CTCP Đầu tư và Thương mại Khánh Hòa kiện Công ty Thuận An đòi phí bản quyền thương hiệu Ana Mandara Resort
Khi sử dụng thương hiệu Ana Mandara Resort, Công ty Thuận An phải trả tiền phí bản quyền tương đương với 1% doanh thu bán phòng của khách sạn trong từng tháng.
Theo hồ sơ vụ việc, năm 2010, CTCP Đầu tư và thương mại Khánh Hòa (TIC) và CTCP Thuận An đã ký kết hợp đồng Lixăng và phí bản quyền thương hiệu Ana Mandara Resort. Công ty Thuận An được quyền sử dụng thương hiệu Ana Mandara Resort trong thời hạn 20 năm. Về nghĩa vụ, Công ty Thuận An phải thanh toán phí bản quyền tương đương với 1% doanh thu bán phòng của khách sạn trong từng tháng.
Quá trình chuyển giao thương hiệu, năm 2011, hai công ty còn ký kết nhiều hợp đồng để phối hợp trong việc vận hành Khu nghỉ mát Ana Mandara Resort như hợp đồng quản lý, hợp đồng tư vấn.
Công ty Thuận An đã khai thác và đưa vào sử dụng thương hiệu Ana Mandra nhưng không thanh toán đầy đủ phí bản quyền. Công ty Khánh Hòa nhiều lần nhắc nợ nhưng Công ty Thuận An không phản hồi.
Theo biên bản đối chiếu công nợ giữa hai bên qua các năm thì đến ngày 31/5/2018, Công ty Thuận An còn nợ 1,7 tỷ đồng và lãi suất chậm thanh toán là 100,2 triệu đồng. Công ty Khánh Hòa đã khởi kiện ra tòa án để đòi lại số tiền trên.
Công ty Thuận An không đồng ý và cho rằng biên bản đối chiếu công nợ ngày 8/10/2017 là không chính xác. Nguyên do năm 2017, Công ty Thuận An đã thay đổi tổng giám đốc là bà Ngô Xuân Hòa. Biên bản ngày 8/10/2017 lại do ông Lê Anh Đức – giám đốc cũ ký kết và không được nhận ủy quyền của bà Hòa. Việc ký kết trên đã vượt quá thẩm quyền của ông Đức.
Theo tòa án thì trong hồ sơ, hai công ty đã lập các biên bản đối chiếu công nợ, thư xác nhận công nợ từ năm 2011-2018. Trong các lần đối chiếu công nợ đều có xác nhận từ bộ phận kế toán. Việc ông Đức ký ngày 8/10/2017 cũng nhằm xác nhận số nợ là hơn 1,7 tỷ đồng theo Báo cáo tài chính của Công ty Thuận An năm 2017.
Báo cáo tài chính năm 2017 thể hiện, Chủ tịch HĐQT là người đại diện theo pháp luật Công ty Thuận An đã ủy quyền cho Tổng giám đốc công ty phê duyệt báo cáo tài chính. Mặc dù việc ký kết của ông Đức vượt quá thẩm quyền nhưng từ khi ký biên bản đối chiếu công nợ ngày 8/10/2017 đến ngày 31/5/2018 thì người đại diện theo pháp luật công ty không có ý kiến phản đối.
Vừa qua, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế đã buộc Công ty Thuận An phải thanh toán số tiền nợ gốc là 1,78 tỷ đồng và lãi là 40,7 triệu đồng.
Được biết, năm 2017, TIC đã bán đấu giá phần vốn góp 24,5 tỷ đồng, tương ứng với 2,45 triệu cổ phần tại Công ty Thuận An. Số vốn góp này tương đương 11,836% vốn điều lệ tại công ty với mức giá khởi điểm 2.100 đồng/cổ phần.
Theo tờ trình phương án thoái vốn của TIC năm 2017, giá trị phần vốn góp trên không bao gồm giá trị thương hiệu Ana Mandara. Trước áp lực tài chính khó khăn, Công ty Thuận An đề nghị được phép sử dụng miễn phí thương hiệu trên với thời hạn 5 năm, kể từ lúc TIC hoàn tất việc chuyển nhượng.
Công ty Thuận An có vốn điều lệ ban đầu là 24,5 tỷ đồng. Năm 2014 tăng vốn lên 207 tỷ đồng.