Cùng chia sẻ, cùng chung tay hành động

Đất nước ta đã bước vào giai đoạn đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Đây là một tín hiệu tích cực trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, gây tác động không nhỏ đến kinh tế toàn cầu cũng như những hệ lụy về bảo đảm an sinh xã hội.

Có thể khẳng định, thành công trong phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta đã được cả cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Điều đó một lần nữa minh chứng cho sức mạnh đoàn kết, cùng chia sẻ và cùng chung tay hành động của cả xã hội. Trong đó, nổi bật là các hoạt động chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp... để giúp nhau vượt qua khó khăn với tinh thần "tương thân, tương ái", "một miếng khi đói bằng một gói khi no".

Với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", Đảng và Nhà nước ta luôn đặt trọng tâm ưu tiên hàng đầu là bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch, nhất là người có công, người nghèo, người mất việc làm, người yếu thế... bằng việc triển khai hiệu quả gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng.

Với tinh thần cùng chia sẻ, cùng chung tay hành động, Chính phủ cũng như các cấp, ngành, đơn vị liên quan đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp, hộ kinh doanh - những đối tượng bị tác động trực tiếp do dịch - về nhiều mặt, điển hình là gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội; được giãn nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ vay vốn…

Nhờ vậy, dù khó khăn chồng khó khăn nhưng nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng GDP cao so với nhiều nước trong khu vực (quý I-2020 tăng 3,82%); kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn được bảo đảm; an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân được đặc biệt quan tâm.

Nếu như cùng chia sẻ, cùng chung tay hành động là "chìa khóa" làm nên thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống "giặc" Covid-19, thì bước vào giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới, tinh thần này càng cần thiết hơn bao giờ hết. Như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên khai mạc kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV (ngày 20-5): Bài học sâu sắc rút ra qua quá trình phòng, chống dịch Covid-19 là nỗ lực khắc phục khó khăn, đồng lòng chia sẻ và chung tay hành động.

Khi nước ta bước vào giai đoạn vừa dập dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội sẽ có những khó khăn bội phần và vì thế càng đòi hỏi sự chia sẻ, chung tay hành động, góp sức nhiều hơn nữa của các cấp, ngành cũng như mỗi người dân, doanh nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ.

Chính phủ đã xác định, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu các cấp, ngành, địa phương hiện nay là phải quyết liệt hơn nữa trong đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới chính sách, cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút, phát huy mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển. Những tháng dài bị dịch Covid-19 "nén" sự phát triển chung, giờ là lúc nền kinh tế cần phải lấy lại đà tăng trưởng theo hình chữ V. Từ đó tạo nên tác động “dây chuyền” trong giải quyết việc làm, giúp người lao động có thu nhập, ổn định cuộc sống.

Để hiện thực hóa tinh thần cùng chia sẻ, cùng chung tay hành động với doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục đề nghị Quốc hội thông qua chính sách miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19. Đây là trợ lực vô cùng quan trọng của Nhà nước dành cho cộng đồng doanh nghiệp. Nếu nỗ lực, cộng đồng doanh nghiệp sẽ hồi sinh và phát triển. Do đó, việc chủ động nắm bắt kịp thời những cơ hội, không để lãng phí nguồn hỗ trợ từ Nhà nước phải là nhiệm vụ thường xuyên của các chủ thể này.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách khó khăn, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét trước mắt chưa tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020. Chủ trương này được nhiều người hưởng lương từ ngân sách và người lao động đã nghỉ hưu đồng tình ủng hộ nhằm cùng chia sẻ, cùng chung tay với đất nước. Dự kiến, nếu được thông qua, Nhà nước sẽ có nguồn lực 60.000 tỷ đồng để giải quyết các vấn đề cấp bách.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới với nhiều khó khăn, tinh thần cùng chia sẻ, cùng chung tay hành động cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ và đi vào chiều sâu hơn. Làm sao cho mỗi tập thể, mỗi cá nhân đều thấy rõ trách nhiệm của mình để cùng góp sức đưa đất nước vượt qua thời kỳ khó khăn, phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 và giai đoạn 2016-2020. Quan trọng hơn là làm sao để tinh thần cùng chia sẻ, cùng chung tay hành động thấm sâu vào mọi hoạt động, ở mọi lĩnh vực, tạo thành "nguồn lực quan trọng" trong xây dựng, phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/968305/cung-chia-se-cung-chung-tay-hanh-dong