Cột mốc tang tóc ở 'kho chứa các biến chủng mới' của thế giới

Ngày 19/6, Brazil thông báo vượt mốc 500.000 người chết vì Covid-19. Người dân Brazil đã đổ xuống đường để chỉ trích cách chống dịch của chính phủ Jair Bolsonaro.

Các nhà khoa học địa phương cho biết hầu như không có người nào ở Brazil ngày nay không mất người thân vì Covid-19, theo CNN.

Chỉ riêng vào ngày 18/6, Brazil đã chiếm gần một phần ba tổng số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới, theo Our World in Data. Các chuyên gia cảnh báo con số này đang nhanh chóng tăng lên.

Theo các chuyên gia, con số 500.000 người chết cao gấp đôi so với 6 tháng trước, cho thấy tỷ lệ tử vong đang tăng nhanh.

"Cột mốc chết chóc"

"Tháng 6 năm ngoái, chúng tôi đã ghi nhận 50.000 ca tử vong vì Covid-19. Chỉ trong một năm, con số này đã tăng lên gấp 10 lần. Thật đáng sợ", nhà khoa học thần kinh người Brazil Miguel Nicolelis nói.

Ông từng dự đoán vào tháng một rằng đất nước sẽ có 500.000 ca tử vong trong tháng 7. "Vào thời điểm đó, mọi người nghĩ rằng tôi phóng đại", ông nhớ lại.

Không phong tỏa và chỉ mới có 11,4% dân số được tiêm chủng đầy đủ, quốc gia này được coi là "kho chứa các biến chủng mới" và ngày càng bị cô lập với thế giới. Cho đến nay, hơn 100 quốc gia đang hạn chế nhập cảnh đối với người Brazil, theo Bộ Ngoại giao nước này.

Sau thông tin về mốc 500.000 người chết vì Covid-19, các cuộc biểu tình chống Tổng thống Jair Bolsonaro đã nổ ra trên khắp đất nước vào ngày 19/6. Thậm chí những người bị cách ly cũng đã ra đường.

 Người biểu tình tại Manaus, Brazil, ngày 19/6. Ảnh: Reuters.

Người biểu tình tại Manaus, Brazil, ngày 19/6. Ảnh: Reuters.

Mariana Oliveira, một người phát triển phần mềm, nói rằng cô quyết biểu tình và chấp nhận rủi ro bị lây nhiễm vì chính quyền của ông Bolsonaro là "mối đe dọa tồi tệ hơn cả virus".

Ông Bolsonaro không bình luận gì về cột mốc 500.000 người chết, nhưng đăng video lên mạng xã hội để cổ vũ lực lượng cảnh sát.

Trong khi đó, ông Fabio Faria, Bộ trưởng Truyền thông Brazil, đã nhân cơ hội này để mỉa mai các đối thủ của chính phủ.

"Chẳng bao lâu bạn sẽ thấy các chính trị gia, nghệ sĩ và nhà báo 'đau buồn' với con số 500.000 người chết. Bạn sẽ không bao giờ thấy họ ăn mừng 86 triệu liều vaccine được triển khai hoặc 18 triệu ca được chữa khỏi, vì họ lúc nào cũng mang giọng điệu 'càng tệ càng tốt'. Thật không may, họ đang cổ vũ cho virus”, ông viết trên mạng xã hội.

85 email từ Pfizer bị ngó lơ

Một cuộc điều tra của Quốc hội Brazil (CPI) do Thượng viện chỉ đạo vừa được tiến hành vào mùa xuân năm nay về việc xử lý đại dịch của các cấp chính phủ khác nhau. Họ đang tìm hiểu xem liệu chính phủ liên bang có cố ý trì hoãn việc triển khai vaccine phù hợp với chiến lược miễn dịch cộng đồng của nước này hay không.

Tổng thống Bolsonaro và những người ủng hộ ông nói rằng cuộc điều tra của Thượng viện nhằm làm suy yếu chính phủ liên bang.

 Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại Cung điện Planalto ở Brasilia, ngày 10/6. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại Cung điện Planalto ở Brasilia, ngày 10/6. Ảnh: Reuters.

CPI phát hiện ra rằng chính phủ Brazil đã bỏ qua 81 email từ công ty dược phẩm Pfizer. Công ty đã đề nghị hợp đồng vaccine đầu tiên vào tháng 8/2020, với giá chỉ bằng một nửa so với Mỹ.

CPI cũng điều tra việc chính phủ liên bang triển khai và quảng bá các loại thuốc chưa được chứng minh về hiệu quả chống lại Covid-19, chẳng hạn như hydroxychloroquine, trong khi không cổ vũ các biện pháp hiệu quả hơn đã được chứng minh, chẳng hạn như vaccine, khẩu trang và hạn chế tiếp xúc.

Sai lại càng sai

Ông Bolsonaro đã nhiều lần hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch, gọi Covid-19 là "bệnh cúm nhỏ". Ngoài ra, kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, ông đã tham gia ít nhất 84 cuộc tụ tập đông người, theo một cuộc khảo sát của tờ báo Brazil O Globo.

Theo Pedro Hallall, nhà dịch tễ học và giáo sư tại Đại học Liên bang Pelotas (UFPel), nhà nước và địa phương đã cố thiết lập các quy trình cơ bản để giải quyết các bệnh truyền nhiễm - bao gồm xét nghiệm, theo dõi và cách ly người nhiễm bệnh - nhưng quy trình này đã bị làm suy yếu.

Một nghiên cứu của Hallal và nhóm của ông, được công bố trên Tạp chí Lancet vào đầu năm, ước tính rằng cứ 4 người thì có thể tránh được 3 trường hợp tử vong nếu Brazil tuân theo các quy trình cơ bản về đại dịch. Nhóm của ông cũng ước tính Brazil đã có thể ngăn chặn được 4 trong mỗi 5 ca tử vong nếu chính phủ nghiêm túc chiến đấu với Covid-19.

"Chúng tôi thấy đại dịch trên thế giới đang chững lại nhưng đang gia tăng ở Brazil. Tất cả chúng tôi, những người Brazil, đều đã mất đi những người thân thiết, gần gũi. Chúng tôi (các nhà khoa học) đã cảnh báo nhưng không có điều gì được thực hiện”.

 Một người đàn ông khóc bên ngôi mộ của mẹ, mất vào hồi tháng một vì Covid-19, tại nghĩa trang Nossa Senhora Aparecida ở Manaus, bang Amazonas, Ngày của Mẹ 9/5 . Ảnh: AFP.

Một người đàn ông khóc bên ngôi mộ của mẹ, mất vào hồi tháng một vì Covid-19, tại nghĩa trang Nossa Senhora Aparecida ở Manaus, bang Amazonas, Ngày của Mẹ 9/5 . Ảnh: AFP.

Dù đang khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng, chính phủ Brazil vẫn đề nghị đăng cai giải bóng đá hàng đầu của Nam Mỹ Copa America, bất chấp phản đối rộng rãi và nhiều tuyển thủ quốc gia tẩy chay sự kiện.

Trước đó, Argentina và Colombia từ chối đăng cai sự kiện này, do bất ổn xã hội và do dịch bệnh.

Tính đến ngày 18/6, Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ đã xác nhận 63 trường hợp Covid-19 liên quan đến giải đấu. Chỉ riêng phái đoàn Venezuela đã có 14 trường hợp.

"Vì không phong tỏa và đóng cửa không phận, Brazil hút về các biến chủng từ khắp nơi trên thế giới. Biến chủng mới là C37, du nhập vào Brazil khi một số phái đoàn trong khu vực đến tham gia giải đấu. Copa America cho thấy chính quyền liên bang không tôn trọng sự sống", Nicolelis, nhà thần kinh học người Brazil, nói.

Làn sóng thứ ba

Nicolelis cho biết ông không thể dự đoán được giai đoạn tiếp theo của Covid-19 ở Brazil sẽ ra sao. "Mỗi làn sóng có một đặc thù. Làn sóng thứ ba, ít nhất là ở Sao Paulo, khác với những đợt trước. Nó đang lan từ nông thôn đến thủ đô. Hệ thống y tế nội địa của bang đã sụp đổ và bây giờ 80% số giường ICU ở thủ đô có người nằm", ông nói.

 Brazil đang phải đương đầu với làn sóng Covid-19 thứ ba. Ảnh: Reuters.

Brazil đang phải đương đầu với làn sóng Covid-19 thứ ba. Ảnh: Reuters.

Ông Hallal nói rằng nếu không có các biện pháp hạn chế và ngăn chặn, số người chết ở Brazil sẽ tiếp tục tăng lên cho đến khi ít nhất 40% dân số được tiêm vaccine.

“Tôi nghĩ chúng tôi sẽ tiếp tục ở trong tình trạng như vậy trong vòng 4 tháng nữa”, Hallal nói.

Ở giai đoạn hiện tại, vẫn chưa thể dự đoán được tác động lâu dài đối với hàng triệu người mắc Covid-19 trên thế giới. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng 23% người mắc Covid-19 ở Mỹ phát triển một loại bệnh tim, bệnh đường hô hấp, thần kinh hoặc tâm thần mạn tính.

"Trong số những người ‘đã phục hồi’, có hàng triệu người trong tương lai sẽ cần dịch vụ từ hệ thống y tế công cộng Brazil (SUS) đối với các bệnh mạn tính. Về lâu dài, nhu cầu này sẽ bùng nổ. Tất cả điều này xảy ra trong bối cảnh y tế công cộng đã bị sa sút trong nhiều năm. Nếu không có SUS, thảm họa ở Brazil sẽ còn tồi tệ hơn” Nicolelis nói.

Covid-19 lây lan nhanh chóng ở bộ lạc Brazil Sống trong rừng nhiệt đới Amazon, người Yanomami ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, các ca lây nhiễm Covid-19 đã gia tăng đột biến trong hai tháng gần đây.

Hồng Ngọc

Theo CNN

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cot-moc-tang-toc-o-kho-chua-cac-bien-chung-moi-cua-the-gioi-post1229192.html