'Cửa ngõ trung chuyển' tỉnh Phú Thọ tăng tốc nhờ thuận lợi giao thông
Phú Thọ tăng trưởng nhanh về kinh tế nhờ giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, để phát huy tối đa lợi thế 'cửa ngõ trung chuyển' hàng hóa, địa phương cần thúc đẩy phát triển logistics hơn nữa.
Ngày 26/3, tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển logistics. Với vị trí trung tâm tiểu vùng Tây - Đông - Bắc, ngã ba sông hội tụ sông Hồng, sông Đà và sông Lô, Phú Thọ có vai trò là đầu mối trung chuyển, giao lưu kinh tế giữa khu vực.
Tăng tốc về kinh tế
Tại Hội Nghị, ông Đặng Việt Phương, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Phú Thọ cho biết, từ một tỉnh có tăng trưởng xuất nhập khẩu thấp nhất cả nước, đến nay, tỉnh này đã thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng bình quân nhanh, thuộc nhóm 10 địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu cao, với kim ngạch năm 2022 đạt 12,1 tỷ USD, năm 2023 ước đạt 10.803 triệu USD.
Tốc độ tăng trưởng bình quân nhập khẩu trong những năm gần đây cũng đạt 26,6%, trong đó các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là vật tư đảm bảo cho gia công hàng xuất khẩu, linh kiện điện tử, nguyên liệu dệt bông, xơ, sợi dệt, phụ liệu may, da giày, vải may...
Các ngành dịch vụ khác như tài chính, ngân hành, bưu chính viễn thông, hải quan đều có tốc độ tăng trưởng ổn định.
Về hệ thống giao thông vận tải, ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh nằm trong vành đai của các tuyến trục giao thông quan trọng, như: Quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường Hồ Chí Minh, đường sắt, đường sông chạy từ Trung Quốc qua các tỉnh phía Tây vùng Đông Bắc đều quy tụ về Phú Thọ sau đó tỏa đi Hà Nội, Hải Phòng và các khu vực khác.
Phú Thọ cũng nằm trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh…
"Nhờ đó, Phú Thọ có thể khai thác các lợi thế về giao thông, về đầu tư để tham gia vào từng khâu của quá trình lưu thông hàng hóa, gắn hợp tác phát triển thương mại với Trung Quốc và ASEAN", ông Phương nói.
Với đường bộ,cao tốc Nội Bài - Lào Cai (tốc độ tối đa 100km/h) qua tỉnh Phú Thọ có chiều dài trên 62km, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thuộc hành lang đường bộ Côn Minh - Hải Phòng đã mang lại những tiềm năng, cơ hội phát triển kinh tế - xã hội rất lớn cho tỉnh này.
Tuyến đường quốc lộ 2 (AH.14 - đường bộ xuyên Á số 14) nối liền Vân Nam (Trung Quốc) với Hà Giang qua Tuyên Quang, Phú Thọ đến sân bay quốc tế Nội Bài về Hà Nội, rồi nối với quốc lộ 5 đi Hải Phòng, quốc lộ 1A đi cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và với quốc lộ 18 đi cảng biển Cái Lân - Quảng Ninh…
Quốc lộ 32 từ Hà Nội qua Phú Thọ, đi Yên Bái - Lai Châu kết nối với các quốc lộ khác sang Điện Biên đi nước Lào.
Quốc lộ 32C từ Phú Thọ đi Yên Bái, kết nối với các quốc lộ khác đi Lào Cai, sang Trung Quốc và tuyến đường Hồ Chí Minh qua tỉnh nối liền 3 miền đất nước.
TP Việt Trì là trung tâm của tỉnh đồng thời là một trong 5 trung tâm lớn của vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có các tuyến trục giao thông quan trọng đi qua như quốc lộ số 2 từ Hà Nội qua Việt Trì đi Tuyên Quang - Hà Giang sang Vân Nam - Trung Quốc hay cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Thuận lợi từ đường sắt, theo ông Hùng,tuyến đường sắt xuyên Á từ Vân Nam (Trung Quốc) sang Lào Cai chạy qua tỉnh Phú Thọ về Hà Nội và nối với các tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - TP.HCM.
Phú Thọ có 8 ga được đặt tại TP Việt Trì và các thị trấn khác trên địa bàn tỉnh, trong đó có ga Việt Trì và ga Phú Thọ là hai ga lớn rất thuận tiện cho việc đưa đón khách và vận chuyển hàng hóa khối lượng lớn.
Còn về đường thủy,tổng chiều dài vận tải đường sông của tỉnh 224,5km, trong đó sông Hồng là 109,5km, sông Lô 73,5km, sông Đà 41,5km hội tụ về Phú Thọ rồi tỏa đi Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh khác…
Hiến kế thúc đẩy phát triển logistics
Dù thuận lợi là vậy, tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải cho rằng, hiện trạng giao thông còn phân tán. Hạ tầng kho bãi hiện chưa có trung tâm thực sự lớn, hiện mới dự kiến quy hoạch hai trung tâm logistics cấp tỉnh và một trung tâm cấp vùng; số lượng DN logistics còn ít; đặc biệt là liên kết vùng miền chưa cao.
Vì vậy, theo ông Hải, để phát triển dịch vụ logistics, trước hết cần có quyết tâm, nhận thức rõ ràng. Tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics, cần đưa vào hệ thống quy hoạch, nếu không sẽ bị vướng, thực tiễn nhiều địa phương cho thấy điều đó.
"Nhiều địa phương mong muốn xây dựng trung tâm logistics ở điểm này điểm kia, nhưng sau lại chưa có quy hoạch. Khi có quy hoạch sẽ là động lực lớn để thu hút doanh nghiệp tham gia", ông Hải dẫn chứng và cho rằng, tỉnh cần có hỗ trợ thiết thực cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp logistics. Muốn kết nối, giữ chân nhà đầu tư là chặng đường dài, đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa.
"Cần thu hút đầu tư vào 3 trung tâm logistics đang quy hoạch; nâng cao, cải tạo các ICD, tuyến đường sắt hiện có. Hiện, tỉnh có các ICD cảng cạn Thụy Vân, Hải Ninh nhưng chưa được công nhận chính thức, cần đưa ICD Hải Vân vào hoạt động chính thức. Với tuyến đường sắt, từng có tuyến kết nối Lào Cai ra cảng… thời gian qua chưa khai thác. Nếu tới đây không bảo tồn, giữ lại sẽ mất cơ hội; tỉnh cần quan tâm", ông Hải gợi ý.
Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhận định, Phú Thọ kết nối sông Hồng, sông Đà và sông Lô, nhưng độ cao tĩnh không cầu Đuống đang cản trở vận chuyển tàu container từ Hải Phòng lên các ICD tại Phú Thọ. Đây là điểm nghẽn và cần dỡ bỏ để thúc đẩy vận tải đa phương thức.
"Cung vận chuyển từ cảng Hải Phòng lên Phú Thọ rất phù hợp vận tải thủy nội địa, do đó nếu độ cao tĩnh không cầu Đuống không được giải quyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất công nghiệp của Phú Thọ", ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cho rằng, Phú Thọ hoàn toàn có thể trở thành trung tâm phân phối hàng hóa tiêu dùng cho các tỉnh miền núi Tây Bắc, khi kết nối được với doanh nghiệp tại Hà Nội…