Cuộc chiến pin xe điện (kỳ 1): Nhà máy của những… con robot

Gần như không có tiếng động nào bên trong nhà máy FinDreams Battery, nhà máy sản xuất pin tại Trùng Khánh (Trung Quốc) của hãng xe năng lượng mới thuộc nhóm bán chạy nhất thế giới vào năm ngoái. Hầu hết mọi hoạt động đều được tự động hóa, các robot âm thầm làm việc nên không tạo ra tiếng ồn. Mọi thứ có vẻ rất nhẹ nhàng.

Thế nhưng, trái ngược với quang cảnh êm đềm đó, ở bên ngoài, thị trường pin xe điện đang cực kỳ sôi động và cạnh tranh khốc liệt.

Các rô bốt vận hành tại nhà máy FinDreams Battery. Ảnh: DNCC.

Các rô bốt vận hành tại nhà máy FinDreams Battery. Ảnh: DNCC.

Nhà máy không tiếng ồn

“Không gian quá tĩnh lặng” là điều mà người viết cảm nhận trong chuyến tham quan nhà máy tại Bích Sơn, Trùng Khánh vào cuối tháng 9 vừa qua. Gần như không có bất cứ tiếng động nào cũng như có rất ít đội ngũ nhân sự khi đi dọc theo hành lang và nhìn vào khu vực sản xuất. Nhà máy vận hành êm ái đến nỗi, đôi khi người tham quan tự hỏi liệu máy móc có đang hoạt động hay không.

Ở khu vực lễ tân, nhà máy trưng bày mẫu pin Blade với chiều dài 960 mm và dày 13,5mm. Sau khi bơm chất điện phân, một sản phẩm pin Blade có khối lượng 2,6 kg. Đây là sản phẩm hoàn chỉnh để lắp ráp cho BYD HAN, cũng là mẫu xe thương mại đầu tiên trang bị pin Blade.

HAN có tổng cộng 178 cell pin, gồm 150 cell pin ở lớp đầu tiên và 28 cell pin ở lớp thứ 2. Khối pin này có công suất 78,4 KWh, cho phép di chuyển của một lần sạc đầy lên đến 610 km (theo tiêu chuẩn CLTC). Đại diện hãng tiết lộ, mẫu xe này sẽ sớm được đưa về Việt Nam trong thời gian tới.

Nhà máy tại Trùng Khánh được xây dựng vào năm 2019, đến năm 2021 thì triển khai giai đoạn 2 với tổng công suất đạt 35 GWH. Ở bên trong, các dây chuyền sản xuất pin Blade, mẫu pin ra mắt năm 2020 gần như vận hành 100% tự động hóa với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Công ty sản xuất pin của BYD hiện sở hữu 18 cơ sở sản xuất, 3 trung tâm nghiên cứu và phát triển với tổng công suất 200 GWH vào năm 2022. Kỳ vọng đặt ra của hãng là công suất có thể đạt đến 550 GWH vào năm 2025.

Hoạt động tham quan hãng xe điện có doanh số soán ngôi của Tesla năm 2023 không khác gì “tour du lịch”, có ngày lên đến hơn 30 đoàn tính cả nội địa lẫn quốc tế. Việc chia sẻ thông tin trực tiếp có vẻ như là cách mà BYD nhấn mạnh với thế giới rằng nguồn gốc của hãng xe điện này đến từ mảng sản xuất các linh kiện điện tử, trong đó pin là mảng cốt lõi.

BYD tham gia vào ngành công nghiệp pin lithium-ion vào năm 1996, trở thành nhà cung cấp đầu tiên tại Trung Quốc cho hãng điện thoại Motorola, tiếp nối sau đó là Nokia và nhiều thiết bị điện tử tiêu dùng khác.

Trong chuyến tham quan cũng như trên các phương tiện truyền thông, BYD đã nhiều lần nhắc về niềm tự hào pin xe điện cải tiến Blade với 7 ưu điểm nổi trội, gồm chi phí, tuổi thọ, độ bền, sức mạnh, sự cứng cáp, công suất và hiệu suất ở nhiệt độ thấp.

Kể từ khi pin Blade được thương mại hóa, đi cùng nhiều công nghệ khác trên xe ô tô, doanh số hãng tăng nhanh. Theo số liệu tài chính công bố công khai, ước tính tổng doanh thu của BYD năm 2022 đã tăng gấp 2,7 lần so với năm 2020, thời điểm pin Blade ra mắt. Còn tính trong giai đoạn 2020-2023, tốc độ tăng trưởng kép bình quân lên đến 40%.

Nhân viên của nhà máy sản xuất pin Blade giới thiệu về cell pin thành phẩm thực tế. Ảnh: V.D

Kỳ vọng lớn về thị trường pin xe điện

Ông Liu Xueliang, Tổng giám đốc khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của BYD Auto, cho biết nhu cầu xe điện đang tăng nhanh ở Trung Quốc. Cứ hơn 100 chiếc xe bán ra thì có hơn một nửa là xe năng lượng mới (gồm xe thuần điện và xe hybrid). Riêng thành phố Thâm Quyến, nơi đặt bản doanh của BYD, tỷ lệ này là 60%.

“Thị phần xe điện sẽ còn tiếp tục tăng lên, đặc biệt là ở khu vực châu Âu và ASEAN, được đánh giá là đang ở trong giai đoạn phát triển xe năng lượng mới”, ông Liu nói.

Trong báo cáo công bố hồi tháng 5, hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global đánh giá về CATL, công ty dẫn đầu thị phần pin xe điện, dự báo tỷ lệ thâm nhập của xe điện sẽ tăng từ mức 17% năm 2023 lên 19-21% vào năm 2025. Với thị trường Trung Quốc, tỷ lệ này có thể lên đến 40% từ mức 30%.

Trên thị trường pin xe điện, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới nhưng thị trường bị phân mảnh với ba nhà sản xuất lớn nhất kể đến lần lượt là CATL, BYD và Gotion, chiếm gần 50% công suất trong nước. Trong khi đó, khoảng 75% năng lực sản xuất hiện tại ở châu Âu thuộc sở hữu của các công ty Hàn Quốc. Tại Mỹ, các công ty dẫn đầu gồm Tesla, Panasonic, SKI và LG.

Nhu cầu xe điện tăng nhanh trong 3 năm trở lại đây. Nguồn: IEA (2024).

Nhu cầu xe điện tăng nhanh trong 3 năm trở lại đây. Nguồn: IEA (2024).

Động lực cho thị trường pin xe điện không chỉ nhu cầu về xe hay xu hướng điện khí hóa tăng lên, mà còn đến từ việc các nhà sản xuất xe ô tô phải đối mặt với định hướng dài hạn là phải trung hòa carbon, giảm phát thải.

Báo cáo Triển vọng xe điện toàn cầu 2024 của IEA cho thấy, nhu cầu về pin xe điện đạt hơn 750 GWh vào năm 2023, tăng 40% so với năm 2022, dù tốc độ tăng trưởng hàng năm đã chậm lại so với giai đoạn 2021-2022. Trong đó, ô tô điện chiếm 95% mức tăng trưởng này.

Một lãnh đạo của BYD đánh giá, thực tế nhu cầu xe điện đang tăng lên sẽ thúc đẩy những ngành công nghiệp mới như trạm sạc xe điện nhưng hoạt động sản xuất và xử lý pin thải loại thì không mới.

“Thực ra ngành pin tồn tại lâu đời trước khi có cả thị trường xe điện. Việc xử lý pin khi hết hạn trên xe điện cũng tương tự như điện thoại, chỉ là pin trên xe nặng hơn”, ông Ouyang Xiaocheng, Tổng giám đốc của BYD Auto Vietnam nói.

Dũng Nguyễn

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/cuoc-chien-pin-xe-dien-ky-1-nha-may-cua-nhung-con-robot/