CPI 9 tháng tăng 3,88% khi lạm phát thế giới hạ nhiệt

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 9 tháng qua là do sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới đã giảm áp lực tới giá cả trong nước.

Đây là thông tin được Tổng cục Thống kê cho biết tại cuộc họp báo sáng 6/10.

Chỉ số giá hàng hóa xuất, nhập khẩu giảm

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão; một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 97/2023/NĐ-CP; giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương trả lời tại cuộc họp báo.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương trả lời tại cuộc họp báo.

So với tháng 12/2023, CPI tháng 9 tăng 2,18% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,63%. CPI bình quân quý III/2024 tăng 3,48% so với quý III/2023. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.

Giá vàng tăng 32,27% so với cùng kỳ

Cũng trong tháng 9, chỉ số giá vàng tăng 1,88% so với tháng trước; tăng 22,66% so với tháng 12/2023; tăng 32,27% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 26,27%. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 9 giảm 1,79% so với tháng trước; tăng 1,7% so với tháng 12/2023; tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 9 tháng năm 2024 tăng 5,46%.

Chỉ số giá sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, dịch vụ, nguyên nhiên vật liệu quý III và 9 tháng năm 2024 có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa giảm theo thị trường thế giới.

Trong mức tăng 0,29% của CPI tháng 9/2024 so với tháng trước, có 9 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm giáo dục tăng cao nhất với mức tăng 2,09%.

Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,92%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,52%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,24%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,15%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,14%; nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,09%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,05%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%.

Hai nhóm hàng có chỉ số giá giảm, gồm: nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,24% và nhóm giao thông giảm 2,77%.

Chỉ số giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản quý III/2024 ước tăng 1,47% so với quý II/2024 và tăng 9,34% so với cùng kỳ năm trước; tương tự chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp có mức tăng tương ứng là 0,07% và tăng 1,51%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 0,61% và tăng 5,59%. Tính chung 9 tháng, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 0,67%; chỉ số giá sản xuất dịch vụ tăng 6,6%.

Quý III/2024, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa ước giảm 0,11% so với quý trước và giảm 0,43% so với cùng kỳ năm 2023; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tương ứng tăng 0,33% và giảm 0,71%. Tính chung 9 tháng năm 2024, chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa giảm 1,44% so với cùng kỳ năm trước; chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa giảm 1,73%; tỷ giá thương mại hàng hóa tăng 0,29%.

Lạm phát thế giới hạ nhiệt giúp giảm áp lực trong nước

Phân tích về tình hình lạm phát 9 tháng qua, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, nguyên nhân chính đã giúp cho Việt Nam kiểm soát thành công lạm phát trong 9 tháng qua là do sự hạ nhiệt của lạm phát thế giới đã tác động tới lạm phát của Việt Nam.

Cụ thể, tỷ lệ lạm phát của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu tháng 9/2024 chỉ tăng 1,8%, thấp nhất trong ba năm rưỡi và dưới mức mục tiêu 2% của ECB. Trong tháng 8/2024, lạm phát của Mỹ tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; Tây Ban Nha tăng 2,3%; Đức tăng 1,9%; Pháp tăng 1,8%.

Xăng dầu giảm, làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm

Yếu tố quan trọng ảnh hưởng lạm phát là xăng dầu, một trong những mặt hàng chiếm tỷ trọng không nhỏ trong rổ hàng hóa tính CPI của Việt Nam. Giá mặt hàng này phụ thuộc chủ yếu vào giá của thế giới. Do đó, giá dầu thế giới giảm làm cho chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước quý III/2024 giảm 7,72% so với cùng kỳ năm trước đã tác động làm CPI chung giảm 0,28 điểm phần trăm.

Tại châu Á, lạm phát tháng 8/2024 của Ấn Độ tăng 3,7%; Philippines tăng 3,3%; Nhật Bản tăng 3%... Lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, CPI tháng 9/2024 tăng 2,63% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát thế giới hạ nhiệt cũng đã giúp cho Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa bình quân 9 tháng đầu năm giảm 1,73% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp như đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của người dân. Chú trọng tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong thời điểm thiên tai, bão lũ, kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ, cứu trợ người dân bị thiệt hại do bão lũ.

Đặc biệt, nhiều chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp được Chính phủ tiếp tục thực hiện hiệu quả như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng; gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất; giảm 10 – 50% với 36 loại phí, lệ phí… Chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời và hiệu quả cũng góp phần kiểm soát lạm phát, bà Nguyễn Thu Oanh cho hay./.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cpi-9-thang-tang-388-khi-lam-phat-the-gioi-ha-nhiet-161120.html