CPTPP sẽ đưa kim ngạch ngành da giày tăng mạnh
Việc ký kết một số hiệp định thương mại như EVFTA và CPTPP dự báo sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành da giày Việt Nam trong sự thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy xuất khẩu đối với các thị trường EU và các nước tham gia Hiệp định CPTPP.
Để hiểu rõ hơn về tác động từ hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) tới ngành da giày, phóng viên tạp chí Doanh nhân đã trao đổi với bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày Việt Nam.
Thưa bà, doanh nghiệp (DN) da giày cần phải thay đổi như thế nào để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu?
Với những DN lớn như FDI thường sử dụng các nguồn cung ứng của nước ngoài hay chính trong hệ thống. Để có thể tham gia vào thị trường này, DN Việt Nam cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ để có thể nâng sản lượng theo đúng yêu cầu quốc tế. Đồng thời DN phải nâng cao sản phẩm cả về chất lượng cũng như số lượng. Khi chúng ta đã đạt được một trình độ ngang với yêu cầu quốc tế thì DN Việt mới có cơ hội gia nhập được chuôi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh đó DN cần cung cấp thông tin sản phẩm đến được với các nhà mua hàng quốc tế hoặc DN sản xuất lớn.
Bởi DN chỉ có thể mở rộng nguồn cung khi nâng cao chất lượng sản phẩm theo yêu cầu quốc tế cũng như cung cấp thông tin nhanh tạo thành chuỗi cung ứng hoàn tất từ Việt Nam. Khi đó, các sản phẩm sẽ đạt được những kỳ vọng và mong muốn của cả Chính phủ và DN.
Thưa bà, hiện nay tỉ lệ cung ứng nguyên vật liệu trong nước đã đáp ứng được bao biêu % nhu cầu của các DN da giày?
Trong những năm qua, Việt Nam tham gia vào hội nhập kinh tế quốc tế nên nhu cầu về nguồn gốc xuất xứ ngày càng tăng. Vì vậy, tỉ trọng nhập khẩu về nguyên phụ liệu đã giảm xuống. Thay vào đó các DN sản xuất da giày và sản xuất nguyên vật liệu đã mở rộng quy mô về sản xuất nguyên vật liệu. Hiện nay, tỉ trọng mặt hàng này trong nước đã đạt được là 50% (trước đây là 65% phải nhập khẩu).
Tuy nhiên, da giày là mặt hàng Việt Nam có lợi thế, trong thời gian tới việc các DN tiếp tục gia tăng sản xuất nguyên phụ liệu nội địa sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất và xuất khẩu.
Với kỳ vọng khi tham gia vào các hiệp đinh như FTA, CPTPP thì tăng trưởng xuất khẩu của chúng ta sẽ tăng lên mức 15 - 20% hằng năm. Chính vì thế nhu cầu phục vụ nội địa cũng tăng lên một cách tương ứng. Vấn đề đáng nói ở đây là nhiều DN hiện nay tiềm năng nội lực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển như vậy. Nên những giải pháp sắp tới chúng ta cần tập trung mạnh mẽ hơn đáp ứng cho tăng trưởng xuất khẩu
Thưa bà, hiệp định CPTPP hướng tới xuất khẩu ngành da giày ở mức 15-20 %. Đây có phải là con số quá cao so với thực lực toàn ngành?
Có thể thấy CPTPP với các nước có kim ngạch xuất khẩu rất tốt như thị trường Nhật Bản chiếm 60%, các thị trường khác chiếm 2-3% thì chúng ta kỳ vọng rằng khi thực hiên CPTPP kim ngạch sẽ tăng lên gấp đôi so với các thị trường trong khối CPTPP. Như vậy kim ngạch tại các thị trường sẽ tăng từ 10-15%. Với lợi thế có những thị trường sức mua rất tốt trong CPTPP sẽ đưa tới cơ hội để cho kim ngạch cả ngành tăng trưởng thêm 5% trong năm 2019.
Với kỳ vọng như vậy chúng tôi mong muốn ngành da giày không chỉ tăng trường xuất khẩu mà còn thu hút được đầu tư phát triển nguyên phụ liệu và các vùng nguyên phụ liệu tại Việt Nam. Điều này sẽ giúp cho các DN tham gia sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời giúp cho DN Việt Nam nâng cao được chất lượng khi tham gia các hiệp định lớn.
Bên cạnh những cơ hội khi tham gia vào CPTPP thì còn rất nhiều khó khăn. Vậy ngành da giày đã chuẩn bị gì để tham gia vào Hiệp định này?
Thực ra sự chuẩn bị của ngành da giày không chỉ mới có trong thời gian vừa qua mà đã có từ rất lâu. Cùng với việc Chính phủ đàm phám nhiều hiệp định thương mại lớn cho Việt Nam, nhiều DN Việt đã chủ động đầu tư vào mở rộng sản xuất cho lĩnh vực nguyên phụ liệu.
Thứ nhất, điều này có thể nhìn rất rõ qua các con số khi tỉ lệ nội địa hóa của ngành da giày đã tăng trưởng rất nhanh chóng từ 35% lên 50%. Thứ hai việc nhập khẩu nguyên vật liệu của ngành da giày trong thời gian vừa qua đã có sự suy giảm. Chính những điều đó đã phản ánh công tác chuẩn bị của toàn ngành da giày Việt Nam.
Ngoài ra, các DN đã chủ động tham gia các hoạt động như xúc tiến thương mại do hiệp hội tổ chức, hay các hoạt động của chính DN để tìm kiếm các thị trường mới; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều DN còn tham gia rất mạnh mẽ vào hiệp hội để có cơ hội tiếp cận, tiếp nối được thông tin của Chính phủ trong việc gia nhập các hiệp định thương mại. Đó là những động thái rất tích cực của DN Việt Nam trong việc chuẩn bị gia nhập vào hiệp định lớn sắp tới.
Bà có đánh giá gì về hoạt động toàn ngành da giày trong năm 2018 và những khó khăn trong năm 2019?
Hiện nay. sản lượng mà chúng ta sản xuất hằng năm là gần 1,2 tỷ đôi giày dép, trong đó 90% chúng ta hướng ra xuất khẩu và 10% chúng ta tiêu thụ nội địa. Do vậy, với kế hoạch đặt ra về sản xuất và xuất khẩu của ngành da giày năm 2018 là 10% thì cho tới nay toàn ngành vẫn giữ được tốc độ phát triển ổn định.
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu cho 2018 là 19,5 tỷ USD với mặt hàng giày dép và túi xách. Cùng với đó, từ đầu năm 2018 tốc độ tăng trưởng vào thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc rất tốt. Tính tới cuối năm có thể tốc độ tăng trưởng sẽ đạt cao hơn kế hoạch dự kiến đầu năm.
Tuy nhiên, 2019 là năm Việt Nam chính thức gia nhập CPTPP nên khi cơ hội mở ra thì việc tăng trưởng xuất khẩu rất rõ ràng. Tuy nhiên chúng ta đều nhìn nhận thấy những thách thức của ngành da giày mà chúng ta phải đối mặt.
Thứ nhất các sản phẩm phải đáp ứng được các điều kiện mới, các quy tắc về xuất xứ. Với 55% tỉ lệ nguyên vật liệu sản xuất đã được nội địa hóa nên những DN sản xuất được nguyên liệu đã có sự chuẩn bị tốt thì điều đó không có gì trở ngại. Tuy nhiên đối với các DN phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu sẽ không đáp ứng được điều kiện có thể bị trượt đi cơ hội này.
Thứ hai là vấn đề tiếp cận thị trường, các DN vừa và nhỏ chỉ quen thực hiện các đơn hàng lẻ và tập trung vào các thị trường nội địa. Nếu như DN không phát triển được quy mô như năng lực sản xuất nội tại thì sẽ không đáp ứng được yêu của thị trường. Ngoài ra, vấn đề năng lực tài chính cũng như con người cũng cần cải thiện đáng kể.
Đặc biệt, khi tham gia vào CPTPP, một trong điều quan trọng các DN cần được tiếp nhận nguồn thông tin yêu cầu về chất lượng sản phẩm, yêu cầu về trách nhiệm xã hội. Nếu DN không nắm bắt được các yêu cầu về trách nhiệm xã hội, điều kiện về môi truờng và lao động thì mặt hàng xuất khẩu không xuất được. Đó chính là những khó khăn thách thức mà DN Việt Nam cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Xin cảm ơn bà về những chia sẻ trên!