GD&ĐT năm học 2018-2019, Bộ GD&ĐT cho biết, các sở đã tổ chức 1.098 cuộc thanh tra, trong đó, thanh tra hành chính 312 cuộc, thanh tra chuyên ngành 704 cuộc, thanh tra đột xuất 73 cuộc.

Nội dung thanh tra tập trung vào việc triển khai thực hiện 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp của ngành, một số chuyên đề trọng tâm của công tác quản lý, những vấn đề nóng gây bức xúc như: Dạy thêm, học thêm, thu chi đầu năm học, sử dụng văn bằng chứng chỉ, tuyển dụng và thực hiện chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên, việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo…

Kết quả qua thanh tra đã phát hiện sai phạm, kịp thời chấn chỉnh và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, phát hiện sai phạm trong quản lý tài chính, tài sản như chi sai, thu sai, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách, nhập nguồn kinh phí, trả lại cho cha mẹ học sinh, kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với cán bộ quản lý, giáo viên…

Tuy nhiên, nhìn vào mấy vụ việc gần đây như việc: Tại rất nhiều tỉnh, TP, không ít trường tự gắn mác “quốc tế”, trong khi theo quyết định thành lập trường được cấp bởi cơ quan quản lý, trường không hề có chữ “quốc tế”. Hay câu chuyện về việc bát nháo trong đào tạo và cấp chứng chỉ văn bằng 2 ở trường ĐH Đông Đô kéo dài suốt thời gian vừa qua. Tình trạng lạm thu đầu năm cũng như tình trạng dạy thêm học thêm vẫn là chuyện dài chưa hồi kết… Như vậy, công tác thanh tra đã phát huy được hết hiệu quả hay chưa?

Công tác thanh tra giáo dục năm 2019-2020 phải thiết thực, cụ thể, tránh hình thức. (Ảnh: T.F)

Công tác thanh tra giáo dục năm 2019-2020 phải thiết thực, cụ thể, tránh hình thức. (Ảnh: T.F)

Trước đó, trong Hội nghị Tổng kết công tác thanh tra năm học 2018-2019, các đại biểu tham dự cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, thiếu sót của công tác thanh tra giáo dục - đó là lực lượng thanh tra và công tác tổ chức thanh tra của một số Sở còn dàn trải, chưa sâu sát trong việc chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra đối với các vấn đề nóng mà báo chí đã phản ánh như: vi phạm đạo đức nhà giáo; chưa chú trọng đến hoạt động giám sát của Đoàn thanh tra thi THPT quốc gia năm 2019. Nguyên nhân của những thiếu sót này được chỉ ra là do nhận thức chung về công tác thanh tra, năng lực của đội ngũ cán bộ thanh tra; công tác phối hợp giữa thanh tra tỉnh và thanh tra huyện, điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu của thực tế.

Vì thế, với công tác thanh tra năm học này, nhiệm vụ đối với từng bậc học được quy định cụ thể. Với bậc mầm non, tập trung tranh tra, kiểm tra việc tổ chức mạng lưới trường lớp học, công tác quản lý nhóm trẻ tư thục; với GDPT: thanh tra, kiểm tra việc triển khai chương trình GDPT mới, công tác tuyển sinh đầu cấp, việc sử dụng hồ sơ sổ sách trong nhà trường, đánh giá xếp loại học sinh các lớp cuối cấp.

Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương và các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm; thu chi đầu năm học; an toàn trường học; thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; cấp, phát quản lý văn bằng, chứng chỉ…

Bộ GD&ĐT cũng chỉ ra một số địa phương có đội ngũ thanh tra Sở tương đối ổn định, đảm bảo số lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như: Hà Nội, TP HCM, Ninh Bình, Nghệ An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số địa phương mà đội ngũ thanh tra, lãnh đạo thanh tra chưa đáp ứng yêu cầu, chưa theo quy định. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc yêu cầu, năm học 2019-2020, trong bối cảnh triển khai Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục ĐH 2018, toàn ngành thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, thì vai trò của lực lượng thanh tra rất quan trọng.

Theo đó, yêu cầu đặt ra là lực lượng thanh tra không những nhanh - mạnh - tinh nhuệ trong công tác thanh, kiểm tra các hoạt động của ngành, mà phải làm sao khiến các cá nhân, đơn vị sự nghiệp giáo dục phải “tâm phục, khẩu phục” trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Để đạt được mục tiêu này, cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong công tác thanh, kiểm tra nhằm hướng đến việc nâng cao chất lượng, hoạt động của đội ngũ thanh tra, làm sao để hệ thống thanh tra giáo dục chủ động hơn. Trong đó, lực lượng thanh tra tại các địa phương phải chủ động rà soát lại mọi hoạt động của ngành Giáo dục dựa trên đặc thù của địa phương để có kế hoạch giám sát, kiểm tra cho hiệu quả, tuyệt đối không để bỏ sót bất cứ lĩnh vực nào.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cong-tac-thanh-tra-nam-hoc-2019-2020-tranh-hinh-thuc-162348.html