Công ty TNHH may công nghiệp Bắc Kạn 'khát' công nhân
BBK -Ngành công nghiệp dệt may và da giày nước ta đang trong giai đoạn hồi phục. Nắm bắt cơ hội thuận lợi đó, Công ty TNHH may công nghiệp Bắc Kạn đã 'kéo' được khá nhiều đơn hàng sản xuất quần áo xuất khẩu. Song nghịch lý là: Đơn hàng dồi dào nhưng nguồn lực lao động tại tỉnh lại thiếu hụt không đáp ứng được nhu cầu mở rộng sản xuất.
Là một trong những cơ sở công nghiệp đầu tiên thành lập sau thời điểm tái lập tỉnh Bắc Kạn, đến nay Công ty TNHH may công nghiệp Bắc Kạn đã có gần 22 năm đứng chân trên địa bàn tỉnh. Bà Lê Thị Hà, Giám đốc công ty cho biết: “Công ty là chi nhánh trong hệ thống của Công ty Cổ phần may Chiến Thắng (Hà Nội). Hiện nay đã và đang tạo việc làm cho hơn 130 công nhân với 03 dây chuyền sản xuất các đơn hàng may mặc xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Từ đầu năm đến nay, Công ty liên tục nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu do phía Công ty cổ phần may Chiến Thắng đã đàm phán ký kết và phân bổ cho các chi nhánh, trong đó có chi nhánh tại Bắc Kạn. Tuy nhiên khó khăn gặp phải đó là Công ty không thể nhận tăng thêm đơn hàng, đầu tư thêm dây chuyền sản xuất do không thể tuyển thêm được công nhân mặc dù đã triển khai thông tin tuyển dụng trên nhiều kênh như: thông qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, trực tiếp xuống các thôn bản tuyên truyền đến người dân, thậm chí khuyến khích công nhân trong công ty vận động người thân quen để vào làm nhưng số lượng tuyển được không đáng kể”.
Hiện nay, bình quân công ty sản xuất các sản phẩm tổng giá trị khoảng 90.000USD tương đương với trên 2,2 tỷ đồng tiền hàng/tháng. Nếu tuyển dụng được đủ khoảng 400- 500 công nhân thì công ty sẵn sàng đầu tư khoảng 15 dây chuyền sản xuất ( gấp 4-5 lần so với hiện tại).
Mức lương hiện nay trả cho công nhân dao động từ 7,2 đến 8 triệu đồng/tháng. Công ty ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ, ăn trưa miễn phí, lương được trả đều đặn, chưa khi nào chậm các chế độ cho người lao động. Đa số các công nhân ở đây gắn bó khá lâu với Công ty, nhiều người có tuổi nghề gần 20 năm, trung bình đều trên 10 năm.
Chị Lương Thị Sinh, tổ trưởng tổ sản xuất, đã có gần 20 năm làm công nhân ở đây cho biết: “Tôi làm việc ở đây khá lâu, từ những ngày đầu thành lập công ty, mức thu nhập ổn định gần 8 triệu đồng/tháng, thời gian làm việc, giờ giấc đảm bảo, gần nhà, có thể đưa đón con đi học, chăm sóc gia đình. Các chế độ bảo hiểm được đóng đầy đủ, yên tâm lao động, gắn bó lâu dài đến về hưu. Tôi mong rằng công ty duy trì và phát triển sản xuất để người lao động chúng tôi luôn có việc làm ngay tại quê hương không phải đi xa kiếm việc làm”.
Đa số các công nhân đã làm việc tại đây đều gắn bó lâu dài, nhất là những người đã có gia đình, lứa tuổi trên 35. Chị Nguyễn Thị Anh, ở phường Nguyễn Thị Minh Khai cũng vậy, đã có hơn 10 năm làm công nhân ở đây, hằng ngày chị vẫn có thời gian lo việc con cái, gia đình, thu nhập ổn định. Mong muốn là tiếp tục được làm việc lâu dài ở đây và công ty ngày càng mở rộng, phát triển hơn nữa, thu hút được nhiều lao động địa phương.
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có khoảng gần 30.000 người lao động ngoại tỉnh. Ngoài những người đi xuất khẩu lao động, thì phần lớn họ làm việc ở các công ty ở các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên… Tuy nhiên, với những người đã có gia đình, con cái, việc đi làm ăn xa cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn nhất là việc quan tâm đến con cái, tình cảm vợ chồng xa cách, nảy sinh nhiều mâu thuẫn dẫn tới ly hôn. Có thể mức lương ở các công ty này cao hơn so với tại tỉnh, tuy nhiên sẽ phải bỏ ra nhiều chi phí khác như thuê nhà, đi lại…
Đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: “Chủ trương của tỉnh hiện nay là tập trung phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp có sử dụng nhiều lao động địa phương, hoạt động sản xuất ít gây ảnh hưởng đến môi trường nhằm tạo cơ hội để kéo lao động quay trở lại làm việc tại tỉnh. Đó chính là góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa giải quyết được việc làm và các vấn đề xã hội , vừa thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp, tăng nguồn thu và đẩy mạnh phát triển dịch vụ tại địa phương”.
Như vậy, việc thu hút lao động trở về địa phương làm việc là chủ trương cần được tuyên truyền sâu rộng hơn, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành và doanh nghiệp. Có thể do người lao động thiếu thông tin, chưa tìm hiểu và có sự trải nghiệm. Mong rằng vấn đề này cần được tiếp tục lan tỏa, thông tin có hiệu quả hơn nữa ở các địa phương để người lao động nắm bắt thông tin đầy đủ và có sự lựa chọn đúng đắn, phù hợp hơn. Để làm sao vừa có việc làm, thu nhập ổn định, vừa đảm bảo cuộc sống gia đình yên ấm, hạnh phúc./.