Cột cờ Hưng Hóa - Biểu tượng ý chí quật cường của người dân Đất Tổ

Cùng với cột cờ thành Huế, cột cờ Hà Nội, cột cờ thành Nam, cột cờ thành Sơn Tây, cột cờ Hưng Hóa là một trong năm cột cờ lớn nhất cả nước, có lịch sử lâu đời, được xây dựng dưới triều Nguyễn (từ thời Vua Minh Mạng đến thời Vua Thiệu Trị) giữa thế kỷ XIX. Di tích lịch sử cột cờ Hưng Hóa đặt tại thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông đã trở thành biểu tượng của ý chí quật cường chống thực dân Pháp của người dân Đất Tổ.

Cột cờ Hưng Hóa năm xưa từng được xếp hạng là cổ tích của Đông Dương.(baophutho.vn) - Cùng với cột cờ thành Huế, cột cờ Hà Nội, cột cờ thành Nam, cột cờ thành Sơn Tây, cột cờ Hưng Hóa là một trong năm cột cờ lớn nhất cả nước, có lịch sử lâu đời, được xây dựng dưới triều Nguyễn (từ thời Vua Minh Mạng đến thời Vua Thiệu Trị) giữa thế kỷ XIX. Di tích lịch sử cột cờ Hưng Hóa đặt tại thị trấn Hưng Hóa, huyện Tam Nông đã trở thành biểu tượng của ý chí quật cường chống thực dân Pháp của người dân Đất Tổ.
Cột cờ và thành Hưng Hóa nổi tiếng trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX gắn liền với tên tuổi của nhà quân sự, nhà chính trị, nhà thơ, Danh nhân văn hóa Nguyễn Quang Bích- người cuối cùng trấn giữ thành Hưng Hóa chống giặc ngoại xâm. Thành Hưng Hóa có vị trí quan trọng, đặc biệt về mặt quân sự bảo vệ Tổ quốc, lên Tây Bắc có thể bảo toàn lực lượng chiến đấu, về phía Nam là tiền tiêu bảo vệ phía Tây của kinh thành Thăng Long. Sử sách còn ghi, sau khi Hà Nội bị thất thủ lần thứ hai (25/4/1882) và nhất là khi buộc triều đình Huế phải ký hiệp ước ngày 15/8/1883 xác định quyền bảo hộ của thực dân Pháp tại Việt Nam, quân Pháp đã kéo ra Bắc đánh chiếm nhiều nơi nhằm hoàn thành gấp công cuộc xâm lược trong phạm vi cả nước. Trong số các căn cứ quan trọng chỉ còn lại thành Hưng Hóa với vị trí án ngữ đường sông đã trở thành tỉnh lỵ của Tam Tuyên (Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang). Tháng 4/1884, sau khi chiếm được các tỉnh ở Bắc Kỳ, Pháp dồn lực lượng tấn công thành Hưng Hóa. Quân đội Cờ đen của Lưu Vĩnh Phúc phối hợp với đại quân của Nguyễn Quang Bích với hơn 1.000 người quyết tử giữ thành. Cuộc chiến đấu không cân sức giữa lực lượng của ta với 7.000 quân Pháp đã diễn ra quyết liệt trong hai ngày 11-12/4. Sau khi thành Hưng Hóa thất thủ, Nguyễn Quang Bích đã rút khỏi Hưng Hóa an toàn và bắt đầu tổ chức cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp. Từ đây, ông đã trở thành thủ lĩnh của phong trào Cần Vương kháng Pháp ở thượng du Bắc Kỳ.

Một góc thị trấn Hưng Hóa nhìn từ vọng đài của cột cờ.Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, cột cờ Hưng Hóa là nơi Mặt trận Việt Minh cắm cờ đỏ sao vàng, dán truyền đơn và tổ chức lễ mít tinh ra mắt chính quyền nhân dân đầu tiên của tỉnh Phú Thọ. Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, nhân dân đã tháo dỡ cột cờ.Ngày nay, thành Hưng Hóa không còn nữa. Dấu tích của tòa thành chỉ còn lại móng tường bằng đá ong và cột cờ. Những năm qua, với ý thức tôn kính và mong muốn được khôi phục, xây dựng khu di tích lịch sử văn hóa cột cờ Hưng Hóa và Đền thờ Danh nhân Nguyễn Quang Bích ngày càng khang trang, xứng tầm với thân thế, sự nghiệp của ông, năm 2009, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Tam Nông đã xây dựng, khôi phục lại cột cờ trên nền móng cũ. Cột cờ gồm ba tầng, có hình bát giác, tổng chiều cao từ đế lên ngọn cột cờ là 23,84m. Tầng 1, còn gọi là đế lớn có hình vuông, mỗi cạnh dài 17,52m, cao 2,4m; tầng 2 mỗi cạnh dài 11,4m; tầng 3 thon dần hình bát giác lên đến ngọn cao 18,34m. Từ đế lên ngọn cột cờ có 55 bậc xoáy theo hình trôn ốc. Ở giữa có cột trụ, xung quanh có hệ thống cửa sổ. Đứng trên đỉnh kỳ đài có thể quan sát toàn bộ thị trấn Hưng Hóa và huyện Tam Nông. Cột cờ Hưng Hóa được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Thế hệ trẻ thị trấn Hưng Hóa tìm hiểu về lịch sử cột cờ gắn với tên tuổi Danh nhân Nguyễn Quang Bích.Di tích lịch sử văn hóa này là biểu tượng để các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau luôn tự hào về truyền thống cách mạng, ý chí kiên cường, bất khuất đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha; trở thành “địa chỉ đỏ” để con cháu muôn đời hội tụ, kính cẩn tưởng nhớ tới công ơn to lớn của các bậc tiền nhân, tấm gương tiêu biểu soi sáng cho các thế hệ con cháu tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, yêu nước, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hồng Nhung

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/van-hoa/202109/cot-co-hung-hoa-bieu-tuong-y-chi-quat-cuong-cua-nguoi-dan-dat-to-179288