Cuộc đời bi thảm của vị bác sĩ đầu tiên trên thế giới khuyên nên rửa tay
Hơn 150 năm sau khi bác sĩ Ignace Semmelweis mất, phương pháp rửa tay để phòng chống bệnh tật và cứu người của ông trở thành cách giúp hàng triệu người vượt qua đại dịch.
Bác sĩ Ignace Semmelweis (1818-1865), người Hungary, được mệnh danh là "cứu tinh của những bà mẹ" hay "cha đẻ của kiểm soát lây nhiễm" bởi ông chính là người đã nghĩ ra những tiêu chuẩn rửa tay tại các bệnh viện phụ sản, sau này cũng trở thành phương pháp rửa tay chung để loại trừ vi khuẩn và tránh nhiễm trùng.
Trong bối cảnh cả thế giới đang oằn mình chống lại đại dịch COVID-19, người ta càng cảm thấy biết ơn bác sĩ Ignace Semmelweis vì đã nghĩ ra phương pháp này.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1846, bác sĩ Ignace khi ấy đang làm việc tại bệnh viện Đa khoa Vienna ở thủ đô nước Áo, đã phát hiện ra rằng các sản phụ sinh con tại bệnh viện có tỷ lệ tử vong cao hơn cả những người tự sinh con. Từ đó, căn bệnh sốt hậu sản trở thành nỗi sợ hãi của nhiều thai phụ và cả các bác sĩ.
Điều này đã khiến bác sĩ Ignace rất day dứt và muốn tìm ra nguyên nhân nhưng việc đó không hề dễ dàng. Ông thậm chí đã từng nghỉ công việc bác sĩ sản khoa tại bệnh viện một thời gian vì không thể chịu đựng được khi chứng kiến nhiều sản phụ lần lượt ra đi mà không biết nguyên do.
Tới năm 1847 quay lại bệnh viện, bác sĩ Ignace sững sờ khi nghe tin một đồng nghiệp của mình, bác sĩ Jakob Kollerschka, đã qua đời do bị một sinh viên thực tập vô tình cắt dao mổ vào ngón tay trong lúc đang thực hành khám nghiệm tử thi.
Điều đáng nói là khi khám nghiệm tử thi cho bác sĩ Jakob, bác sĩ Ignace phát hiện thi thể bạn mình có những biểu hiện giống hệt những sản phụ qua đời vì sốt hậu sản, thế nhưng ông ấy là một người đàn ông, không thể bị bệnh sốt hậu sản được.
Thời điểm đó, chưa ai biết đến khái niệm vi khuẩn và vi trùng, do đó bác sĩ Ignace chỉ có thể giải thích rằng nguyên nhân gây bệnh cho các sản phụ cũng như người đồng nghiệp của mình là do các "hạt" nhỏ bé nào đó từ tử thi đã chui qua vết dao cắt đi vào máu của người bệnh, từ đó gây ra sốt và tử vong.
Điều này càng hợp lý bởi lẽ thời điểm đó, các bác sĩ thường khám nghiệm tử thi bằng tay không mà không hề có găng tay, sau đó họ chỉ rửa tay bằng xà phòng thông thường rồi đi khám hoặc đỡ đẻ cho các sản phụ.
Tiếp sau đó, bác sĩ Ignace đã cố gắng tìm một loại dung dịch rửa tay hiệu quả hơn xà phòng. Ông phát hiện ra calcium hypochlorite, một dung dịch clo có thể khử được mùi hôi trên tay các bác sĩ sau khi họ khám nghiệm tử thi.
Từ đó, bác sĩ Ignace đã yêu cầu mọi nhân viên của mình phải rửa tay bằng dung dịch này trước khi khám cho bệnh nhân. Ngay sau đó, phương pháp của ông đã cho thấy hiệu quả.
Từ tháng 4 đến tháng 7/1847, tỷ lệ sản phụ tử vong tại bệnh viện Đa khoa Vienna giảm từ 18,27% xuống chỉ còn 1,2%. Tới năm 1848, lần đầu tiên bệnh viện Đa khoa Vienna không còn bệnh nhân nào qua đời do sốt hậu sản.
Sau đó, bác sĩ Ignace đã cùng học trò xuất bản một số ấn phẩm trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Vienna, nói về việc rửa tay bằng dung dịch clo có tác dụng làm giảm bệnh sốt hậu sản.
Ông cũng gửi thư tới nhiều bệnh viện sản khoa ở châu Âu, xin ý kiến về giả thuyết các "hạt" gây bệnh của mình, tuy nhiên đều bị từ chối. Họ cho rằng giải thuyết này là bất hợp lý, thậm chí nhiều bác sĩ còn không muốn rửa tay vì cho rằng điều đó là hạ nhục thanh danh của một bác sĩ.
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tại bệnh viện Đa khoa Vienna, bác sĩ Ignace trở về quê nhà mình ở Budapest. Ông tiếp tục sử dụng phương pháp rửa tay của mình tại một bệnh viện địa phương và giúp tỷ lệ sản phụ tử vong giảm đi rất nhiều, tuy nhiên vẫn không ai công nhận điều đó.
Không chịu khuất phục, bác sĩ Ignace tiếp tục viết vài bài tiểu luận về sốt hậu sản, muốn xin đăng báo nhưng đều bị từ chối vì họ cho rằng điều đó thật nhảm nhí.
Việc bị quá nhiều người chỉ trích và sự nghiệp đi xuống đã khiến bác sĩ Ignace vô cùng buồn bã, đau đớn và rơi vào trạng thái trầm cảm.
Năm 1865, gia đình phải đưa ông vào bệnh viện tâm thần sau khi ông không thể kiểm soát được hành vi của mình nữa. Không lâu sau đó, bác sĩ Ignace qua đời trong bệnh viện tâm thần vì nhiễm trùng.
Tháng 8/1865, bác sĩ Ignace được chôn cất tại nghĩa trang Vienna. Đám tang của ông chỉ có vài người đến dự, thậm chí còn không được đọc điếu văn giống như những bác sĩ khác tại Hungary.
Mãi tới năm 1880, 15 năm sau cái chết của bác sĩ Ignace, nhà hóa học/vi sinh vật học vĩ đại người Pháp Louis Pasteur mới chứng minh được thuyết vi trùng và được y tế thế giới công nhận.
Khi ấy, người ta mới nhớ lại những "hạt" mà bác sĩ Ignace đã dự đoán chính là vi khuẩn. Những vi khuẩn này xuất hiện trên dao mổ hoặc tay của các bác sĩ trong quá trình khám hoặc đỡ đẻ cho sản phụ, đã gây ra nhiễm trùng, khiến họ bị sốt và qua đời.
Lẽ ra, bác sĩ Ignace đã cứu được nhiều người hơn nữa, chỉ đáng tiếc là phát kiến của ông không được đặt đúng thời điểm. Sau này, ông được thế giới vinh danh là "cứu tinh của những bà mẹ" hay "cha đẻ của kiểm soát lây nhiễm".
Tại quê nhà Budapest, người ta xây dựng một trường đại học y mang tên ông. Ngôi nhà bác sĩ Ignace từng ở trở thành một Bảo tàng lịch sử y khoa.
Tuyến Tuyến (dịch theo businessinsider)