Cột Cờ Hà Nội: Biểu tượng hùng thiêng

Trong bể dâu của lịch sử, Cột Cờ Hà Nội là một trong những công trình kiến trúc độc đáo còn trường tồn với thời gian. Không chỉ độc đáo về kiến trúc, Cột Cờ Hà Nội còn là chứng tích ghi lại những dấu ấn oanh liệt của Thăng Long- Hà Nội dấu yêu.

Cột Cờ được xây dựng từ năm 1805, hoàn thành năm 1812, thời vua Gia Long, triều Nguyễn trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long. Trong ký ức bao người dân Hà Nội, ngày 10/10/1954 hàng đoàn người đổ về tập trung xung quanh Cột Cờ Hà Nội chờ đón thời khắc lịch sử: ‘Lễ thượng cờ Tổ Quốc trên đỉnh Cột Cờ”, ghi dấu giây phút thiêng liêng trong lịch sử Việt Nam đó là ngày thủ đô Hà Nội hoàn toàn được giải phóng.

Là một di tích kiến trúc cổ độc đáo, biểu tượng cho nền độc lập nên khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, hình ảnh Cột Cờ Hà Nội với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới đã được in trang trọng trên những đồng tiền đầu tiên được phát hành của Việt Nam. Năm 1990, Cột Cờ Hà Nội đã được xếp hạng Di tích kiến trúc lịch sử Quốc gia.

Ngày nay, Cột cờ Hà Nội là công trình còn nguyên vẹn và hoành tráng nhất trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Từ trước đến nay, nơi đây vẫn luôn được coi là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội bên cạnh Tháp Rùa, Hồ Gươm, Văn Miếu, …

Về kiến trúc, Cột Cờ Hà Nội được xây dựng theo cấu trúc gồm ba tầng đế và một tòa tháp cao, các tầng đế có hình chóp vuông với diện tích nhỏ dần và được xếp chồng lên nhau theo thứ tự. Thân cột cờ mang hình trụ tám cạnh, thon dần lên trên, mỗi cạnh đáy rộng chừng 2m.

Trong thân có cầu thang 54 bậc xây xoáy tròn trôn ốc lên tới đỉnh. Toàn thể được soi sáng (và thông hơi) bằng 39 lỗ hình dẻ quạt. Toàn bộ Cột Cờ cao 33,4m tính thêm cán cờ thì là 41,4m. Tầng một có chiều dài mỗi cạnh là 42,5m và cao 3,1m. Hai mặt có cầu thang gạch dẫn lên tầng hai. Tầng hai có chiều dài mỗi cạnh là 27m và cao 3,7m. Tầng ba có chiều dài mỗi canh dài 12,8m và cao 5,1m. Tầng ba có cửa lên cầu thang trông về hướng Bắc.

Đứng từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự nhìn về phía Cột Cờ.

Đứng từ Bảo tàng Lịch sử Quân sự nhìn về phía Cột Cờ.

Nói về kiến trúc độc đáo của cột cờ Hà Nội, đồng chí Nguyễn Việt Tấn – cán bộ phòng hành chính tổng hợp Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, cho biết: “Giữa những ngày nóng nhất của Hà Nội, nhiệt độ bên trong của Cột cờ luôn mát mẻ như có máy lạnh. Kết cấu các cửa lên xuống của Cột cờ cũng khoa học đến mức mưa lớn đến đâu nước cũng không chảy vào trong lòng tháp”

Cột cờ Hà Nội gắn với hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió trên đỉnh tháp, không biết từ lúc nào đã trở thành một biểu tượng in sâu vào kí ức của những người con Hà Nội và cả những du khách đã từng đặt chân tới Thủ đô. Thế nhưng câu chuyện ẩn sau lá cờ Tổ Quốc này thì không phải ai cũng đã từng được nghe.

Trao đổi với PV, Đại tá Phạm Văn Phi – Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vẫn nhớ như in thời điểm năm 1986 – Theo lệnh cấp trên, ông là người đi đặt làm lá cờ và cũng chính là người đầu tiên tự mình treo lá Quốc kỳ lên trên đỉnh cột cờ Hà Nội.

Cửa Bắc Cột Cờ

Cửa Bắc Cột Cờ

“Ngày đó, mình vẫn còn trẻ lắm đi đặt cờ thì cứ chạy ra Hàng Trống, họ chuyển về thì mình bắt đầu treo thôi, lần đầu được kéo Quốc kỳ thấy tự hào ghê lắm! Có phải ai cũng có vinh dự ấy đâu!? Nhất lại là công trình biểu tượng cho Hà Nội như vậy!?” - Đại tá Phạm Văn Phi chia sẻ trong cảm xúc tự hào. Ông nói tiếp: “Sau này khi chuyển sang công tác chuyên môn, không làm nhiệm vụ treo cờ nữa, nhưng mỗi khi nhìn lên Cột cờ, vẫn thấy tự hào vô cùng”.

Từ năm 1986 đến nay, lá cờ Tổ quốc luôn được thường trực tung bay trên nóc cột cờ. Lá cờ được sản xuất trong nước có kích thước 4m x 6m, diện tích 24m2. Bà Bích, chủ cơ sở Huy Thông chuyên thêu may cờ 67 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm cho biết: “Ngày trước, cờ được may bằng vải Phi bóng, nhưng ngày nay được thai bằng vải Chiffon có độ bền cao, chống rách tốt và bắt sáng tốt hơn.

Cầu thang gạch dẫn lên tầng hai

Cầu thang gạch dẫn lên tầng hai

Để có thể để chịu được những trận gió to, các đường may phải chần đè đến tận 3 lần chỉ, góc cờ chần hình quả trám. Vì diện tích lá cờ quá lớn, công nhân khi may xong nền phải trải cờ ra một sàn nhà rộng để cắt hình sao vàng trước khi tiếp tục hoàn thiện lá cờ”.

Trên đỉnh tháp là một cột thép cao 12m nữa vậy nên khi thay cờ, nhân viên phải sử dụng dây cáp làm ròng rọc mới có thể đưa được lá cờ mới lên đỉnh cột. Trung bình cứ khoảng một tháng là phải thay một lá cờ vậy nên cứ mỗi năm có hàng chục lá cờ được thay nhau bay phấp phới trên đỉnh Cột Cờ Hà Nội.

Chiến sĩ Đỗ Quang Đức – mới về công tác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam từ tháng 5/2019, cho biết: “Bất kể lúc nào cờ bị bạc màu, rách là các nhân viên phụ trách phải lập tức thay ngay bất kể sáng tối. Mỗi lần thay Quốc kỳ là mỗi lần tôi cảm thấy được trách nhiệm phải bảo vệ Kỳ đài, xen lẫn cảm xúc tự hào khi được làm nhiệm vụ thiêng liêng này”.

Gần hai thế kỷ kể từ khi được xây dựng, Cột Cờ Hà Nội vẫn bề thế, hiên ngang đứng đó chứng kiến những nét thăng trầm cùng Thủ đô, đất nước.

Khi đất nước hoàn toàn độc lập, bước vào giai đoạn đổi mới, xây dựng, hợp tác, phát triển, Cột Cờ Hà Nội đã trở thành một địa điểm tham quan du lịch quan trọng trong quần thể khu di tích thành cổ và in đậm trong trái tim mỗi người Việt Nam.

Phương Minh

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/cot-co-ha-noi-bieu-tuong-hung-thieng-102397.html