Covid-19 có khả năng là đại dịch, nhưng chưa phải bây giờ

Tổng giám đốc WHO cho biết với tình hình phức tạp của bệnh Covid-19 có khả năng gây ra một đại dịch cho nhân loại, nhưng chưa phải thời điểm hiện tại.

Ngày 24/2, tổng số ca nhiễm virus corona tại Hàn Quốc đã lên đến 833 trường hợp. Nước này đang là nơi có số ca dương tính với chủng virus mới cao nhất bên ngoài Trung Quốc đại lục.

Tình hình Covid-19 diễn ra bên ngoài Trung Quốc ngày càng phức tạp với nhiều quốc gia báo cáo số người lây nhiễm tăng vọt. Điển hình như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Italy. Tuy nhiên, WHO cho biết Covid-19 có khả năng là một đại dịch nhưng không phải thời điểm hiện tại.

Cần có phản ứng phù hợp với từng trường hợp

Theo TS Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới việc quyết định sử dụng từ “đại dịch” cho bất kỳ dịch bệnh nào phải dựa trên những đánh giá liên tục về sự lan truyền địa lý của virus, mức độ nghiêm trọng và tác động của nó tới xã hội. Dựa trên những gì của virus corona trong thời điểm hiện tại, đại diện WHO cho rằng họ “không chứng kiến sự lây lan toàn cầu của virus này”, CNN đưa tin.

Ông cho biết thêm virus corona đang ảnh hưởng đến các quốc gia trên toàn thế giới theo những cách khác nhau. Nó đòi hỏi chúng ta phải có những phản ứng phù hợp với từng nơi chứ không phải là một cách giải quyết, một phản ứng cho toàn cầu.

 Theo người đứng đầu WHO, Covid-19 có khả năng của một đại dịch nhưng không phải thời điểm hiện tại. Ảnh: Getty.

Theo người đứng đầu WHO, Covid-19 có khả năng của một đại dịch nhưng không phải thời điểm hiện tại. Ảnh: Getty.

Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Sức khỏe của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết ngày 24/2, còn quá sớm để tuyên bố bệnh viêm phổi do virus corona gây nên là đại dịch - nhưng giờ là lúc chuẩn bị.

“Nhìn vào những gì đã xảy ra ở Trung Quốc, chúng ta đã thấy sự sụt giảm đáng kể trong các ca bệnh, số lượng người lây nhiễm và áp lực của virus gây ra giảm liên tục, đi ngược với logic của đại dịch. Tuy nhiên, chúng ta thấy ngược lại với điều đó là sự gia tăng ca lây nhiễm ở những nơi khác như Hàn Quốc. Do đó, nhân loại vẫn đang ở thế cân bằng”, ông Mike nói.

Đại diện WHO nói thêm: “Hiện chúng tôi đang trong giai đoạn chuẩn bị cho một đại dịch tiềm tàng”, và ông nhấn mạnh các quốc gia trên thế giới cần chuẩn bị tốt để ngăn chặn dịch Covid-19.

Gần đây, WHO chưa tuyên bố Covid-19 là đại dịch và những hậu quả tàn khốc nhất, bao gồm hơn 2.400 người chết, vẫn đang ở Trung Quốc. Song, những tuyên bố từ tổ chức này vẫn khiến nhiều người lo ngại khi cho rằng tình thế kiểm soát dịch của các quốc gia ngày càng trở nên khó khăn hơn.

"Cửa sổ cơ hội vẫn còn đó, nhưng cửa sổ cơ hội đang dần khép lại", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết hôm 21/2. "Chúng ta cần phải hành động nhanh chóng trước khi nó khép lại hoàn toàn".

Trước đó, 3h sáng ngày 31/1 (theo giờ Việt Nam), WHO tuyên bố bệnh viêm phổi do virus corona gây nên là “tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu” trong cuộc họp báo diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ).

Vì sao WHO chưa tuyên bố Covid-19 là đại dịch?

Theo CNN, các nhà dịch tễ học xác định đến thời điểm này họ chưa thấy sự lây truyền bền vững giữa những người không đi du lịch đến Trung Quốc trong thời gian gần đây với nhóm người có tiền sử ghé thăm Trung Quốc. Những gì đã và đang xảy ra với Covid-19 không đủ để trở thành một nhóm bệnh ở một quốc gia tồn tại và lan rộng ra toàn cầu.

 Nhiều quốc gia bên ngoài Trung Quốc báo động dịch diễn biến phức tạp như Hàn Quốc, Iran, Italy, Nhật Bản. Ảnh: Yonhap.

Nhiều quốc gia bên ngoài Trung Quốc báo động dịch diễn biến phức tạp như Hàn Quốc, Iran, Italy, Nhật Bản. Ảnh: Yonhap.

Do đó, muốn xác định Covid-19 là một đại dịch cần phải nhìn nhận được sự lây lan bền vững của nó từ người này sang người khác, hết lần này đến lần khác và qua nhiều thế hệ truyền bệnh. Các chuyên gia y tế cũng nhấn mạnh không có định nghĩa toán học chính xác nào về đại dịch.

Hiện tại, một số quốc gia nhất định phát hiện người dương tính với Covid-19 và vẫn kiểm soát được. Nếu các nước này ngăn chặn được sự bùng phát trước khi chúng tiến triển và lây truyền lâu dài, họ sẽ góp phần đẩy lùi Covid-19, tránh được một đại dịch xảy ra.

TS William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), đồng thời là cố vấn lâu năm của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết chưa thể gọi bệnh viêm phổi do virus corona gây nên là đại dịch trong thời điểm này. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo nó có thể sẽ xảy ra và đang tiến gần đến với nhân loại.

“Chúng ta thực sự đang đứng trên bờ vực”, TS Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (thuôc Viện Sức khỏe Quốc gia, Mỹ) bày tỏ.

Phải ngăn virus từ ngoài cổng khi học sinh trở lại trường Đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định khi học sinh trở lại trường, mỗi cơ sở giáo dục cần có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn dịch bệnh ngay từ cổng trường cho đến trong từng lớp học.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/covid-19-co-kha-nang-la-dai-dich-nhung-chua-phai-bay-gio-post1051346.html