'Của để dành' giúp loạt doanh nghiệp bất động sản KCN kinh doanh khởi sắc

Nhiều doanh nghiệp bất động sản hoạt động trong lĩnh vực cho thuê nhà, xưởng, KCN được hưởng lợi lớn về kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2024.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS), tính trung bình tỉ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt trên 75%.

Trong đó, tại các tỉnh trọng điểm phía Bắc là 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%. Nhu cầu thuê, mua ở mức cao và luôn trong xu hướng tăng đẩy giá thuê đất công nghiệp tăng ổn định từ 8-12% theo năm.

Theo VARS, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai, hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì đà phát triển mạnh mẽ và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ doanh nghiệp FDI được đánh giá là "nguồn lực" để lấp đầy diện tích đất cho thuê của các KCN.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/9/2024, vốn đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 24,78 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây tiếp tục là lực đẩy để bất động sản KCN cả nước khởi sắc.

Theo đó, các doanh nghiệp bất động sản hoạt động trong lĩnh vực cho thuê nhà, xưởng, KCN cũng được hưởng lợi lớn về kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2024.

Hàng loạt doanh nghiệp báo lãi tăng bằng lần

Báo cáo tài chính quý III/2024 của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex, HoSE: BCM) – "ông trùm" KCN tỉnh Bình Dương cho thấy doanh thu thuần của công ty đạt hơn 1.227 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu doanh thu chủ yếu vẫn tới từ hoạt động kinh doanh bất động sản, cho thuê nhà xưởng với hơn 822 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty cũng ghi nhận doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tăng nhẹ lên 300 tỷ đồng.

Với việc doanh thu tăng trưởng ổn định, giá vốn hàng bán của doanh nghiệp lại có xu hướng giảm nhẹ do có ưu thế kinh doanh sản phẩm có sẵn, giúp lợi nhuận gộp của Becamex đạt hơn 842 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp, tài chính dù ghi nhận tăng cao nhưng không đáng kể so với đà tăng của doanh thu.

Theo đó, nhờ giá vốn giảm và phần lãi trong công ty liên kết lớn, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp của Becamex IDC vẫn tăng 68,8% so với cùng kỳ năm trước lên hơn 363 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Becamex ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.195 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 769 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cũng báo lãi tăng bằng lần phải kể tới Tổng Công ty IDICO – CTCP (HNX: IDC). Trải qua quý III/2024, doanh nghiệp thu về hơn 574 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cho biết, lợi nhuận quý III/2024 tăng trưởng tích cực là nhờ doanh thu từ các hợp đồng cho thuê hạ tầng KCN đáp ứng điều kiện ghi nhận doanh thu một lần.

Quý này, công ty ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng đột biến lên hơn 2.275 tỷ đồng, cao gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp trong kỳ cải thiện từ 28% lên gần 35%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu thuần của IDICO đạt hơn 6.891 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu chủ yếu đến từ cho thuê đất và hạ tầng tại các KCN ghi nhận một lần đạt 2.764 tỷ đồng, tăng 62,5% so với cùng kỳ và doanh thu kinh doanh điện đạt 2.360 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023.

Kết thúc quý III/2024, lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng của IDICO đạt hơn 2.453 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2023 và hoàn thành 98% mục tiêu lợi nhuận cho cả năm 2024.

Không nằm ngoài đà tăng chung, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (HoSE: SIP) cũng ghi nhận lợi nhuận sau thuế răng 54,36% lên 314 tỷ đồng trong quý III/2024.

Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi duy trì đà đi lên, doanh thu hoạt động tài chính của Đầu tư Sài Gòn VRG cũng bật tăng so với cùng kỳ năm trước và đạt mức 135 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi, cho vay và hoạt động bán các khoản đầu tư.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Đầu tư Sài Gòn VRG cán mốc 5.736 tỷ đồng và đạt lợi nhuận ròng hơn 902 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 106,5% và 92,7% mục tiêu kinh doanh năm đề ra.

Nằm trong nhóm các doanh nghiệp bất động sản KCN lớn hàng đầu Việt Nam, vẫn có một số doanh nghiệp báo lãi đi lùi nhưng không đáng kể.

Tỉ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt trên 75%.

Tỉ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt trên 75%.

Như tại Tổng CTCP Phát triển KCN (Sonadezi, UpCOM: SZN) cũng công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với doanh thu thuần tăng 3% so với cùng kỳ lên hơn 1.337 tỷ đồng.

Tuy nhiên giá vốn và chi phí tăng cao khiến lợi nhuận sau thuế của công ty giảm nhẹ về 325 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, công ty thu về hơn 4.192 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.198 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương mỗi ngày công ty bất động sản này lãi xấp xỉ 4,5 tỷ đồng.

Hay tại CTCP KCN Nam Tân Uyên (UpCOM: NTC) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm do vấn đề tài chính.

Nam Tân Uyên ghi nhận hụt thu từ khoản lãi bán hàng trả chậm, quý này chỉ có hơn 55 triệu đồng trong khi cùng kỳ đạt tới hơn 4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các khoản lãi tiền gửi, lãi cho vay cũng giảm xuống 21 tỷ đồng. Theo đó, doanh thu hoạt động tài chính của công ty sụt giảm 21% so với cùng kỳ năm trước về 48 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ đi mọi chi phí và thuế, Nam Tân Uyên đem về hơn 64 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Công ty cho biết bởi trong kỳ, lãi tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn giảm khiến doanh thu tài chính cũng suy giảm theo, kết quả kéo lùi lợi nhuận.

Công ty ghi nhận có hơn 1.570 tỷ đồng đang gửi tại ngân hàng tính tới cuối quý III/2024. Cơ cấu bao gồm hơn 6 tỷ đồng gửi ngân hàng không kỳ hạn; 1.512 tỷ đồng gửi có kỳ hạn dưới 12 tháng và gần 60 tỷ đồng gửi có kỳ hạn trên 12 tháng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, công ty bất động sản công nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần và lợi nhuận lần lượt đạt 175 tỷ đồng và 195 tỷ đồng, tương ứng tăng 1,1% và giảm 15% so với cùng kỳ.

"Của để dành" dồi dào của các ông lớn KCN

Đối với các doanh nghiệp bất động sản KCN, "của để dành" góp phần làm nên dòng doanh thu ổn định của các công ty tới từ khoản mục doanh thu chưa thực hiện dài hạn được trình bày là khoản nợ phải trả trên bảng cân đối kế toán.

Thực chất, khoản doanh thu chưa thực hiện là tiền các công ty bất động sản KCN nhận trước của khách hàng thuê đất KCN để thiết lập nhà máy, cơ sở sản xuất - kinh doanh.

Giữ vững ngôi vương về của để dành phải kể tới Đầu tư Sài Gòn VRG với hơn 11.590 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn, chiếm tới 47% tổng tài sản tính tới cuối quý III/2024. Cơ cấu toàn bộ là doanh thu dài hạn nhận trước từ tiền thuê đất, nhà xưởng được trả trước.

Ngoài ra, công ty còn ghi nhận doanh thu nhậ trước tiền thuê đất, nhà xưởng ngắn hạn gần 356 tỷ đồng tại ngày 30/9/2024.

"Của để dành" góp phần làm nên dòng doanh thu ổn định của các công ty bất động sản KCN.

"Của để dành" góp phần làm nên dòng doanh thu ổn định của các công ty bất động sản KCN.

Becamex cũng ghi nhận có hơn 946 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn, chiếm 27% tổng tài sản doanh nghiệp tại thời điểm cuối tháng 9/2024.

Công ty thuyết minh đây là khoản lãi nội bộ đất chuyển nhượng chờ hoàn lại, khoản này đã tăng cao gấp đôi so với ghi nhận vào đầu năm.

Cùng ghi nhận doanh thu chưa thực hiện hàng nghìn tỷ đồng còn có Sonadezi. Tại ngày 30/9/2024, "của để dành" của công ty ghi nhận có hơn 2.375 tỷ đồng doanh thu nhận trước cho thuê đất, hạ tầng KCN.

Khoản này có xu huớng giảm mạnh so với đầu năm, tương ứng trong năm Sonadezi đã tiến hành hạch toán dần vào kết quả kinh doanh của mình.

Tương tự, Nam Tân Uyên cũng có hơn 2.945 tỷ đồng doanh thu nhận trước tiền cho thuê đất, hạ tầng KCN tại cuối quý III/2024 hay như IDICO cũng ghi nhận khoản này lên tới 5.890 tỷ đồng.

Nguyễn Hồng Nhung

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cua-de-danh-giup-loat-doanh-nghiep-bat-dong-san-kcn-kinh-doanh-khoi-sac-204241031155605689.htm