Cử nhân ra trường đi làm trái ngành để kiếm tiền trang trải

Cầm tấm bằng khá, giỏi trên tay nhưng thực tế nhiều cử nhân hiện nay ra trường phải đi xin việc ở nhà hàng, quán cà phê để kiếm tiền trang trải.

Từ phục vụ quán bar đến bưng bê ở nhà hàng

Mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, trong 6 tháng đầu năm, toàn quốc có hơn 562.000 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Người có trình độ đại học chiếm đến 13,85%.

 Sinh viên tốt nghiệp ra trường, cầm bằng cử nhân đi làm phục vụ ở nhà hàng

Sinh viên tốt nghiệp ra trường, cầm bằng cử nhân đi làm phục vụ ở nhà hàng

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm TP HCM, riêng địa bàn thành phố có hơn 82.500 người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trong đó, đối tượng có trình độ đại học chiếm khoảng 36% (hơn 27.800 người); người có trình độ cao đẳng chiếm gần 6%.

Tốt nghiệp cử nhân ngành luật tại một đại học nổi tiếng ở TP HCM, Thúy Giao (23 tuổi, quê tại tỉnh An Giang) ngậm ngùi cầm tấm bằng giỏi đi xin việc tại một quán bar, với vị trí là nhân viên phục vụ.

Giao cho hay, công việc mang tính chất về đêm nên hầu như cuộc sống sinh hoạt của cô gái bị đảo lộn hoàn toàn. Sức khỏe đôi lúc không đáp ứng do những cơn đau dạ dày vì thức khuya nhiều. Hơn hết, Giao cũng khá hụt hẫng khi không thể đáp ứng được kỳ vọng của gia đình.

“Ngày đó đi học cũng không nghĩ gì nhiều. Tôi chỉ mong ra trường tìm được công việc ổn định theo đúng ngành mình học. Nhưng không ngờ lại làm trái ngành vì khó xin việc”, Giao bộc bạch.

Cô gái cho hay, mặc dù trường có giới thiệu sinh viên đến thực tập tại các tòa án, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nhưng phần lớn các bạn cùng lớp với Giao đều ra trường làm trái ngành. Nhớ ngày cầm tấm bằng trên tay, Giao thú nhận bản thân không quá hứng thú với công việc mình đã học. Hơn hết, thu nhập khi làm việc ở quán bar cao hơn nhiều so với thu nhập của người mới vào nghề, làm việc tại tòa án.

Mỗi tháng, cô gái có thể kiếm được 15 triệu đồng, thu nhập mà các bạn đồng trang lứa đều ao ước. Vậy nên, Giao chấp nhận từ bỏ ngành luật để đi làm trái ngành. Song, làm việc 15 giờ/ngày, Giao chia sẻ rằng, bản thân không ít lần kiệt sức, nghĩ tới chuyện sẽ “nhảy việc” một lần nữa.

Không còn kỳ vọng nhiều

Kim Dung (21 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cũng là cử nhân ngành quản trị khách sạn với loại khá. Thời gian đầu, Dung rất kỳ vọng vào ngành học cũng như lời cam kết “100% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm” của nhà trường. Song, cô gái dường như vỡ mộng.

Ngày ra trường, Dung bị mất phương hướng sau 2 kỳ thực tập tại khách sạn ở tỉnh Phú Quốc. Cô gái cho hay, công việc tại khách sạn chỉ xoay quay ngày giờ vệ sinh phòng ngủ, nhà tắm. Hơn hết, với mức lương chỉ dao động từ 7-8 triệu đồng, Dung thừa nhận không đủ sống.

 Nhiều sinh viên chấp nhận mức lương bèo bọt, thay vì làm công việc đúng ngày bởi những áp lực về chuyên môn

Nhiều sinh viên chấp nhận mức lương bèo bọt, thay vì làm công việc đúng ngày bởi những áp lực về chuyên môn

Dần dà, cô gái không còn liên lạc với các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp cũ. Điều này khiến những đầu mối việc làm liên quan đến ngành học ngày càng biến mất.

Ngoài ra, vì không thân thiết với thầy cô nên khi tốt nghiệp Dung không biết nên tìm ai để xin tư vấn. Đến nay đã tốt nghiệp được hơn nửa năm, nhưng Dung chỉ có thể làm những công việc tạp vụ như tại quán cà phê, nhà hàng để kiếm tiền trang trải.

“Trên mạng nhiều thông tin tuyển dụng nhưng đa số là lừa đảo, tôi không thể phân biệt được nên thôi đành làm trái ngành. Không chỉ riêng tôi, có thể nói số lượng sinh viên cùng lớp đi làm đúng ngành chỉ đếm trên đầu ngón tay”, Dung tâm sự.

Làm trái ngành, Dung luôn phải nói dối bố mẹ rằng mình đang đi làm văn phòng chứ không phải phục vụ nhà hàng. Công việc gặp nhiều áp lực, bạn bè đồng trang lứa có người được làm đúng nghề, thu nhập cao khiến Dung không khỏi chạnh lòng.

Nhiều đêm tủi thân đến bật khóc, cô gái hối hận vì đã không chọn học đúng nghề mình yêu thích.

Tương tự, Bích Phượng (23 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) cũng phải đi làm công việc tại cửa hàng trà sữa trên địa bàn, thay vì một hướng dẫn viên du lịch.

Thời điểm Phượng tốt nghiệp, dịch Covid-19 bùng phát cho đến khi xã hội bình thường hóa, ngành du lịch gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến cơ hội tìm kiếm việc làm trong ngành cũng thưa thớt, buộc Phượng phải chạy đi xin một công việc “mì ăn liền” để kiếm tiền đóng trọ.

“Tôi luôn mong có thể tìm được việc đúng chuyên ngành để ổn định, không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ. Nhưng vẫn còn khó khăn vì việc thì ít, người thì đông. Hi vọng năm tới sẽ ổn hơn”, Phượng trải lòng.

*Tên nhân vật đã được thay đổi

Kỳ Hoa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cu-nhan-ra-truong-di-lam-trai-nganh-de-kiem-tien-trang-trai-post258824.html