Covid-19 vào đề thi Văn, thí sinh đánh giá nội dung thời sự, tương đối 'dễ thở'
GDVN- Nhiều học sinh đánh giá, đề thi môn Văn tuyển sinh vào lớp 10 Thành phố Hồ Chí Minh có tính gợi mở, thời sự và tương đối dễ thở.
Sáng 16/7, sau khi kết thúc bài thi môn Văn (môn đầu tiên) của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn thí sinh rời phòng thi với tâm trạng phấn khởi khi làm bài xong. Đa số thí sinh đều cho rằng đề thi dễ thở, mang tính thời sự cũng như có tính gợi mở.
Học sinh Nguyễn Anh Duy (học sinh của trường trung học cơ sở Trần Văn Ơn, quận 1) cho rằng, đề thi môn Văn năm nay có tính gợi mở, gần gũi với học sinh, giúp các em phát huy được khả năng tư duy của bản thân.
Em Anh Duy nói rằng, đề thi có phần Covid-19 là rất thời sự, câu hỏi nghị luận dễ hơn những năm trước. Nhìn chung các câu hỏi của đề thi không quá khó.
Em Nguyễn Gia Linh (học sinh trường trung học cơ sở Võ Trường Toản, quận 1) cũng đồng ý với ý kiến này, và cho rằng em có thể đạt được khoảng 7 điểm với đề thi này.
Theo thầy Phan Thế Hoài – giáo viên Văn của trường trung học phổ thông Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, đề thi tuyển sinh 10 môn Văn rõ ràng là có kích thích sự sáng tạo của học sinh, phân hóa tốt.
Vừa mổ ruột thừa, thí sinh vẫn cố gắng hoàn tất bài thi tuyển sinh vào lớp 10
Với câu hỏi số 1, ngữ liệu rất mang tính thời sự là Covid-19, học sinh trả lời các câu hỏi theo mức độ từ thấp đến cao, như là nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp rồi mức độ tăng lên nữa.
Câu hỏi này, học sinh hoàn toàn có thể làm được bài tốt, thậm chí học sinh học ở mức trung bình thôi cũng có thể lấy được điểm trọn vẹn.
Với câu hỏi số 2, yêu cầu học sinh viết nghị luận, là một câu hỏi mở, cho học sinh thoải mái có thể bày tỏ quan điểm.
Học sinh có thể bày tỏ những chính kiến khác nhau, nhưng cần nói được: Lắng nghe giúp chúng ta biết chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu…đó cũng là biểu hiện của yêu thương.
Tuy vậy, tuổi trẻ thường nông nổi, thậm chí là hiếu thắng…nên nhiều người không biết lắng nghe, thích chỉ trích người khác, áp đặt…là các biểu hiện cần phê phán.
Với câu hỏi số 3, học sinh có thể có những sự lựa chọn khác nhau, tùy theo sự hiểu biết của mình để làm bài.
Ngữ liệu giới hạn cảm nhận những đoạn thơ ngắn, nên đòi hỏi học sinh phải nắm kỹ tác phẩm, có những xúc cảm tự nhiên, chân thành về nghĩa tình uống nước nhớ nguồn, tình bà cháu, sự cống hiến thì mới có thể làm bài được đầy đủ, sâu sắc.
Đề 2 của câu hỏi số 3, học sinh phải có học lực giỏi, yêu văn chương mới có thể bàn tới tốt được.
Nhìn chung, cả hai đề này đều đòi hỏi sự sáng tạo của học sinh khi làm bài, tránh học vẹt, học tủ, đoán đề và đảm bảo phân hóa tốt điểm thi, đáp ứng tốt yêu cầu của một đề thi tuyển sinh.