Cử tri Hà Nội: Tiếp tục thu chi, cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng bền vững

Sáng 5/11, qua theo dõi truyền hình trực tiếp phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước, chuyên gia kinh tế Trần Thị Phương Lan cho biết, không khí thảo luận tại hội trường sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm.

Các đại biểu Quốc hội tham gia nhiều ý kiến quan trọng, tâm huyết về ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, đảm bảo cho phát triển kinh tế - xã hội hội nhập ngày càng sâu rộng.

Quang cảnh phiên họp, sáng 5/11. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Quang cảnh phiên họp, sáng 5/11. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Theo bà Trần Thị Phương Lan, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, trong nước gặp khó khăn, thách thức ảnh hưởng đến thu chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ nên kết quả thực hiện ngân sách, chính sách tài khóa năm rất quan trọng, góp phần hoàn thành các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025.

Do vậy, tại hội trường, các đại biểu đề nghị, Quốc hội tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thu chi ngân sách nhà nước, cơ cấu ngân sách theo hướng bền vững, tăng cường phòng, chống tham nhũng tiêu cực, chống lãng phí, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý ngân sách nhà nước, cải thiện công tác, kế hoạch lập kế hoạch, dự toán, nhất là dự toán thu, phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công. Đặc biệt lưu ý thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Tổng Bí thư về tăng cường công tác thực hành, tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Hiện nay, trên cả nước và ở từng địa phương có nhiều dự án, công trình bỏ dở hoặc không triển khai hay đầu tư kém hiệu quả. Không ít khu đất bỏ hoang, không được sử dụng kéo dài nhiều năm, không được khắc phục, hậu quả khắc phục chậm hoặc không được xử lý kiên quyết, làm thất thoát nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Do vậy, việc quản lý, sử dụng tài sản công cần được đánh giá rõ ràng về khó khăn, vướng mắc, nhận diện khách quan, khoa học, toàn diện tình trạng lãng phí (nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa - xã hội, đầu tư công…) kịp thời khắc phục hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định liên quan.

Đồng thời để phòng, chống lãng phí đạt hiệu quả cao, cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đấu tranh với “bệnh sợ trách nhiệm”, tư tưởng làm việc cầm chừng, né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm trong cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đề cập đến vấn đề đầu tư công, anh Hoàng Văn Toàn, đại diện một doanh nghiệp lớn tham gia thi công nhiều công trình hạ tầng giao thông trên cả nước, trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành, lĩnh vực đầu tư công được thực hiện hiệu quả hơn. Một số dự án trọng điểm quốc gia được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đưa vào sử dụng, cử tri ghi nhận và đánh giá cao.

Mặc dù Chính phủ có những chính sách thúc đẩy giải ngân nhưng theo anh Hoàng Văn Toàn, thực tế hiện nay chúng ta rất lo ngại tình hình giải ngân đầu tư công chậm và quá thấp. “Vấn đề này đã nói rất nhiều năm, nhưng năm nay tiếp tục thấp hơn cùng kỳ. Nhiều nguồn vốn phải xin kéo dài thời gian, điều chuyển, trong khi nhiều dự án thì chờ vốn, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, lãng phí cơ hội rất nhiều. Đây là hạn chế Chính phủ phải đặc biệt lưu ý, là điểm nghẽn tác động tiêu cực đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư”, anh Hoàng Văn Toàn nêu ý kiến.

Giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, góp phần tháo gỡ nút thắt về hạ tầng giao thông, đô thị, nâng cao chất lượng giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội; bảo đảm an ninh quốc phòng; tạo động lực mới, không gian phát triển mới, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh…

Các nguyên nhân “cố hữu” ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được kể đến vẫn là vướng mắc về thủ tục, chậm giải phóng mặt bằng, năng lực của nhà thầu, thiếu vật tư, thiết bị… Năm nay, thêm yếu tố thời tiết cực đoan, bất thường làm gián đoạn công tác thi công tại nhiều công trình, dự án.

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Chí Công, một cử tri tại phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, thành phố cũng như các địa phương cần đẩy mạnh biện pháp chống thất thu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, nhất là các hộ gia đình, cá nhân. Đặc biệt, đẩy mạnh hoạt động liên thông cơ sở dữ liệu giữa các sở, ngành, văn phòng công chứng, hướng đến mục tiêu giao dịch không sai sót để chống kê khai “2 giá” trong giao dịch bất động sản.

Anh Nguyễn Chí Công kiến nghị, chính quyền Hà Nội đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện kê khai giá mua bán, chuyển nhượng bất động sản trên hợp đồng công chứng đúng với giá trị giao dịch thực tế. Ngành Tư pháp thành phố ban hành văn bản quán triệt đến các văn phòng công chứng thực hiện nghiêm túc quy định trong hành nghề công chứng.

Anh Công cũng đánh giá cao việc vừa qua nhờ đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản nên nhận thức người dân trên địa bàn Thủ đô có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ người dân có ý thức trong việc kê khai giá trị bất động sản cá nhân đúng với giá giao dịch thực tế tăng cao.

Nam Giang - Minh Nghĩa (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/cu-tri-ha-noi-tiep-tuc-thu-chi-co-cau-ngan-sach-nha-nuoc-theo-huong-ben-vung-20241105124840918.htm