COVID-19 tại ASEAN hết 7/11: Toàn khối trên 14.500 ca tử vong; Campuchia khẩn trương xét nghiệm
Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/11, các nước ASEAN ghi nhận thêm 8.679 ca mắc COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong đã lên tới 23.829 người.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 7/11, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 991.094 ca mắc COVID-19 trong đó có 23.829 ca tử vong và 849.865 bệnh nhân đã bình phục.
Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới, với trên 4.200 ca/ngày, trong khi Myanmar liên tục ghi nhận hơn 1.000 ca bệnh mới mỗi ngày và hiện đã vượt qua Singapore về tổng số ca COVID-19.
Tình hình Malaysia chưa có dấu hiệu dịu đi với 1.168 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua và 3 ca tử vong. Trong khi đó, Philippines đang thực hiện nới lỏng dần các hạn chế, mặc dù số ca mắc bệnh mới vẫn ở mức trên 2.000 trường hợp/ngày.
Campuchia: Xét nghiệm gần 900 người liên quan chuyến thăm của Ngoại trưởng Hungary
Báo Khmer Times ngày 7/11 đưa tin Bộ Y tế Campuchia tiếp tục truy vết và tiến hành xét nghiệm virus SARS-CoV-2 đối với những người tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hungary Péter Szijjártó sau chuyến thăm Campuchia vào ngày 3/11 vừa qua.
Theo đó, tổng cộng có 889 người được xét nghiệm COVID-19 đều cho kết quả âm tính. Tuy nhiên, bộ khuyến cáo những người này tiếp tục cách ly và phải tiến hành ba lần xét nghiệm nữa vào các ngày 9, 14 và 18/11.
Số người phải xét nghiệm COVID-19 tại Campuchia vẫn đang tiếp tục tăng, từ con số ban đầu là 628 người được cho là có tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với Bộ trưởng Szijjártó. Công tác xét nghiệm hàng loạt được thực hiện từ ngày 5/11 và con số này đã tăng lên 840 người vào ngày 6/11 và 889 người vào sáng 7/11. Trong số những người được xét nghiệm có Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, phu nhân Thủ tướng, cận vệ và các thành viên trong gia đình Thủ tướng, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia (MFAIC), lãnh đạo và công chức MFAIC, cùng một số nhà báo tham gia đưa tin sự kiện Bộ trưởng Szijjártó thăm Campuchia.
Trong nỗ lực ngăn dịch bệnh lây lan, người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine một lần nữa kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp an toàn phòng dịch bằng cách đeo khẩu trang nhiều nhất có thể, che miệng bằng khăn tay hoặc khăn quàng cổ khi ho hoặc hắt hơi để tránh lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cũng trong sáng 7/11, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo xác nhận thêm 2 ca mắc COVID-19 mới là 2 người nước ngoài (một người Ấn Độ 33 tuổi và một người Pakistan 35 tuổi) nhập cảnh Campuchia vào ngày 5/11. Như vậy tính đến ngày 7/11, Campuchia có tổng cộng 294 ca mắc COVID-19, trong đó 288 ca đã khỏi bệnh và không có ca nào tử vong.
Thái Lan đề xuất giảm thời gian cách ly với người nhập cảnh
Bộ Y tế Thái Lan đã nhất trí với đề xuất rút ngắn thời gian cách ly đối với người nhập cảnh từ những nước và vùng lãnh thổ có nguy cơ thấp trong đại dịch COVID-19 như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Trước đó, ngày 5/11, Tiểu ban Y tế của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) đã đồng ý giảm thời gian cách ly từ 14 ngày xuống còn 10 ngày đối với khách du lịch nước ngoài đến từ các quốc có cùng nguy cơ lây nhiễm như Thái Lan hoặc cao hơn một chút. Tuy nhiên, những người đến từ những khu vực có nguy cơ cao vẫn phải thực hiện thời gian cách ly trong 14 ngày.
Phát biểu sau khi chủ trì cuộc họp của Tiểu ban Y tế của CCSA, Thư ký Thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit nói rằng tiểu ban này tin là việc giảm thời gian cách ly sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến Thái Lan hơn.
Đề xuất này được đưa ra sau khi một cuộc thử nghiệm y tế cho thấy thời gian cách ly 10 ngày và 14 ngày có cùng kết quả. Tiến sĩ Kiattiphum cho biết giảm thời gian cách ly xuống 10 ngày chỉ làm tăng nhẹ nguy cơ lây nhiễm, từ 0,3/1 triệu người trong thời gian cách ly 14 ngày lên 1,5/1 triệu người trong thời gian cách ly 10 ngày.
Theo kế hoạch, đề xuất về việc rút ngắn thời gian cách ly nói trên sẽ được trình lên CCSA để thông qua.
Trong khi đó, Bộ Du lịch và Thể thao cùng Bộ Y tế Thái Lan sẽ nêu đề xuất với Trung tâm Xử lý Tình hình Kinh tế (CESA) để cho phép người nước ngoài được cách ly tại các câu lạc bộ đánh golf nhằm phục vụ những người chơi môn thể thao này từ một số nước và vùng lãnh thổ ở châu Á.
Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchakitprakarn nói rằng cơ quan này sẽ cùng Bộ Y tế trình đề xuất nói trên lên CESA vào ngày 11/11 và sau đó sẽ nêu ý tưởng đó với nội các.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, ngày 7/11, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 12 ca nhiễm mới, trong có có 1 trường hợp được phát hiện trong cộng đồng mà chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Ca COVID-19 trong cộng đồng này là một người đàn ông Ấn Độ, 37 tuổi, làm việc tại một nhà hàng ở tỉnh Krabi ở vùng cực Nam của Thái Lan. Người này cho kết quả dương tính hôm 4/11 trong khi đi kiểm tra y tế để xin giấy phép lao động và các nhà chức trách y tế đang điều tra về trường hợp này. Như vậy, tính đến hết ngày 7/11, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 3.830 ca COVID-19, trong đó có 60 trường hợp tử vong.
Malaysia cần 2,4 tỷ USD để vượt qua đại dịch COVID-19
Tờ New Straits Times đưa tin Malaysia cần khoảng 10 tỷ ringgit (hơn 2,4 tỷ USD) để có thể vượt qua đại dịch COVID-19 vào cuối quý I/2021. Tiến sĩ Maznah Dahlui, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Lực lượng đặc trách về phân tích và chiến lược chống COVID-19 (CEASE) trực thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia, cho biết số tiền nói trên sẽ được dùng cho việc điều trị, truy vết, điều tra và xét nghiệm COVID-19 cũng như phân phối và quản lý vắc-xin ngừa COVID-19 một khi nó có mặt trên thị trường.
Theo Tiến sĩ Maznah, trong thời gian tới, số lượng các đợt bùng phát mới tại Malaysia sẽ diễn ra ít hơn và thời gian bùng phát cũng sẽ ngắn hơn. Với khả năng hiện tại của mình, Malaysia có thể đảm bảo không để xảy ra sự sụp đổ của hệ thống y tế trong giai đoạn từ nay đến hết quý I/2021. Tuy nhiên, chắc chắn dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng mạnh đến việc điều trị các loại dịch bệnh khác.
Ngày 7/11, Malaysia ghi nhận thêm 1.168 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số trường hợp mắc tại nước này lên 39.357 người. Trong số đó, 282 người đã tử vong, 27.409 trường hợp đã hồi phục.
Philippines: Thêm hơn 2.100 ca nhiễm mới, gần 7.500 ca tử vong
Tổng số ca COVID-19 tại Philippines đã tăng lên 393.961 sau khi ngày 7/11 nước này ghi nhận thêm 2.157 ca nhiễm mới. Số ca tử vong hiện là 7.485 ca sau khi tăng thêm 24 trường hợp. Philippines đã ghi nhận 350.216 ca bình phục. Số ca đang điều trị tích cực là 36.260, chiếm 9,2% tổng số ca bệnh. Có tới 93,7% số ca điều trị chỉ có triệu chứng nhẹ, hoặc không triệu chứng; 4% trong tình trạng nghiêm trọng và 2,3% đang nguy kịch.