Cử tri hỏi- cơ quan chức năng trả lời

Cử tri huyện Nho Quan đề nghị: Có kế hoạch nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT 479B liên xã Phú Sơn, Thạch Bình nhiều đoạn đã xuống cấp, không có lề đường, mặt đường nhỏ, gây khó khăn trong việc tham gia giao thông của nhân dân.

Đầu tư 14 tỷ đồng sửa chữa tuyến đường ĐT 479B

Về vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh trả lời như sau: Tuyến đường tỉnh ĐT 479B có chiều dài 8,6 km do Sở Giao thông Vận tải quản lý, đi qua địa bàn xã Phú Sơn và xã Thạch Bình (huyện Nho Quan). Trong các năm 2019, 2020, UBND tỉnh cho phép thực hiện các dự án sửa chữa định kỳ nền, mặt đường, bổ sung hệ thống thoát nước, gia cố lề đường, cơ bản đã đảm bảo tốt giao thông đi lại.

Tiếp thu ý kiến cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tổ chức kiểm tra hiện trường và nhận thấy một số đoạn mặt đường nhỏ hẹp (Bm-3,5m), có một số vị trí hư hỏng cục bộ như kiến nghị của cử tri đã nêu; do vậy, tại Quyết định số 257/QĐ-UBND ngày 9/2/2021 của UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch bảo trì năm 2021, các đoạn còn lại sẽ được sửa chữa trong 2 năm 2021- 2022, với tổng kinh phí là 14 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân được an toàn, thuận lợi.

Xử lý nghiêm các trường hợp lấy đất thi công quá sát làm ảnh hưởng đến đê

Cử tri huyện Gia Viễn đề nghị: Hạng mục đê bao Lợi Hà xã Gia Tiến có nhiều đoạn đơn vị thi công lấy đất quá sát nên phần bờ đê bị sóng đánh lở cả mảng; nhiều đoạn không đủ cao trình, đặc biệt như đoạn từ xã Gia Tiến giáp địa giới xã Gia Thắng có đoạn chưa được đắp thành bờ nên không có khả năng giữ nước. Đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sửa chữa tuyến đê bao Lợi Hà phục vụ sản xuất và ngăn nước lũ tiểu mãn.

Về vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh trả lời như sau: Dự án nạo vét lòng dẫn tuyến thoát lũ sông Hoàng Long được triển khai thi công từ năm 2009 và đã cơ bản hoàn thành. Hạng mục đê bao Lợi Hà xã Gia Tiến được bổ sung vào dự án trên tại Quyết định số 1684/QĐ-UBND ngày 8/12/2016 và đã thi công, hoàn thành nghiệm thu, bước đầu đáp ứng yêu cầu ngăn lũ tiểu mãn, bảo vệ diện tích đất nông nghiệp bãi ngoài đê.

Do bờ bao đắp bằng đất tại chỗ, qua nhiều năm sử dụng, chịu tác động của dòng chảy, lũ lụt và tàu thuyền đi lại nên nhiều đoạn bị sụt lún, sạt lở xuống dòng sông. Từ năm 2017, dự án nạo vét lòng sông tuyến thoát lũ sông Hoàng Long không được Trung ương cấp vốn nên chưa có điều kiện tổ chức thi công tiếp.

Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo thực hiện rà soát toàn bộ các dự án đầu tư công kéo dài, hết thời gian thực hiện. UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND huyện Gia Viễn và các đơn vị có liên quan kiểm tra, đánh giá mức độ sạt lở và đề xuất cụ thể phương án xử lý. Đồng thời, giao UBND huyện Gia Viễn chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra việc thi công lấy đất tại các tuyến đê, xử lý nghiêm các trường hợp lấy đất thi công quá sát làm ảnh hưởng đến đê.

Đề xuất phương án nạo vét sông Vó phục vụ sản xuất nông nghiệp

Cử tri huyện Hoa Lư đề nghị: Nạo vét sông Vó thuộc địa phận xã Ninh Vân để đảm bảo thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp (hiện nay đáy sông Vó cao bằng mặt ruộng nên việc tưới tiêu gặp khó khăn).

Về vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh trả lời như sau: Tuyến sông Vó thuộc địa phận xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư có nhiệm vụ tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng chống lụt bão trên địa bàn huyện Hoa Lư và khu vực phía Nam Ninh Bình. Nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống bão lụt, hạng mục nạo vét tuyến sông đã được UBND tỉnh bổ sung vào dự án Xây dựng các tuyến đê bao gạt lũ Tây sông Chanh giai đoạn 2, huyện Hoa Lư tại Quyết định số 426/QĐ-UBND ngày 7/5/2010.

Tuy nhiên, do Trung ương dừng bố trí vốn trái phiếu Chính phủ nên dự án thuộc diện giãn, hoãn tiến độ đầu tư. Do ảnh hưởng bởi dòng triều, hiện lòng sông bị bồi lắng, cao độ đáy sông không đảm bảo yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống bão lụt của địa phương.

Để đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống lụt bão của tuyến sông như đề nghị của cử tri huyện Hoa Lư, UBND tỉnh giao UBND huyện Hoa Lư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, báo cáo để xuất phương án cụ thể để sớm giải quyết, đảm bảo tốt công tác tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống lụt bão của địa phương.

Lập dự án xây dựng mới cầu Cổ Quàng, xã Kim Chính bằng vốn ngân sách tỉnh

Cử tri huyện Kim Sơn đề nghị quan tâm khảo sát, đầu tư xây dựng lại cầu qua sông Cổ Quàng (xóm 10, xã Kim Chính) nối giữa xã Kim Chính, huyện Kim Sơn và xã Khánh Hồng, huyện Yên Khánh xây dựng từ năm 1986, cầu đã xuống cấp, mặt cầu hẹp 1,3m, cầu cao, không thuận tiện cho giao thông và phục vụ sản xuất.

Vấn đề cử tri nêu, UBND tỉnh trả lời như sau: Cầu qua sông Cổ Quàng do nhân dân tự đầu tư xây dựng từ năm 1986; qua quá trình khai thác và sử dụng đã xuống cấp, mặt cầu hẹp, chiều cao lớn. Để đảm bảo sinh hoạt của nhân dân, kết nối giao thông liên huyện trong khu vực trên, UBND tỉnh giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Kim Sơn, UBND huyện Yên Khánh khảo sát, đề xuất phương án lập dự án xây dựng mới cầu Cổ Quàng, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn vốn ngân sách tỉnh.

P.B.Đ

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/cu-tri-hoi-co-quan-chuc-nang-tra-loi/d20210812075149148.htm