Kinh doanh trên nền tảng công nghệ số - kinh nghiệm và hành động
Ngày 5/11/2024, Trường Đại học Tài chính – Marketing phối hợp với Trường Đại học Tài chính – Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học quốc tế, với chủ đề: 'Business based on Digital Platform' (Kinh doanh trên nền tảng công nghệ số) lần thứ 4, tại Trường Đại học Tài chính – Marketing. Hội thảo nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị và kinh doanh.
Đại diện lãnh đạo các trường đại học trên địa bàn cả nước, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học đầu ngành, doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại trong và ngoài nước dự hội thảo.
Số hóa - tác động đa ngành, đa lĩnh vực
Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, TS. Cao Tấn Huy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính – Marketing cho biết, kinh doanh trên nền tảng công nghệ được hiểu là một không gian ảo, cho phép những người dùng có thể trao đổi các sản phẩm có giá trị với nhau. Công nghệ kỹ thuật số đã phá vỡ đáng kể các mô hình kinh doanh truyền thống. Trên thị trường hiện nay cơ bản hình thành 2 nhóm nền tảng công nghệ chính gồm: nền tảng trao đổi và nền tảng sản xuất.
Với 2 nền tảng công nghệ này, các tổ chức cá nhân cần ứng dụng, khai thác chúng để phục vụ quá trình kinh doanh, mang lại hiệu quả cao nhất. Đó là vấn đề mà bất kỳ nhà kinh doanh, nhà quản lý nào cũng muốn đạt được. Trong vòng một thập kỷ qua, mô hình kinh doanh nền tảng công nghệ phát triển và mang lại kết quả kinh doanh ngày một lớn mạnh và vượt trội so với kinh doanh truyền thống.
Trong khi, doanh nghiệp kinh doanh nền tảng công nghệ nói trên không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ, mở rộng quy mô và tăng trưởng đột biến. Trong lĩnh vực giáo dục, nếu cơ sở giáo dục nào không ứng dụng công nghệ phục vụ đào tạo thì không thể triển khai đào tạo trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra.
Đề cập các mô hình chuyển đổi số, GS. Alex COAD Trường Đại học Waseda, Tokyo, Nhật Bản chia sẻ, có 5 giai đoạn.
Theo đó, ở giai đoạn 1 trong quá trình chuyển đổi số cần tập trung vào giám sát kinh doanh và phân tích sơ bộ để tạo ra giá trị kinh tế. Giai đoạn 2, sử dụng phân tích dự đoán để hiểu rõ hơn về khách hàng và hoạt động. Giai đoạn 3, tối ưu hóa kinh doanh thông qua phân tích đề xuất. Giai đoạn 4, kiếm tiền từ dữ liệu bằng cách tạo ra các nguồn doanh thu mới. Giai đoạn 5, tạo ra văn hóa khuyến khích sáng tạo và chia sẻ.
Thách thức trong điều kiện nguồn lực có hạn
Thảo luận về các thách thức và chính sách liên quan đến các nền tảng kinh doanh số, các đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp nền tảng đối mặt với nhiều thách thức từ đối thủ cạnh tranh, đối tác bổ sung, nhân viên và chính quyền. Chính sách cạnh tranh buộc các công ty phải đổi mới, khác biệt hóa và sản xuất hiệu quả, trong khi chính sách độc quyền cho phép các công ty kiếm lợi nhuận cao nhưng gây tổn thất cho người tiêu dùng và xã hội.
Trên thế giới hiện nay, những nền tảng sáng tạo lớn như Microsoft, Oracle, Intel, SAP và Salesforce được định giá lên tới 1.238 tỷ USD. Trong khi đó, các nền tảng tích hợp giữa giao dịch và sáng tạo như Apple, Google, Facebook, Amazon, Alibaba và Xiaomi có giá lên đến trên 2.000 tỷ USD. Khi đại dịch Covid-19 lan rộng toàn cầu đã làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đa phần các doanh nghiệp kinh doanh đều gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất.
Cùng với đó là chính sách chống độc quyền bảo vệ người tiêu dùng và khuyến khích cạnh tranh; các vấn đề thuế và tác động của số hóa đến thị trường lao động hợp đồng, sự tăng trưởng nhanh chóng và các ma sát thông tin trong thị trường trực tuyến.
Các chuyên gia, diễn giả nhận định, với quan điểm xem khoa học và công nghệ là động lực, đóng vai trò khơi nguồn cho sự phát triển của mỗi quốc gia nói chung và các trường đại học nói riêng, có thể nhận thấy trong bối cảnh hiện nay, ứng dụng công nghệ là giải pháp cấp thiết. Do đó các ý tưởng, các kinh nghiệm mà các nhà khoa học, các nhà quản lý đưa ra tại hội thảo lần này có giá trị rất lớn cho sự tồn tại và phát triển cho các tổ chức nói riêng và cho toàn cầu, khu vực, quốc gia nói chung.
Hội thảo cũng đã nhận được nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu tập trung thảo luận, phân tích, làm rõ các vấn đề về phát triển kinh tế và kinh doanh trên nền tảng công nghệ số; kinh doanh các lĩnh vực trong thời đại số hóa bao gồm: kinh tế tài chính, tài chính – ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, bảo hiểm, kinh tế quốc tế, thương mại và tài chính quốc tế, kế toán và kiểm toán, kinh tế học, logistics & chuỗi cung ứng.
Ban tổ chức đã lựa chọn, biên tập được 81 bài để đăng trong kỷ yếu hội thảo. Các bài viết tập trung phân tích đánh giá các công nghệ hiện nay đang có trên thị trường và sẽ có trên thị trường trong nước và quốc tế, giải pháp nào để các tổ chức cá nhân khai thác các công nghệ đó để phục vụ quá trình kinh doanh nhằm đạt hiệu quả cao với nguồn lực có hạn của các tổ chức cá nhân.