'Cú lừa' phát triển kinh tế lớn nhất lịch sử Mỹ
Cơ sở mới của Tesla ở Buffalo được cho là nơi sản xuất pin Mặt Trời khổng lồ, song dự án đã không diễn ra như kế hoạch.
Trong thập kỷ qua, New York đã chi gần 1 tỷ USD cho kế hoạch đầy tham vọng với nhà máy sản xuất pin mặt trời lớn nhất Tây bán cầu - Buffalo - của tỷ phú Elon Musk.
“Có lẽ các bạn phải tự cấu mình để chắc bản thân không nằm mơ, phải không? Thật khó tin đây là sự thật”, Thống đốc New York lúc bấy giờ, ông Andrew Cuomo, phát biểu tại buổi lễ khánh thành xây dựng nhà máy năm 2015.
Tám năm sau, thực tế dường như đã chứng minh đánh giá của ông Cuomo.
New York chi tiền xây dựng một cơ sở dài 400 m với không gian công nghiệp rộng hơn 111.000 m2 cho Tesla sở hữu và thuê lại với giá chỉ 1 USD/năm. Ông Musk từng hứa đến năm 2020, nhà máy Buffalo mỗi tuần sẽ sản xuất đủ pin năng lượng Mặt Trời che phủ 1.000 mái nhà.
Tuy nhiên, Tesla hiện chỉ đạt trung bình 21 lượt lắp đặt mỗi tuần, theo các nhà phân tích tại Wood Mackenzie. Hầu hết thiết bị sản xuất pin Mặt Trời do nhà nước trang bị cho nhà máy hiện cũng được bán giảm giá hoặc loại bỏ.
Kết quả kiểm toán cho thấy mỗi USD trợ cấp cho dự án này chỉ mang lại 54 xu lợi ích kinh tế.
“Đó là một thỏa thuận tồi. Một ví dụ cảnh báo rằng chúng ta không thể trao cho các thống đốc quá nhiều quyền lực để họ kết nối với các tỷ phú tự cao tự đại”, Thượng nghị sĩ Sean Ryan, đảng viên Dân chủ đại diện cho thành phố Buffalo, chỉ trích.
"Cú lừa" của tỷ phú Elon Musk
Người phát ngôn của cựu thống đốc Cuomo đã bảo vệ dự án, nói rằng nhà máy hiện tạo ra nhiều việc làm hơn trong khu vực.
Mặc dù không tạo ra nhiều việc làm như dự đoán, Tesla báo cáo họ đã cung cấp 1.700 việc làm tại cơ sở này, đủ đáp ứng các nghĩa vụ với tiểu bang và tránh bị phạt 41 triệu USD hàng năm.
Tuy nhiên trước đó, New York đã đồng ý sửa đổi các điều khoản trợ cấp 12 lần, bao gồm cả việc giảm yêu cầu về số lượng việc làm và gia hạn thời gian phù hợp với công ty.
Tỷ phú Musk và Tesla không trả lời các yêu cầu bình luận của Wall Street Journal. Ông Cuomo cũng từ chối phỏng vấn.
Các thống đốc của Mỹ bị cuốn vào một cuộc đua thu hút siêu dự án công nghiệp bằng trợ cấp thuế, đặc biệt là với các nhà máy bán dẫn và pin xe điện.
Năm 2022, các bang đã trợ cấp cho mỗi cơ sở trong số 8 cơ sở tư nhân hơn 1 tỷ USD giảm thuế và các khoản hỗ trợ khác, theo Good Jobs First.
Tại Wisconsin, nhà máy của Foxconn (Đài Loan) hứa hẹn tạo ra 13.000 việc làm để đổi lấy khoảng 3 tỷ USD trợ cấp nhà nước, nhưng hiện gần như trống rỗng. Vùng ngoại ô Virginia cũng đề nghị giảm thuế để cạnh tranh giành “trụ sở thứ hai” của Amazon, song phần lớn dự án đang bị đình trệ.
Ở Buffalo, tiểu bang New York đã chi tiền xây dựng nhà máy, thay vì đưa ra các khoản giảm thuế kéo dài trong nhiều năm.
“Khi xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho nhà máy sản xuất pin Mặt Trời Tesla, nhà nước đã trở thành nhà đầu tư trực tiếp với những điều khoản tồi tệ nhất”, ông E.J. McMahon, thành viên cấp cao tại Trung tâm Chính sách công Empire, nhận định.
“Đây có thể là cú lừa phát triển kinh tế lớn nhất trong lịch sử Mỹ, xét về chi phí trực tiếp tuyệt đối với người nộp thuế”, ông nói thêm.
Bên cạnh đó, nhà máy Buffalo không tạo ra việc làm cho các công nhân công nghệ cao như kế hoạch. Hơn 700 nhân viên đang làm việc tại cơ sở này là các nhà phân tích dữ liệu, có nhiệm vụ xem xét “dữ liệu lái xe theo thời gian thực để đào tạo AI” cho phần mềm của Tesla.
Sao nhãng
Trên thực tế, nhà máy sản xuất pin năng lượng Mặt Trời Buffalo ban đầu không thuộc sở hữu của Tesla, thậm chí dự án này còn nằm trong kế hoạch ươm tạo công ty khởi nghiệp nhỏ và tránh viện trợ quá nhiều cho các tập đoàn lớn.
Vào năm 2012, Thống đốc Cuomo tuyên bố muốn chi 1 tỷ USD để xoay chuyển tình trạng đình trệ trong sản xuất ở thành phố Buffalo và các nhà lãnh đạo khu vực đã nhờ Viện nghiên cứu Brookings vạch ra một chiến lược đầu tư.
Trọng tâm của chiến lược này là ươm tạo một số ít công ty khởi nghiệp nhỏ trong các lĩnh vực kinh tế đầy hứa hẹn. Cố vấn của ông Cuomo trong dự án Buffalo, giáo sư Alain Kaloyeros từ Đại học bang New York, đã đề xuất công ty khởi nghiệp về tấm pin Mặt Trời Silevo và công ty đèn LED Soraa tham gia trung tâm công nghệ cao ở Buffalo.
Tiểu bang cho biết sẽ chi 100 triệu USD để xây dựng nhà máy của Silevo, đổi lại công ty sẽ tạo ra 1.300 việc làm.
Tuy nhiên, khi đang hoàn tất thỏa thuận, giáo sư Kaloyeros phát hiện SolarCity - công ty lắp đặt pin Mặt Trời hàng đầu - đang xem xét mua lại Silevo. Tỷ phú Musk là chủ tịch và nhà đầu tư lớn nhất của SolarCity, trong khi anh em họ của ông điều hành công ty.
Đến tháng 9/2014, New York đồng ý chi 750 triệu USD cho dự án năng lượng Mặt Trời, gấp hơn 7 lần so với cam kết ban đầu. Vì dự án SolarCity quá lớn, New York đã đề nghị tìm một địa điểm khác cho Soraa.
Vào tháng 10/2015, SolarCity thuyết phục tiểu bang loại bỏ thuật ngữ “công nghệ cao” khỏi thỏa thuận việc làm và giảm số lượng việc làm bắt buộc trong “hoạt động sản xuất” tại nhà máy Buffalo từ 900 xuống 500.
Đến mùa hè năm 2016, SolarCity nợ khoảng 3 tỷ USD và gần như cạn kiệt tiền mặt. Tesla đã mua lại công ty này.
Tỷ phú Musk kỳ vọng nhà máy sẽ tạo ra một loại sản phẩm năng lượng Mặt Trời mới. “Đó không phải là thứ đặt trên mái nhà, mà là mái nhà. Tôi khá hào hứng với những gì chúng tôi đang làm ở Buffalo”, ông nói trong hội nghị báo cáo tài chính trực tuyến tháng 8/2016 của SolarCity.
Nhiều nhân viên cũng như các chủ ngân hàng tư vấn cho Tesla về thương vụ SolarCity khi đó cũng mờ mắt vì tham vọng của vị tỷ phú với ngói lợp năng lượng Mặt Trời, dù sản phẩm mới chỉ ở giai đoạn thiết kế ban đầu.
Đến tháng 4/ 2017, Thống đốc Cuomo phân bổ thêm khoảng 250 triệu USD cho cơ sở của Tesla, nâng tổng vốn đầu tư của New York vào nhà máy lên 959 triệu USD.
Song kết quả không như mong đợi. Trong một vài năm, hoạt động sản xuất ở Buffalo khá nhộn nhịp, nhưng là nhờ Panasonic - nhà cung cấp pin Mặt Trời của Tesla. Công ty Nhật Bản này đã tuyển dụng khoảng 400 người ở Buffalo trước khi quyết định rút lui vào đầu năm 2020.
Tháng 6/2019, ông Musk từng thừa nhận đã không tập trung vào năng lượng Mặt Trời trong hai năm trước đó vì áp lực sản xuất hàng loạt xe điện Model 3. Vị tỷ phú đã bố trí lại các công nhân trong nhà máy để tập trung vào Model 3 dù công việc này vốn không được thực hiện ở Buffalo.
“Chỉ một chút nữa thôi và sau đó chúng ta có thể tập trung vào năng lượng Mặt Trời. Bạn sẽ thấy một sự thay đổi đáng kể”, ông nói.
Nhận thấy thực trạng tại Buffalo, nhiều chính trị gia đã chỉ trích dự án. Thượng nghị sĩ bang New York Liz Krueger cho biết tiểu bang lẽ ra nên đầu tư vào cơ sở hạ tầng và đào tạo công nhân thay vì “chi hàng tỷ USD tiền thuế để giả vờ rằng chúng ta có thể trở thành nhà đầu tư thiên thần (angel investor)”.
Thượng nghị sĩ Ryan cũng đến thăm địa điểm này lần cuối ngay trước đại dịch Covid-19. Ông đánh giá những gì được chứng kiến không giống hoạt động sản xuất quy mô lớn.
“Chúng ta vẫn muốn thức dậy vào ngày mai và thấy rằng Tesla thực sự đầu tư vào nhà máy này, tạo ra việc làm và động lực kinh tế như hứa hẹn. Mọi người chưa dám thừa nhận thất bại của Tesla vì vẫn muốn điều đó xảy ra”, ông Ryan nói.