Củng cố trật tự quốc tế dựa trên quy định pháp luật

Đó chính là mục tiêu của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra tại TP Hiroshima của Nhật Bản từ ngày 19 đến 21/5. Qua đó thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của G7 trong việc bảo vệ trật tự này.

Sáng 19/5, Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã chính thức khai mạc với sự kiện các nhà lãnh đạo G7 đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm hòa bình Hiroshima. Đây là lần đầu tiên tất cả các nhà lãnh đạo G7, trong đó có 3 cường quốc hạt nhân là Mỹ, Anh và Pháp, cùng đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hiroshima, nơi lưu lại những vết tích hậu quả của vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống thành phố này vào ngày 6/8/1945.

Lãnh đạo các nước Nhóm G7 và EU chụp ảnh kỷ niệm tại Đài tưởng niệm ở Bảo tàng Hiroshima sáng 19/5. Ảnh: AP

Lãnh đạo các nước Nhóm G7 và EU chụp ảnh kỷ niệm tại Đài tưởng niệm ở Bảo tàng Hiroshima sáng 19/5. Ảnh: AP

Hội nghị các nhà lãnh đạo từ 7 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng nước chủ nhà Fumio Kishida, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Sự kiện này cũng thu hút sự tham dự của lãnh đạo các tổ chức lớn gồm Liên hợp quốc (LHQ), Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Tại các cuộc hội đàm với các người đồng cấp Canada, Pháp và Đức ngay trước thềm phiên khai mạc, Thủ tướng Fumio Kishida đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc các nhà lãnh đạo G7 chứng kiến tận mắt hậu quả do sử dụng bom nguyên tử. Ông ấn định vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này, coi đây là điểm khởi đầu cho tất cả nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân trong tương lai. Ông tuyên bố, thế giới đang chứng kiến những cuộc khủng hoảng lớn đang làm lung lay nền tảng của trật tự quốc tế.

Chính vì vậy, mục tiêu của hội nghị lần này là củng cố trật tự quốc tế dựa trên quy định của pháp luật, thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ của G7 trong việc bảo vệ trật tự này, đồng thời phản đối việc sử dụng vũ lực để làm thay đổi hiện trạng, phản đối việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Là quốc gia duy nhất phải hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân vào năm 1945 tại Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản luôn tìm cách thể hiện mình là nước đi đầu trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải trừ hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Là nước chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G7, Nhật Bản hy vọng vấn đề vũ khí hạt nhân sẽ được thảo luận nghiêm túc, hướng tới đạt được đồng thuận của các thành viên G7 cùng cam kết thực hiện chính sách không sử dụng vũ khí hạt nhân. Theo đó, dự kiến một văn kiện về tầm quan trọng của hành động thúc đẩy không phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ được công bố. Các hành động này cũng bao gồm nỗ lực để duy trì lịch sử không sử dụng vũ khí hạt nhân, giảm số lượng vũ khí hạt nhân và thúc giục các cường quốc hạt nhân minh bạch hơn về năng lực hạt nhân của mình…

Liên quan tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, Hội nghị đã ra Tuyên bố chung trong đó các nhà lãnh đạo G7 cho biết sẽ tiếp tục thực hiện cam kết cung cấp viện trợ tài chính, nhân đạo, quân sự và ngoại giao theo đề nghị của Ukraine cho tới khi nào còn cần thiết, đồng thời áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Tuyên bố cũng kêu gọi Nga rút quân khỏi Ukraine. Trước đó ít giờ, Mỹ và các đồng minh trong nhóm G7 đã thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào ngành sản xuất kim cương của Nga, cũng như các thực thể Nga có liên quan đến xung đột tại Ukraine. Thủ tướng Fumio Kishida trong một phát biểu đề cập đến các biện pháp trừng phạt đang áp dụng đối với Moscow cho biết các biện pháp trừng phạt đã tạo ra một số kết quả như lĩnh vực chế tạo ôtô và sản xuất vũ khí của Nga chậm trễ do thiếu vật liệu bán dẫn. Tuy nhiên, ông cho biết một số người chỉ ra rằng Nga đang né tránh các lệnh trừng phạt.

Nhật Bản hy vọng tái khẳng định hợp tác giữa G7 và các đối tác khác để ngăn Nga né tránh các lệnh trừng phạt và có được vũ khí từ bên thứ 3. Trong khi đó, các nước phương Tây trong đó có các thành viên G7 gia tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, tiếp tục cam kết đẩy mạnh cung cấp khí tài, đạn dược, cam kết triển khai xe tăng hỗ trợ cho Kiev trên thực địa. Trước các diễn biến hiện nay, G7 vẫn mong muốn cuộc xung đột sẽ sớm kết thúc. Tuy nhiên, để đạt được sự mong muốn này không thể một hội nghị mà có thể giải quyết, đòi hỏi các bên phải ngồi lại với nhau không chỉ riêng Nga hay Ukraine bởi có quá nhiều bên liên quan. Nhưng mấu chốt ở đây là làm sao có giải pháp trước hết để Nga và Ukraine có thể thấy lợi ích quốc gia, uy tín cá nhân không bị thiệt thòi.

Bên cạnh những vấn đề an ninh, Hội nghị Thượng đỉnh G7 dự kiến sẽ thảo luận về năng lượng sạch, biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu, trí tuệ nhân tạo (AI) và tăng cường hợp tác đa phương… để thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu đại dịch. Việc một số ngân hàng của Mỹ sụp đổ trong thời gian gần đây cho thấy sự bất ổn của nền kinh tế. Tổng thống Joe Biden đến Hiroshima trong khi Mỹ đang cận kề nguy cơ vỡ nợ nếu không đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công. Kịch bản vỡ nợ nếu xảy ra sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, G7 lưu ý rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang kiên cường hơn dự kiến mặc dù lạm phát vẫn tăng cao. Ngoài vấn đề lạm phát và nguy cơ suy thoái, nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với những rào cản không thể vượt qua nếu các nước không hợp tác lành mạnh về thương mại và đầu tư. Bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI), ông Nishimura Yasutoshi, nhấn mạnh phải xây dựng một thế giới nơi “các quốc gia xích lại gần nhau dựa trên lòng tin và tăng cường hợp tác dưới ngọn cờ thương mại tự do, không sa vào chủ nghĩa bảo hộ”.

Đối với biến đổi khí hậu, Nhật Bản đang tìm cách thúc đẩy chuyển đổi xanh, hướng tới việc tạo ra những thay đổi mang tính đột phá với mục tiêu không để nỗ lực cắt giảm phát thải và tăng trưởng kinh tế rơi vào mối quan hệ đánh đổi. Nội dung thảo luận về biến đổi khí hậu có thể sẽ là đề xuất của Nhật Bản về việc thực hiện quá trình trung hòa carbon theo cách hoàn toàn tương thích với việc đảm bảo cung cấp năng lượng ổn định, dựa trên những lộ trình thực tế và đa dạng đáp ứng nhu cầu của từng quốc gia.

Nhật Bản dự kiến cũng sẽ đề cập đến AI, đặc biệt trong bối cảnh lĩnh vực AI đang phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự xuất hiện của ứng dụng ChatGPT. Giáo sư Go Ito nhận định sự phát triển của AI mặc dù rất tiện lợi, nhưng nếu không có quy định rõ ràng về luật thì sẽ xảy ra tình trạng dễ dàng sử dụng tài sản trí tuệ của người khác. Trong nỗ lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ thảo luận về tăng cường hợp tác giữa nhóm G7 với các nước mới nổi và đang phát triển.

Theo nhận định của giới chuyên gia, đây là các quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nguồn nhân lực dồi dào, có tiềm năng phát triển kinh tế, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp G7 khắc phục khủng hoảng giá cả, năng lượng, lương thực hay gián đoạn chuỗi cung ứng.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/cung-co-trat-tu-quoc-te-dua-tren-quy-dinh-phap-luat-i694150/