Hà Nội hướng tới thành phố thông minh với hệ sinh thái ngân hàng mở

Phát triển ngân hàng mở tại Việt Nam mang lại cơ hội lớn để cải thiện trải nghiệm người tiêu dùng và tăng cường bảo mật thông qua xác thực sinh trắc học. Tuy nhiên, để mô hình này thành công, cần sự hợp tác giữa ngân hàng, cơ quan quản lý và các bên liên quan để giải quyết các vấn đề về an ninh và quyền riêng tư. Điều này không chỉ thúc đẩy chuyển đổi số mà còn giúp người tiêu dùng truy cập dịch vụ tài chính một cách an toàn và hiệu quả.

Hà Nội hướng tới mục tiêu 2S: Sạch và Số

Tại hội thảo "Hà Nội - Thành phố thông minh và hệ sinh thái ngân hàng mở" do Báo Tiền Phong và Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) tổ chức hôm nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng khẳng định mục tiêu xây dựng Hà Nội thành thành phố thông minh, trong đó nhấn mạnh hai yếu tố then chốt là "Sạch" và "Số". Đây cũng là tầm nhìn được nhiều chuyên gia và lãnh đạo ủng hộ, nhất là trong bối cảnh Hà Nội không chỉ đóng vai trò là trung tâm hành chính, mà còn là đầu tàu kinh tế, khoa học và văn hóa của cả nước.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh, để phát triển một thành phố thông minh, không thể thiếu vai trò của ngành ngân hàng trong việc dẫn dắt quá trình chuyển đổi số. Các ngân hàng và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tại Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang mô hình ngân hàng mở, giúp tối ưu hóa các giải pháp thanh toán, chia sẻ dữ liệu, và tạo ra một hệ sinh thái số hiệu quả hơn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng

Còn theo ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Chủ tịch Quản lý kinh doanh tại Mastercard, Việt Nam hiện có rất nhiều tiềm năng để phát triển ngân hàng mở. Mô hình ngân hàng mở cho phép người tiêu dùng chia sẻ dữ liệu tài chính cá nhân với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác, tạo điều kiện cho sự phát triển của các dịch vụ tài chính được cá nhân hóa. Điều này giúp người tiêu dùng dễ dàng quản lý tài chính của mình một cách hiệu quả, từ việc tổng hợp thông tin từ nhiều tài khoản cho đến việc thanh toán trực tiếp thông qua một giao diện duy nhất.

“Không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, ngân hàng mở còn giúp các tổ chức tài chính và doanh nghiệp có cái nhìn toàn diện hơn về khách hàng, từ đó thúc đẩy doanh số và nâng cao khả năng giữ chân khách hàng. Nhờ khả năng tiếp cận dữ liệu sâu hơn, các ngân hàng có thể đơn giản hóa quy trình thanh toán và tạo ra những trải nghiệm thanh toán liền mạch”, ông Nguyễn Quốc Huy chia sẻ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã ghi nhận hơn 8 tỷ giao dịch không dùng tiền mặt, một con số ấn tượng cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của các giải pháp thanh toán số tại Việt Nam. Trong đó, thanh toán qua internet tăng 50%, thanh toán qua thiết bị di động tăng 60%, và giao dịch qua mã QR tăng 104%.

Tuy nhiên, để ngân hàng mở phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, ông Huy nhấn mạnh rằng tất cả các bên liên quan, bao gồm cơ quan quản lý, bên thứ ba và ngân hàng, cần phải hợp tác chặt chẽ để giải quyết các thách thức trong ba lĩnh vực quan trọng: an ninh, quyền riêng tư và quản lý dữ liệu.

Quang cảnh hội thảo

Quang cảnh hội thảo

Giảm 70% số vụ lừa đảo sau khi xác thực sinh trắc học

Thiếu tá Trần Duy Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) thuộc Bộ Công an đã chia sẻ về quá trình phát triển hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng.

Theo ông Hiển, C06 đã xây dựng và triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân, với hơn 104 triệu dữ liệu cá nhân đã được số hóa, trong đó đã cấp hơn 84 triệu thẻ căn cước công dân (CCCD) có gắn chip.

“Hệ thống dữ liệu này không chỉ giúp đơn giản hóa quy trình cấp thẻ căn cước mà còn mở ra cơ hội cho các ngân hàng trong việc xác thực danh tính khách hàng một cách nhanh chóng và chính xác hơn. Hiện nay, công dân chỉ cần đăng ký mở tài khoản ngân hàng thông qua thẻ CCCD, mà không cần cung cấp nhiều giấy tờ như trước đây. Điều này giúp giảm thiểu thời gian và công sức cho cả ngân hàng lẫn người dân”, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia khẳng định.

Ông Trần Duy Hiển Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, C06, Bộ Công an

Ông Trần Duy Hiển Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu dân cư quốc gia, C06, Bộ Công an

Một điểm nhấn quan trọng trong quá trình xác thực thông tin là việc sử dụng công nghệ sinh trắc học. Theo ông Hiển, hệ thống C06 đã tích hợp ba yếu tố sinh trắc học chính là vân tay, mống mắt và khuôn mặt vào cơ sở dữ liệu CCCD. Điều này giúp tăng cường khả năng bảo mật và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến gian lận tài chính. Ông cũng khẳng định, sau khi triển khai xác thực sinh trắc học, tỷ lệ lừa đảo ngân hàng trên môi trường số đã giảm tới 70%.

Sự phát triển của hệ sinh thái ngân hàng mở và thành phố thông minh không chỉ giúp Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng tiến gần hơn đến mục tiêu chuyển đổi số, mà còn tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức tài chính và người tiêu dùng.

Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc xây dựng một hệ sinh thái tài chính mở, kết hợp với các giải pháp công nghệ tiên tiến như sinh trắc học, sẽ giúp tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho mọi người dân.

Lệ Giang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/ngan-hang/ha-noi-huong-toi-thanh-pho-thong-minh-voi-he-sinh-thai-ngan-hang-mo-127670.html