Cục Thuế tỉnh Bình Định hiện đại hóa quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế

Một trong những dấu ấn quan trọng của Cục Thuế Bình Định thời gian qua là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), số hóa trong toàn ngành để cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT).

Thực hiện hiệu quả công tác kê khai - nộp thuế điện tử

Tính đến nay, ngành Thuế tỉnh Bình Định đã có trên 99% số thuế được nộp bằng phương thức điện tử. Đơn vị cũng đã tích cực tuyên truyền hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc các doanh nghiệp (DN) đặc biệt là các DN mới thành lập hiểu và đăng ký thực hiện kê khai thuế qua mạng.

Đến nay, tỷ lệ nộp hồ sơ khai thuế luôn đạt xấp xỉ 100%; tỷ lệ đăng ký nộp thuế điện tử đạt 100% doanh nghiệp hoạt động; số chứng từ nộp thuế bằng phương thức điện tử đạt 100% và số tiền nộp thuế bằng phương thức điện tử đạt 100%.

Cục Thuế tỉnh Bình Định cũng đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử (HÐÐT) có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền (KTTMTT). Kết thúc giai đoạn 1, đã có 539 NNT đăng ký thành công HĐĐT KTTMTT. Cục thuế cho biết, đang phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ triển khai giai đoạn 2, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Tổng cục Thuế giao.

Riêng đối với việc triển khai HĐĐT theo từng lần bán đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu, cơ quan thuế địa phương đã hoàn tất trước hạn việc xuất hóa đơn điện tử từng lần bán hàng tại các cây xăng theo đúng quy định pháp luật (số lượng DN, cửa hàng, cột bơm đã thực hiện triển khai thực hiện HĐĐT theo từng lần bán đối với kinh doanh bán lẻ xăng dầu là 169/169, đạt tỷ lệ 100%; với 331/331 cửa hàng và 1.425/1425 cột bơm).

Bên cạnh đó, cơ quan thuế tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các ứng dụng nộp thuế điện tử trên thiết bị di động (Etax Mobile), quản lý trước bạ - nhà đất và dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử chính phủ, hệ thống quản lý thuế điện tử tập trung (TMS) và dịch vụ hoàn thuế điện tử.

Đến nay, 100% hồ sơ hoàn thuế cho dự án đầu tư, hoàn thuế xuất khẩu được thực hiện trên môi trường điện tử; 14.582 NNT là hộ cá nhân kinh doanh, cá nhân đăng ký thành công ứng dụng Etax Mobile.

Hình thức hỗ trợ thông qua việc hỏi – đáp chính sách thuế trên môi trường điện tử chiếm đến 95% trên tất cả các kênh tiếp nhận hỏi đáp. NNT chỉ cần có điện thoại di động và nếu có vướng mắc thì gửi câu hỏi điện tử tại Cổng giao tiếp của cục thuế là Biditax.vn hoặc tại trang Fanpage của cục thuế, câu hỏi sẽ được ban tổ chức trả lời trực tuyến theo nguyên tắc 24 giờ/7 ngày và theo chuẩn dịch vụ hỗ trợ thuế 5 sao.

Trang fanpage của Cục Thuế tỉnh đã vượt lên, xếp thứ 2 về lượt người theo dõi (10,5 nghìn người), nếu xét trên quy mô dân số và lượt tương tác thì fanpage Cục Thuế Bình Định hiện đang dẫn đầu cả nước; zalo của cục thuế có hơn 5.000 người theo dõi, lũy kế đến nay có trên 49.000 lượt xem cả trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, fanpage facebook của cục thuế gần 10.000 người theo dõi, luôn duy trì mức 25.000 lượt người xem/tháng.

Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết, đã ban hành 7 công văn cảnh báo doanh nghiệp rủi ro về hóa đơn; qua đó, đã phát hiện và cảnh báo 11 trường hợp doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định chia sẻ, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã xây dựng phân hệ "Danh sách NNT có hóa đơn được lập không theo thứ tự liên tục từ số nhỏ đến số lớn trong cùng một ký hiệu hóa đơn" từ đó rà soát các hóa đơn nhảy cóc, theo hướng dẫn tại công văn số 2162/CTBDI-CNTT. Các đơn vị đã thực hiện rà soát 277/299 trường hợp cảnh báo; trong đó có 65 trường hợp xác định do lỗi nhà mạng, 25 trường hợp do có sự thay thế/điều chỉnh hóa đơn, 19 trường hợp là hóa đơn nháp, 5 trường hợp đã bỏ địa chỉ kinh doanh, 3 trường hợp copy dữ liệu hóa đơn nhưng không điều chỉnh ngày, 10 trường hợp hóa đơn nhảy theo ngày ký và 149 trường hợp đang rà soát chưa có kết quả. Đã xử phạt 5 trường hợp vi phạm với số tiền phạt 101 triệu đồng”.

Fanpage Cục Thuế Bình Định hiện đang dẫn đầu cả nước. Ảnh: Nguyễn Lạc

Fanpage Cục Thuế Bình Định hiện đang dẫn đầu cả nước. Ảnh: Nguyễn Lạc

Có thể thấy, trong những năm qua, Cục Thuế tỉnh Bình Định luôn đi đầu trong việc triển khai, thực hiện và nâng cao hiệu quả công tác kê khai - nộp thuế. Điều này đã giúp tiết kiệm chi phí chung cho toàn xã hội và giúp cho ngành Thuế giảm áp lực phải thu nhận hồ sơ giấy, giảm thiểu công việc nhận và nhập thủ công các hồ sơ thuế.

Nâng cấp các ứng dụng quản lý thuế gắn với chuyển đổi số

Nền kinh tế số mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn và thách thức đối với ngành Thuế như: thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin; chưa được đầu tư bài bản, phù hợp với thực tế phát triển, nhất là về hạ tầng công nghệ; sự thích ứng của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực, hiệu quả vào chuyển đổi số chưa được coi trọng đúng tầm… đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nguồn thu.

Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định chia sẻ: “Chúng tôi luôn nâng cấp, hoàn thiện quản lý thuế định hướng mở bằng công nghệ. Cục Thuế Bình Định tổ chức thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa công tác quản lý thuế gắn với chuyển đổi số ngành Thuế, đưa ứng dụng CNTT vào công tác tuyên truyền hỗ trợ thông qua việc tổ chức các hội nghị tập huấn đối thoại trực tuyến, lấy ý kiến trực tuyến từ NNT và tạo ra các trang fanpage, zalo kết nối, trao đổi thông tin với NNT”.

Đối với lĩnh vực quản lý thuế đối với hoạt động khai thác khoáng sản, cơ quan thuế tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành chính thức ứng dụng “bản đồ số mỏ khoáng sản”. Sự kiện này đánh dấu Cục Thuế Bình Định là đơn vị đầu tiên của cả nước có ứng dụng “bản đồ số mỏ khoáng sản”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm, Cục Thuế Bình Định tiếp tục ứng dụng công nghệ để chống thất thu trên lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản, bằng cách nghiên cứu, bổ sung hàng loạt chức năng mới trên ứng dụng “Bản đồ số mỏ khoáng sản”: bổ sung công cụ Đối chiếu giá kê khai thuế tài nguyên với các quyết định giá của UBND tỉnh; bổ sung công cụ So sánh tờ khai thuế tài nguyên/phí bảo vệ môi trường với tờ khai quyết toán thuế tài nguyên năm...

"Nhờ vậy, số doanh nghiệp mới phát sinh được cấp phép khai thác khoáng sản, chưa chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật trong việc xác lập các nghĩa vụ tài chính đã giảm đi rất nhiều" - ông Tuấn nói.

Cục Thuế tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ để truy lùng gian lận và chống thất thu trên nhiều các lĩnh vực, nghiên cứu, bổ sung hàng loạt chức năng mới trên các ứng dụng hiện có: bổ sung chức năng so sánh, giám sát các ngành nghề ăn uống/khách sạn, kiểm soát hóa đơn của các doanh nghiệp xăng dầu xuất không có mã số thuế và trên 2 triệu đồng/hóa đơn.

Đồng thời, xây dựng công cụ mới tập hợp số liệu từ các ứng dụng TMS/eTax/cổng thông tin điện tử của các huyện, thị xã, thành phố (các chi cục/phòng không còn nhận dữ liệu) tích hợp vào các ứng dụng do cục thuế xây dựng để phục vụ cho công tác tổng hợp số liệu,…

Bên cạnh đó, để kịp thời phân tích nhanh nắm bắt kịp thời các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro hóa đơn, ông Tuấn cho biết, Cục Thuế tỉnh Bình Định đã bổ sung 5 phân hệ mới trên ứng dụng giám sát hóa đơn (QHD) cụ thể: doanh nghiệp mới thành lập có rủi ro về thuế, hóa đơn; doanh nghiệp có sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp đã bỏ địa chỉ kinh doanh; doanh nghiệp có doanh thu tăng đột biến; doanh nghiệp có doanh thu bình quân gấp nhiều lần vốn đăng ký…

Lạc Nguyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cuc-thue-tinh-binh-dinh-hien-dai-hoa-quan-ly-thue-tao-thuan-loi-cho-nguoi-nop-thue-161235.html