Phân bổ, khoanh vùng đất đai để sử dụng hiệu quả

Sau khi Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt Quy hoạch tỉnh) được Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh đã có quyết định phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho 11 huyện, thành phố.

Phát triển đô thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh minh họa

Phát triển đô thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh minh họa

Việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo quy hoạch là nhằm đảm bảo các vùng đất, khu chức năng, loại đất được sử dụng đúng mục đích, đáp ứng cho phát triển nhiều mặt không chỉ giai đoạn trước mắt mà cả về lâu dài.

Giảm đất nông nghiệp, tăng đất hạ tầng

Tính đến hết năm 2020, Đồng Nai có hơn 586 ngàn hécta đất. Trong đó, đất nông nghiệp chiếm 79% diện tích và đất phi nông nghiệp chiếm 21%, tỷ lệ đất chưa sử dụng chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 9 hécta.

Theo đánh giá của tỉnh, việc sử dụng đất những năm qua đúng quy hoạch, đúng mục đích nhằm đảm bảo công tác quản lý Nhà nước về đất đai đúng quy định. Việc phân bổ và khoanh vùng đất đai đã đáp ứng đầy đủ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; quỹ đất được khai thác sử dụng đạt tỷ lệ cao, hiệu quả sử dụng đất về kinh tế, xã hội, môi trường ngày càng tăng.

Tại Quy hoạch tỉnh, tổng diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh là không thay đổi so với năm 2020 nhưng cơ cấu các loại đất có sự thay đổi đáng kể. Cụ thể, diện tích đất nông nghiệp đến năm 2030 giảm hơn 45,8 ngàn hécta so với năm 2020, tương đương mức giảm từ 79% còn hơn 71%. Diện tích đất phi nông nghiệp tăng từ 21% lên gần 29% trong tổng diện tích tự nhiên của tỉnh.

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh là hơn 586 ngàn hécta, trong đó đất nông nghiệp là hơn 416 ngàn hécta, đất phi nông nghiệp gần 170 ngàn héc ta.

Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đặng Minh Đức cho hay, chỉ tiêu sử dụng đất nói trên được căn cứ theo chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia phân bổ cho tỉnh, kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo từng loại đất đến năm 2030 của tỉnh. Chỉ tiêu này được cân nhắc dựa trên hiện trạng, tiềm năng và định hướng sử dụng đất; đề xuất nhu cầu sử dụng đất của các địa phương, sở, ngành và chiến lược phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030.

Xét theo đơn vị hành chính cấp huyện, các địa phương có rừng thường có chỉ tiêu sử dụng đất lớn. Trong đó, lớn nhất là huyện Vĩnh Cửu với gần 109 ngàn hécta, tương đương hơn 18% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Tiếp đến là huyện Định Quán chiếm hơn 16%, huyện Tân Phú chiếm hơn 13% và huyện Xuân Lộc chiếm gần 13% tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Các địa phương có chỉ tiêu sử dụng đất thấp là các thành phố, địa phương tách huyện. Trong đó, thành phố Long Khánh thấp nhất gần 20 ngàn hécta, tiếp đến huyện Thống Nhất gần 25 ngàn hécta và thành phố Biên Hòa hơn 26 ngàn hécta…

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Quang Phương cho hay, trong quy hoạch sử dụng đất của huyện, diện tích đất rừng và đất sản xuất nông nghiệp chiếm phần lớn. Đây là lợi thế địa phương khai thác thế mạnh du lịch sinh thái rừng, hồ và phát triển nông nghiệp sạch.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, đất đai là tài nguyên hữu hạn và là điều kiện không thể thiếu trong quá trình phát triển. Sử dụng tốt nguồn tài nguyên này không chỉ quyết định đến phát triển kinh tế - xã hội tương lai, mà còn đảm bảo cho mục tiêu an ninh, quốc phòng. Trong phân bổ và khoanh vùng đất đai, tỉnh xác định phải dựa trên quan điểm sinh thái và phát triển bền vững; phát triển đất đai thông qua các chiến lược về tổ chức không gian kinh tế, không gian đô thị theo phương án quy hoạch và chỉ tiêu phân bổ đất đai cho tỉnh của Chính phủ. Việc phân bổ đảm bảo khai thác, sử dụng có hiệu quả toàn bộ quỹ đất đai vào các mục đích cụ thể; bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa có hiệu quả cao, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất khu bảo tồn thiên nhiên; duy trì ổn định diện tích đất rừng và hạn chế tối đa việc chuyển mục đích sử dụng rừng...

Tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội

Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai có tác động lớn đến kinh tế - xã hội ở hiện tại và tương lai. Về kinh tế, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo phương án đã được xác định sẽ tạo ra nguồn thu từ đất cho ngân sách. Đồng thời, thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trong phương án quy hoạch đã xác định để thực hiện các dự án sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương, nâng cao giá trị đất.

Phát triển đô thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh minh họa: ĐINH XUÂN TUẤN

Phát triển đô thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh minh họa: ĐINH XUÂN TUẤN

Về phương diện xã hội, việc thu hồi đất ở để thực hiện các dự án đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu/cụm công nghiệp... sẽ ảnh hưởng đến việc làm, chỗ ở của một bộ phận người dân. Tại phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong Quy hoạch tỉnh đã tính toán đủ quỹ đất ở cho tái định cư, gia tăng dân số tự nhiên và gia tăng dân số cơ học tại các đô thị.

Đại diện Công ty TNHH Roland Berger (đơn vị tư vấn Quy hoạch tỉnh) cho rằng, việc chuyển hàng chục ngàn hécta đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, trong đó có đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của lao động nông nghiệp. Trong phương án quy hoạch đã tính đủ quỹ đất cho phát triển các ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu đất đai cho xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, thương mại, dịch vụ, khu dân cư... qua đó tác động đến chuyển dịch cơ cấu lao động và dân cư. Cũng từ việc phân bổ đất đai cho phát triển các ngành, lĩnh vực sẽ tận dụng tốt hơn lực lượng lao động chưa sử dụng hết, nhất là lao động nông nhàn ở nông thôn và trong lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng đủ cho cả số lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp và nhu cầu lao động tăng thêm trong giai đoạn tới.

Đối với quá trình đô thị hóa, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai đã dành quỹ đất gần 53 ngàn hécta cho quá trình này với mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 72-73%. Ngoài ra, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai đã cân đối nhu cầu đất ở của dân cư đô thị trong quá trình đô thị hóa tại các đô thị của tỉnh đến năm 2030 tăng thêm 659 hécta.

Về phát triển hạ tầng, đến năm 2030 tăng thêm gần 10 ngàn hécta đất để xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hạ tầng kinh tế, tạo tiền đề để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong đó, riêng đất giao thông tăng thêm là 7 ngàn hécta, đất cơ sở giáo dục - đào tạo hơn 1,1 ngàn hécta… Việc chỉ tiêu đất tăng thêm được bố trí cho các mục đích phát triển hạ tầng góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đưa các chỉ tiêu xã hội hóa của tỉnh đạt mức cao hơn.

Lê An

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202409/phan-bo-khoanh-vung-dat-dai-de-su-dung-hieu-qua-36d5ba5/