CPTPP và triển vọng Mỹ quay lại

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tưởng như đã chết sau khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố rút Mỹ ra khỏi hiệp định này hồi đầu năm ngoái. Nhưng rồi 11 nước thành viên còn lại đã nỗ lực cùng nhau vượt qua những trở ngại và bất đồng để cùng đạt được một thỏa thuận thương mại tự do mới, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), mà không có sự hiện diện của Mỹ.

Đại diện của 11 nền kinh tế tham gia hiệp định CPTPP. Ảnh: Reuters.

Vẫn cần Mỹ

Với những nước đang phát triển trong TPP như Malaysia, Việt Nam, Peru và Chile, điểm hấp dẫn chính của việc tham gia vào TPP là cánh cửa xuất khẩu rộng mở hơn sang thị trường Mỹ. Nên sự vắng mặt của Mỹ trong CPTPP đã làm mất đi cơ hội này.

Ngược lại, các nước này cũng thường không thấy “thoải mái” lắm với các khía cạnh khác của TPP, nhất là những điều khoản liên quan đến mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước và quyền sở hữu trí tuệ, bởi chúng can thiệp vào và hạn chế chủ quyền của họ. Nhưng họ sẵn sàng chấp nhận những thiệt hại này để đổi lấy sự tiếp cận tự do vào thị trường Mỹ.

Nay, sự vắng mặt của Mỹ làm cho cán cân lợi ích-tổn hại thay đổi. Lợi ích tiềm năng đã bị giảm đáng kể trong khi tổn hại vẫn còn nguyên đó. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong văn bản CPTPP, có 22 điều khoản chỉ bị đình chỉ (trong số trên 1.000 điều khoản), chứ không phải là bị bãi bỏ. Điều này là bởi niềm hy vọng của 11 thành viên rằng Mỹ sẽ quay trở lại tham gia vào CPTPP một ngày nào đó trong tương lai.

Sự bất trắc của Mỹ

Niềm hy vọng trên dường như sẽ trở thành hiện thực khi ông Trump gần đây tuyên bố ý định quay trở lại tha gia TPP nếu Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại “tốt hơn” cho Mỹ. Có thể ông sẽ nhận ra rằng không những TPP không chết như nhiều người từng dự báo khi Mỹ rũ bỏ TPP mà, ngược lại, nó đã hồi sinh (thành CPTPP) và các ngành xuất khẩu của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng mạnh trên thị trường châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Trump cũng có thể đã nhận ra rằng các thành viên hiện tại của CPTPP không mong muốn đến mức tuyệt vọng sự quay trở lại của Mỹ bởi gần đây có dấu hiệu cho thấy năm nước khác trong khu vực là Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, và Thái Lan cũng muốn tham gia CPTPP.

Tương tự, dù Mỹ có hứa hẹn thay thế TPP bằng hàng loạt các hiệp định thương mại tự do song phương giữa Mỹ và các nước khác trong khu vực, nhưng thực tế hiện nay cho thấy hầu như chẳng có nước nào muốn “xếp hàng” để thương lượng song phương với Mỹ (vì thương lượng lại theo chủ trương của Mỹ thực chất là để giảm thâm hụt trong thương mại song phương của Mỹ với các thành viên khác).

Ngược lại, ông Trump gần đây đã và đang từng bước hiện thực hóa chủ nghĩa bảo hộ thương mại của mình. Nên thật khó tưởng tượng được Mỹ sẽ quay trở lại TPP khi không có những thay đổi “tốt hơn” cho quyền lợi của Mỹ thông qua các cuộc thương lượng lại.

Ngoài ra, sự bất trắc về chính sách thương mại của Mỹ thể hiện qua sự hay thay đổi đột ngột lập trường về thương mại cũng như sự mập mờ, khó hiểu về ý định, ý muốn và phát ngôn của ông Trump càng làm cho người ta khó tin tưởng việc Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi mối quan tâm mới này – thương lượng lại với các nước thành viên CPTPP.

Việc thương lượng lại khó khả thi

Theo đại diện của Nhật Bản, nước đã thế chân Mỹ tiếp tục sứ mệnh cổ súy thương mại tự do trong khu vực dẫn đến sự thành công của CPTPP, nếu Mỹ quay trở lại tham gia hiệp định, điều này không có nghĩa là 11 thành viên của hiệp định phải thương lượng lại với Mỹ. Bởi TPP là hiệp định trước đó đã được ký kết bởi 12 thành viên, trong đó có Mỹ.

Ngoài ra, bất cứ sự thay đổi nhỏ nào cũng làm ảnh hưởng trầm trọng đến việc thương lượng. 11 nước thành viên TPP đã phải rất nỗ lực cả một năm qua để sửa đổi lại hiệp định. Nên hiện nay, các nước này dường như không còn tâm trạng hay mong muốn thương lượng lại với Mỹ, đặc biệt khi phải phục hồi lại những điều khoản bị đình chỉ, đặc biệt là điều khoản về sở hữu trí tuệ.

Trên hết, sự ký kết thành công CPTPP cho thấy, trái với suy nghĩ chung của nhiều người trước đó, TPP đã không chết kể cả không có sự tham gia của Mỹ. Nói cách khác, sự tham gia của Mỹ không phải là không thể thiếu được cho bất cứ thỏa thuận thương mại tự do nào ở mức độ cao trong khu vực hoặc trên thế giới.

Trong khi các nước thành viên CPTPP đúng là cóphấn khởi hơn trước những dấu hiệu về ý định quay trở lại tham gia TPP của Mỹ, những dấu hiệu này, như đã nói,bất trắc, không thuyết phục và đáng tin cậy. Quan trọng không kém, nếu năm nước khác trong khu vực như nêu ở trên, và thậm chí cả những nước ngoài khu vực như Anh, tham gia CPTPP và nâng tổng số thành viên lên 16+ thì quy mô kinh tế và tác động tích cực mang lại của CPTPP-16+ còn lớn hơn cả TPP-12, càng làm lu mờ vai trò của Mỹ.

Phan Minh Ngọc

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/270011/cptpp-va-trien-vong-my-quay-lai.html