Cuộc bầu cử tại Hàn Quốc: Kịch tính và khó đoán định
Cục diện trên chính trường Hàn Quốc hiện nay khiến cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ 20 đang diễn ra ở nước này trở nên kịch tính và khó đoán định nhất từ trước đến nay.
Trong cuộc bầu cử này, vòng đua tập trung vào 4 ứng cử viên hàng đầu gồm: ông Lee Jae-myung của đảng Dân chủ (DP) cầm quyền, ông Yoon Suk-yeol của đảng Sức mạnh quốc dân (PPP) đối lập chính, ông Ahn Cheol-soo của đảng Nhân dân trung lập và bà Sim Sang-jeung của đảng Công lý tiến bộ. Cả 4 ứng cử viên đã thực hiện chiến dịch tranh cử đến phút chót và đã thực hiện cả 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình theo quy định của Ủy ban Bầu cử quốc gia. Tuy nhiên, cơ hội chiến thắng trên thực tế chỉ dành cho hai ứng cử viên Lee Jae-myung và ông Yoon Suk-yeol.
Trong suốt quá trình tranh cử, đặc biệt trong giai đoạn 30 ngày nước rút trước ngày bầu cử, hai ứng cử viên đã bám đuổi sít sao và không ai giành được ưu thế vượt trội. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, hai chính khách này chỉ chênh lệch nhau trong tỷ lệ sai số ± 3,1%.
Ứng cử viên Lee Jae-myung xuất thân từ luật sư về nhân quyền, có quá trình phấn đấu đi lên tự thân đã chiếm được cảm tình của lớp cử tri cấp tiến. Ông được đánh giá là giàu kinh nghiệm chính trị, đặc biệt có thành tích nổi bật trong giai đoạn làm thị trưởng Seongnam và tỉnh trưởng Gyeonggi bao quanh Thủ đô Seoul và là khu vực đông dân nhất ở Hàn Quốc với khoảng 13,5 triệu người. Trong khi đó, ông Yoon Suk-yeol nguyên là tổng công tố tối cao và đã xây dựng hình ảnh là nhân vật dám đương đầu với những sai phạm của chính quyền đương nhiệm. Giương cao khẩu hiệu chống tham nhũng, ông đã thu hút được một số lượng lớn cử tri muốn thay đổi và tạo ra luồng gió mới cho xã hội Hàn Quốc.
Tuy nhiên, cả hai ứng cử viên đều vướng vào bê bối cá nhân hoặc gia đình. Ông Lee Jae-myung bị cáo buộc tham nhũng liên quan đến dự án tái thiết phường Daejang tại thành phố Seongnam khi là thị trưởng. Vụ việc đang trong quá trình điều tra và chưa có kết luận. Ông và vợ cũng từng 2 lần phải xin lỗi công khai do vợ ông đã lạm dụng nhân viên công quyền và sử dụng thẻ công để chi tiêu cá nhân.
Còn ông Yoon Suk-yeol, tuy không vướng vào bê bối cá nhân nhưng vợ và mẹ vợ đều là tâm điểm của báo chí. Mẹ vợ ông năm 2021 bị kết án 3 năm tù giam vì tội khai man, thu lợi bất chính hàng triệu USD từ quỹ bảo hiểm y tế quốc gia. Vợ ông mới đây đã phải xin lỗi công luận vì khai man lý lịch và bê bối lộ đoạn ghi âm liên quan đến nghi ngờ can thiệp cuộc vận động tranh cử, vi phạm Luật Bầu cử công chức.
Bên cạnh đó, cả hai ứng cử viên này đều liên tục gặp sự cố phát ngôn trong chiến dịch vận động tranh cử. Qua 4 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình, trong đó có 3 cuộc theo quy chế bắt buộc do Ủy ban Bầu cử Quốc gia tổ chức, ông Yoon Suk-yeol phần nào bộc lộ điểm yếu trong ứng phó trực tiếp với công luận và các vấn đề chiến lược quốc gia khi không có kịch bản. Dù được đánh giá là dày dạn kinh nghiệm chính trường song ứng cử viên Lee Jae-myung trong nỗ lực công kích đối thủ lại cũng “hở sườn” và chịu “vạ miệng”. Ông cũng bị dư luận chỉ trích vì phát ngôn “tiền hậu bất nhất” liên quan đến các cam kết tranh cử.
Cuộc đua ban đầu có tới 14 ứng cử viên đã bất ngờ chuyển hướng khi ông Ahn Cheol-soo, người đang ở vị trí số 3, tuyên bố rút lui và sáp nhập liên minh tranh cử với ứng cử viên Yoon Suk-yeol. Với quyết định này, ông Yoon Suk-yeol trở thành ứng cử viên chính thức duy nhất của phái đối lập ra tranh cử trong cuộc bầu cử ngày 9/3.
Vụ sáp nhập ứng cử viên của phe đối lập được đánh giá rất bất ngờ bởi chỉ 2 tuần trước đó, chính ông Ahn Cheol-soo đã rút lại đề nghị sáp nhập và tuyên bố sẽ tự mình hoàn thành nốt cuộc đua. Trong thỏa thuận liên danh công bố chỉ một ngày trước thời điểm bỏ phiếu sớm (ngày 4/3), ông Ahn Cheol-soo tuyên bố ủng hộ ông Yoon Suk-yeol để “đạt được một sự thay đổi chính phủ, mang lại sự đổi mới và những thay đổi lớn cho đất nước”.
Điều đáng nói là thỏa thuận đạt được ngay sau khi cả hai ứng cử viên cùng tham gia cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng trên truyền hình do Ủy ban Bầu cử quốc gia tổ chức tối 2/3. Việc sáp nhập được cho là làm tăng khả năng thắng cử cho ông Yoon Suk-yeol trước đối thủ chính Lee Jae-myung. Các cuộc thăm dò dư luận cuối cùng công bố trước thời điểm sáp nhập (ngày 3/3) cho thấy cả hai ứng viên đang giằng co trong mức ủng hộ trên dưới 40%.
Cuộc thăm dò ý kiến do Nhật báo Seoul và hãng Gallup thực hiện cho thấy chỉ có 36,4% số người ủng hộ ông Ahn Cheol-soo nói sẽ ủng hộ ứng cử viên Yoon Suk-yeol và 29,3% tuyên bố sẽ chuyển sang ủng hộ ông Lee Jae-myung. Sự thất vọng của cử tri với lập trường thay đổi liên tục của ứng cử viên Ahn Cheol-soo cũng sẽ thúc đẩy tâm lý chuyển hướng ủng hộ. Giáo sư Shin Yul thuộc Khoa Khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Myongji cho biết kể từ khi phe đối lập tuyên bố thất bại trong sáp nhập ứng cử viên ngày 20/2, các cuộc thăm dò ý kiến khác nhau cho thấy tỷ lệ ủng hộ của tầng lớp trung lưu cho ứng cử viên Lee Jae-myung đã tăng 10%, trong khi cho ứng cử viên Yoon giảm 6-8%. Nhà phê bình chính trị Park Sang-byeong thì cho rằng sáp nhập chóng vánh sau nhiều giằng co dễ bị xem như một mánh lới chính trị khó được giới trẻ chấp nhận.
Hai ông Yoon Suk-yeol và Lee Jae-myung đã tiến hành bỏ phiếu sớm sáng 4/3 và dường như địa điểm bỏ phiếu cũng thể hiện khoảng cách khi một người bỏ tại trung tâm Seoul và người kia bỏ tại thành phố cảng Pusan ở miền Nam. Ứng cử viên Lee Jae-myung đang nỗ lực thu hút sự ủng hộ của nhóm cử tri “cảm thấy hụt hẫng” khi ông Ahn Cheol-soo đột ngột dừng cuộc đua. Ông giương cao khẩu hiệu “Tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân” và nhân dân là người quyết định vận hội của đất nước chứ không phải các phe phái chính trị, trong khi ông Yoon Suk-yeol nhấn mạnh mục tiêu “thay đổi hoàn toàn của chính phủ hướng tới một kỷ nguyên chuyển đổi và đổi mới vĩ đại ở Hàn Quốc”.
Không có kết quả thăm dò nào được công bố để tham chiếu sau quyết định sáp nhập quan trọng của phe đối lập nên kết quả bầu cử tổng thống lần này trở nên khó phán đoán nhất. Hiện tại, ông Yoon Suk-yeol cơ bản có lợi thế hơn đối thủ Lee Jae-myung, nhưng tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu, đặc biệt là tỷ lệ cử tri theo độ tuổi, và các tác động khách quan khác khiến giới phân tích cho rằng cán cân chưa nghiêng hẳn về bên nào và nếu có chiến thắng thì người thắng cuộc cũng sẽ ở chỉ đạt được chênh lệch hết sức sít sao.