'Cú hích' cho du lịch đường sông

Khu vực hành lang ven sông Đồng Nai được chọn là một trong 2 khu vực có vai trò động lực phát triển theo Quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây được xem là 'cú hích' cho phát triển du lịch đường sông.

Khách du lịch trải nghiệm các trò chơi dưới nước trên sông Ông Kèo. Ảnh:N.Liên

Khách du lịch trải nghiệm các trò chơi dưới nước trên sông Ông Kèo. Ảnh:N.Liên

Từ nhiều năm nay, phát triển du lịch đường sông luôn là bài toán mà ngành du lịch Đồng Nai phải trăn trở do vướng các quy định. Nhiều dự án du lịch đường sông chưa thể khai thác khiến cho tiềm năng vẫn còn bỏ ngỏ.

Chờ… nhiều tuyến du lịch đường sông

Đồng Nai có chiều dài bờ sông hơn 200km, trải dài từ khu vực các huyện Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu đến thành phố Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch… Từ nhiều năm nay, các tuyến du lịch đường sông được Đồng Nai quy hoạch phát triển mới chỉ nằm trên giấy. Một số dự án đã triển khai nhưng do vướng về quy hoạch, đất đai nên đã tạm dừng.

Sông Đồng Nai đi qua những vùng dân cư, đô thị và khá nhiều cù lao, đình, chùa ven sông. Để khai thác những tiềm năng du lịch đường sông, UBND tỉnh đã quy hoạch 9 tuyến du lịch đường sông trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2035. Tuy nhiên, những tuyến du lịch theo quy hoạch vẫn chưa thể triển khai do vướng các quy định về thủ tục đất đai và các quy định trong đầu tư.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành là cực hút quan trọng giúp Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành lân cận có cơ hội phát triển toàn diện, trong đó có phát triển du lịch đường sông. Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề xuất 3 tuyến đường thủy để vận chuyển hành khách từ Thành phố Hồ Chí Minh tới Sân bay Long Thành và ngược lại. Đây là cơ hội để Đồng Nai phát triển các sản phẩm du lịch ven sông khu vực huyện Nhơn Trạch, Long Thành.

Trong đó, tuyến du lịch đường sông giai đoạn 1 khai thác khu vực bến thủy Nguyễn Văn Trị đi cù lao Ba Xê trên địa bàn thành phố Biên Hòa được ký kết, đưa vào khai thác sử dụng nhưng không thu hút được du khách, hiệu quả kinh tế mang lại kém nên đã tạm dừng sau thời gian ngắn triển khai hoạt động.

Bà Trần Ánh Ly, quản lý một doanh nghiệp du lịch lữ hành tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết qua khảo sát các điểm đến của Đồng Nai, các doanh nghiệp rất ấn tượng với địa thế cũng như tiềm năng khai thác du lịch ven sông Đồng Nai. Đồng Nai có hệ thống đình, chùa ven sông đi liền với những câu chuyện về đặc thù lịch sử, tập quán văn hóa người Đồng Nai từ thời mở cõi như: đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, chùa Ông ven sông Đồng Nai, các đình, miếu ven sông… Theo bà Ly, nếu khai thác tốt, Đồng Nai sẽ có sản phẩm du lịch tạo được điểm nhấn riêng, thu hút du khách, góp phần đa dạng các sản phẩm du lịch đường sông.

Cần sự đột phá

Trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được công bố, Đồng Nai đã chọn khu vực hành lang sông Đồng Nai làm trục phát triển kinh tế năng động của tỉnh. Trên cơ sở kế thừa, duy trì và tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai, các tuyến đường ven sông cũng như việc liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương đầu tư xây dựng hệ thống cầu qua sông được chú trọng thực hiện.

Ngoài ra, Đồng Nai tập trung bảo vệ và phát triển cân bằng, hợp lý cảnh quan xanh xuyên suốt tuyến ven sông kết hợp các mô hình phát triển dịch vụ, đô thị, du lịch sinh thái có chọn lọc. Liên kết hài hòa tuyến cảnh quan ven sông với tuyến giao thông công cộng liên đô thị. Phát triển giao thông đường thủy phục vụ du lịch và dân dụng, cùng các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước đa dạng.

Tại địa bàn các huyện Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch…, Đồng Nai quy hoạch khai thác các lợi thế khu vực ven sông để phát triển du lịch. Đặc biệt là điểm nhấn Khu du lịch Hồ Trị An và các cụm dịch vụ du lịch theo mô hình du lịch sinh thái, du lịch rừng gắn với bảo vệ cảnh quan, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo tồn tài nguyên nước.

Ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh, cho biết quy hoạch của tỉnh là một trong những cơ sở để thời gian tới, các sản phẩm du lịch đường sông từng bước được tháo gỡ. Đặc biệt là các tuyến du lịch liên kết giữa các huyện nội tỉnh cũng như kết nối với các điểm đến ngoại tỉnh (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…).

Theo ông Trần Đăng Ninh, qua các đợt liên kết doanh nghiệp tổ chức tham quan, khảo sát điểm đến trên địa bàn tỉnh, các doanh nghiệp ngoài tỉnh rất ấn tượng với các lợi thế du lịch đường sông rất độc đáo. Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh chia sẻ, tiềm năng thị trường khách du lịch Đồng Nai rất lớn, bên cạnh thị trường khách nội tỉnh, Đồng Nai còn giáp với Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương - là những thị trường tiềm năng, được các doanh nghiệp du lịch lữ hành khai thác rất mạnh. Do đó, nếu sản phẩm du lịch Đồng Nai đa đạng, có tính kết nối cao sẽ thu hút được lượng khách ngoài tỉnh. Từ đó doanh nghiệp ngành du lịch mới có điều kiện khai thác khách hiệu quả, góp phần tăng thu cho ngành du lịch địa phương.

Ngọc Liên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/cu-hich-cho-du-lich-duong-song-5095f69/