Cụ Huỳnh và tờ báo cất lên tiếng nói của dân

Trong suốt 16 năm tồn tại và cất lên tiếng nói của lương tri, báo Tiếng Dân thực sự đã trở thành tiếng nói của dân, bênh vực cho quyền lợi của kẻ yếu, đồng thời mạnh dạn tố cáo sự xảo trá của chính quyền thực dân phong kiến.

Chân dung Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: tư liệu

Chân dung Huỳnh Thúc Kháng. Ảnh: tư liệu

Tháng 9/1926, Huỳnh Thúc Kháng và nhóm nhân sĩ trí thức yêu nước trong Hưng Nam hội như Trần Mộng Bạch, Đào Duy Anh, Lê Văn Huân, Trần Đình Nam… họp hội nghị thành lập “Việt Nam tiến bộ dân hội” tại Đà Nẵng, nhưng đã bị Toàn quyền Đông Dương bác bỏ.

Cũng trong thời gian này, cuộc gặp gỡ giữa Huỳnh Thúc Kháng và Đào Duy Anh, Nguyễn Xương Thái và một số thân hữu để vận động làm báo tại biển Mỹ Khê (Đà Nẵng). Đào Duy Anh quyết định ở lại làm báo với Huỳnh Thúc Kháng. Để xuất bản báo chí, Huỳnh Thúc Kháng giao cho Đào Duy Anh khởi thảo điều lệ của công ty và tiến hành công việc tuyên truyền cùng huy động vốn. Huỳnh Thúc Kháng cử Đào Duy Anh vào Sài Gòn để tìm hiểu công việc làm báo, nhất là cách tổ chức bài vở. Sau 3 tháng quan sát thực tế, Đào Duy Anh trở lại Đà Nẵng để tiếp tục cùng với nhóm thân hữu xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động của công ty Huỳnh Thúc Kháng.

Trong quá trình vận động thành lập tờ Tiếng Dân, Cụ Huỳnh đã gặp gỡ và tranh thủ ý kiến của chí sĩ Phan Bội Châu. Khi hỏi ý kiến của Cụ Phan về việc đặt tên báo là Dân Thanh - Tiếng nói của dân, Cụ Phan đã nói: “Đã là báo Quốc ngữ thì nên để tên Tiếng Dân không rõ ràng hay sao”? và cái tên Tiếng Dân ra đời từ đó...

Ngày 13/10/1926, trong phiên họp của Viện Cơ mật, Pierre Pasquier nói: “Phan Bội Châu từng xin ra báo, nhưng đã được khuyên rút đơn. Nay Huỳnh Thúc Kháng cũng xin ra báo, đề nghị Viện Cơ mật cho biết ý kiến. Thượng thư Hồ Đắc Trung (Bộ Lễ và Học) và Tổng lý Nội các Nguyễn Hữu Bài đều đồng ý, nhưng đặt ra điều kiện phải kiểm soát và kiểm duyệt chặt chẽ về mặt nội dung của tờ báo”.

Ngày 12/2/1927, Toàn quyền Đông Dương Pasquier ký nghị định cho phép ra báo Tiếng Dân. Điều 2 của Nghị định này quy định: “mỗi số báo phải nộp các bài một bản chữ Quốc ngữ và một bản dịch ra tiếng Pháp cho Tòa Khâm sứ Trung Kỳ ít nhất hai ngày trước khi công bố”. Mặc dù đồng ý nhưng với điều kiện tòa soạn phải đặt tại Huế để tiện cho việc kiểm soát, kiểm duyệt mọi ấn phẩm.

Ban Biên tập Tiếng Dân gồm: Huỳnh Thúc Kháng làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, Đào Duy Anh làm Thư ký tòa soạn, thương gia Trần Đình Phiên làm quản lý, 1 kế toán và 1 thư ký phụ trách văn thư.

Báo Tiếng Dân tập hợp những cây bút gắn bó lâu dài như: Đào Duy Anh, Nguyễn Quý Hương, Nguyễn Xương Thái, Trần Đình Phiên, Trần Đình Nam; một số sau này trở thành những người cộng sản nổi tiếng như: Võ Nguyên Giáp, Hải Triều, Nguyễn Chí Diểu…

Báo Tiếng Dân ra mắt số đầu tiên ngày 10 tháng 8 năm 1927, mỗi tuần ra hai số, bốn trang vào ngày thứ Năm và thứ Bảy. Trên số 2, ở trang đầu của tờ báo có ghi hàng chữ Pháp “La voix du peuple” (Tiếng nói của dân) và chữ Hán “Dân Thanh” (Tiếng nói của dân). Nhà in báo Tiếng Dân được đặt tại ngôi nhà số 123 đường Đống Đa, phố Hàng Bè (nay là số 193, đường Huỳnh Thúc Kháng, TP. Huế).

Báo Tiếng Dân với vai trò chủ bút của Huỳnh Thúc Kháng đã bộc lộ một phong cách riêng, cái tính cương quyết của Cụ Huỳnh. Đơn cử, theo quy định, báo Tiếng Dân, mỗi số phải nộp trước cho Tòa Khâm sứ Trung Kỳ ít nhất hai ngày trước khi công bố. Thường các bài bị kiểm duyệt các tòa soạn sẽ thay vào đó bằng cách in quảng cáo. Nhưng Cụ Huỳnh tỏ ra rất bướng. Có những số ra báo Tiếng Dân trang 1, 2 bị để trắng hoàn toàn, chỉ ghi một hàng chữ đậm: Tòa Kiểm duyệt bỏ trắng một bài dài.

Chính thái độ làm báo này của Cụ Huỳnh đã làm nức lòng của những trái tim lương tri và cũng đã trở thành cái gai trong mắt của thực dân Pháp.

Cụ Huỳnh Thúc Kháng tham gia viết rất nhiều bài báo trên nhiều lĩnh vực dưới nhiều bút danh khác nhau: Sử Bình Tử, Thúc Tự Dân, Ưu Thời Khách, Xà Túc Tử, Tha Sơn Thạch, Phi Bằng, Ngu Sơn, Hải Âu, Điền Dân...

Nhiều bài viết của cụ Huỳnh Thúc Kháng đăng trên báo Tiếng Dân đã công khai phê phán sự thối nát của thể chế mà thực dân phong kiến đang áp dụng, chính quyền lấy sự nhân nghĩa, giả dối bên ngoài mà tìm cách che đậy những dã tâm bên trong. Cụ Huỳnh đã đề cập một cách khôn ngoan, kẻ địch không làm gì được.

Tính cách khẳng khái, không khuất phục cường quyền để bảo vệ cái quyền của một tờ báo của Cụ Huỳnh được thể hiện rõ qua một sự việc như sau. Đó là vào năm 1929, Tòa Khâm sứ Trung kỳ đề nghị báo Tiếng Dân đăng nguyên văn một bản tin của Tòa Khâm sứ, nhưng Cụ Huỳnh đã từ chối. Khâm sứ Trung kỳ đã gọi điện dọa sẽ đóng cửa tòa soạn báo, Cụ trả lời: “Tôi nghĩ, việc cho đăng hay không đăng một bài gì lên mặt báo là quyền của chủ nhiệm báo; cũng như cho xuất bản hay đóng cửa một tòa soạn báo là quyền của chính phủ. Nay quan lớn cất cái quyền ấy của tôi đi, thì chẳng khác nào quan lớn đã đóng cửa tờ báo Tiếng Dân rồi vậy. Mà tôi cũng không trông gì hơn, vì dưới quyền ngôn luận quá chật hẹp, tôi thấy cái nhiệm vụ của tôi đối với dân quá nặng nề”.

Trong suốt 16 năm tồn tại và hoạt động dưới sự chỉ đạo của Chủ nhiệm kiêm Chủ bút Huỳnh Thúc Kháng, báo Tiếng Dân thực sự đã trở thành tiếng nói của dân, bênh vực cho quyền lợi của kẻ yếu thế, đồng thời biến tờ báo thành “vũ khí” tố cáo sự xảo trá của chính quyền thực dân Pháp, nói lên sự bất công xã hội, mất tự do dân chủ, sự nghèo khó, sưu cao thuế nặng, góp phần mạnh mẽ vào việc nâng cao sự giác ngộ chính trị của người dân.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/theo-dong-thoi-su/cu-huynh-va-to-bao-cat-len-tieng-noi-cua-dan-142111.html