'Cuộc đối đầu' nảy lửa Trump - Biden

Trong suốt 90 phút tranh luận, hai chính khách liên tục tranh cãi gay gắt, cắt ngang lời nhau để giành diễn đàn, và sử dụng những cách diễn đạt 'phi chính trị', điều mà trước đây chưa từng có. Người điều phối Chris Wallace khá vất vả kiểm soát cuộc tranh luận.

Trong suốt 90 phút tranh luận, hai chính khách liên tục tranh cãi gay gắt, cắt ngang lời nhau để giành diễn đàn, và sử dụng những cách diễn đạt “phi chính trị”, điều mà trước đây chưa từng có. Người điều phối Chris Wallace khá vất vả kiểm soát cuộc tranh luận.

Tổng thống Trump (trái) và đối thủ Biden (phải) trong cuộc “so găng” đầu tiên vào tối 29-9 (sáng 30-9, giờ Việt Nam). Ảnh: AP

Tổng thống Trump (trái) và đối thủ Biden (phải) trong cuộc “so găng” đầu tiên vào tối 29-9 (sáng 30-9, giờ Việt Nam). Ảnh: AP

Sau nhiều tháng mong đợi, đương kim Tổng thống Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden cuối cùng đã có “cuộc đụng độ” đầu tiên trên sân khấu ở Cleveland, bang Ohio vào đêm 29-9 (sáng 30-9, giờ Việt Nam). Cuộc tranh luận kéo dài hơn 90 phút được chia thành 6 chủ đề bao gồm: hồ sơ của các ứng viên, Tòa án Tối cao, dịch bệnh Covid-19, kinh tế, vấn đề chủng tộc và bạo lực tại các thành phố ở Mỹ, và tính toàn diện của hệ thống bầu cử Mỹ.

Gay gắt, hỗn loạn

Theo CNN, cuộc tranh luận diễn ra trong bầu không khí không thể hòa giải, gay gắt và hỗn loạn.

Trong suốt 90 phút tranh luận, hai chính khách liên tục tranh cãi gay gắt, cắt ngang lời nhau để giành diễn đàn, và sử dụng những cách diễn đạt “phi chính trị”, điều mà trước đây chưa từng có. Người điều phối Chris Wallace khá vất vả kiểm soát cuộc tranh luận. Trong đó, ứng viên đảng Dân chủ liên tục yêu cầu ông chủ Nhà Trắng “ngậm miệng” sau khi liên tục bị ngắt lời trong phiên trả lời. “Im đi, anh bạn”, “Mọi người đều biết rằng anh ta là kẻ nói dối”, “Tiếp tục ngáp đi anh bạn!”, là những câu cảm thán mà ông Biden dành cho ông Trump. Ông cũng gọi tổng thống là “gã hề”, và “kẻ phân biệt chủng tộc”.

Không chỉ trong nội bộ nước Mỹ, giới quan sát nước ngoài đặc biệt chú ý, bởi những tác động tiềm tàng của nó đối với kết quả cuộc bầu cử Mỹ diễn ra sau 5 tuần nữa có thể ảnh hưởng tới thế giới trong nhiều năm tới. Và hầu hết đều tỏ ý thất vọng và ngán ngẩm trước màn “so găng” đầu tiên này. “Hỗn loạn, gián đoạn, công kích và lăng mạ cá nhân”, một biên tập viên báo Trung Quốc mô tả, trong khi một nhà khoa học chính trị Saudi Arabia đặt câu hỏi: “Vì sao chính trị Mỹ lại xuống đến mức này?”.

Tim Wilson, một nghị sĩ Australia, tỏ ra thất vọng vì cuộc tranh luận thiếu tập trung vào các chính sách trọng tâm. Tổng biên tập của tờ The Australian, Paul Kelly, mô tả cuộc tranh luận là “một cuộc đụng độ hỗn loạn, thường xuyên mất kiểm soát, với việc cả 2 ứng cử viên đều tỏ ra khinh thường lẫn nhau”. “Sự cá nhân nhấn chìm nước Mỹ đã phá hủy cuộc tranh luận Trump - Biden đầu tiên”, ông Kelly viết và cảnh báo: “Mỹ phải đối mặt với nguy hiểm trong vài tuần nữa”.

Những chủ đề nóng

Khi tranh luận về việc bổ nhiệm chiếc ghế thẩm phán Tòa án Tối cao và việc đề cử bà Amy Coney Barrett vào vị trí này, ông Trump tiếp tục bảo vệ quyền bổ nhiệm nhân sự trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Trong khi đó, ông Biden khẳng định điều này nên được thực hiện sau bầu cử, theo tâm nguyện của cố thẩm phán Ginsburg. Về đại dịch Covid-19, Tổng thống Trump bảo vệ cách thức xử lý của chính quyền vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người tại Mỹ. Ông nêu rõ: “Chúng tôi đã làm rất tốt” và cho rằng, ông Biden “không bao giờ có thể làm tốt hơn”. Đáp trả, ông Biden tuyên bố, nếu trở thành tổng thống, ông sẽ đảm bảo các bệnh viện có đủ trang thiết bị cần thiết để chữa trị bệnh nhân và bảo vệ các nhân viên y tế.

Với chủ đề kinh tế, trong khi Tổng thống Trump khẳng định đã thúc đẩy nền kinh tế phát triển trước khi đại dịch bùng phát, ông Biden cho rằng, chính quyền đương nhiệm đã phá hủy mọi lợi thế mà chính quyền tiền nhiệm để lại. Ông Trump viện dẫn người dân được hưởng mức lương cao hơn và niềm tin người tiêu dùng tăng cao. Tổng thống Trump cũng nói rằng, nền kinh tế dưới thời ông là “vĩ đại nhất trong lịch sử”, dù có bị tổn hại bởi đại dịch Covid-19. Trong khi đó, ông Biden cho rằng, ngành sản xuất phải hứng chịu nhiều thiệt hại trong 3 năm đầu tiên ông Trump lên nắm quyền, nhấn mạnh thâm hụt thương mại ngày càng lớn Mỹ- Trung. Ứng viên đảng Dân chủ cam kết tạo ra 7 triệu việc làm và 1.000 tỷ USD tăng trưởng kinh tế, điều mà ông Trump đã từ bỏ.

Vấn đề thuế cá nhân cũng làm nóng diễn đàn khi ông Biden liên tục gây sức ép yêu cầu Tổng thống Trump công khai hồ sơ thuế. Đương kim tổng thống cho biết ông Biden sẽ thấy được điều đó ngay sau cuộc tranh luận, đồng thời khẳng định ông đã trả hàng triệu USD tiền thuế thu nhập liên bang trong năm 2016 và 2017. Đáp lại, Tổng thống Trump cũng cáo buộc con trai ông Biden là Hunter Biden thu lời hàng triệu USD trong làm ăn với các doanh nghiệp Ukraine, Trung Quốc và Nga.

Cuộc tranh luận sau đó chuyển hướng sang vấn đề biến đổi khí hậu khi người điều phối Wallace đặt câu hỏi cho hai ứng cử viên về các vụ cháy rừng tàn phá nhiều khu vực ở Bờ Tây gần đây. Bất chấp việc chuyên gia khí hậu cho rằng, biến đổi khí hậu là nguyên nhân dẫn tới thảm họa cháy rừng này, Tổng thống Trump kiên quyết bảo vệ quan điểm: cháy rừng bùng phát là do cách quản lý và bảo vệ rừng kém hiệu quả của các chính quyền địa phương. Trong khi đó, ông Biden tuyên bố sẽ thúc đẩy kế hoạch khí hậu riêng, và sẽ đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, mà ông Trump đã hủy bỏ, nếu đắc cử.

Hai ứng cử viên cũng tranh cãi về chủ đề chia rẽ sắc tộc tại Mỹ vốn làm bùng phát các cuộc biểu tình trên khắp cả nước trong những tháng gần đây. Phần cuối cùng của cuộc tranh luận là về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử. Trong khi ông Biden khuyến khích người dân Mỹ đi bỏ phiếu, Tổng thống Trump lại nhắc lại lo ngại, việc bỏ phiếu qua đường bưu điện sẽ dẫn đến “gian lận”.

Ai thắng, ai thua?

Sau màn đối đầu này, độc giả trên CNN và CBS cho rằng, ông Biden đã thắng.

Theo cuộc thăm dò nhanh chóng của kênh CNN, vốn có thiện cảm với đảng Dân chủ, 60% người xem coi cuộc tranh luận của ông Biden là một chiến thắng, 28% thích Trump hơn. Theo CBS News, ông Biden đã giành được 48% số người ủng hộ so với 41% của ông Trump. Tuy nhiên, theo giới phân tích, chiến thắng trong một cuộc tranh luận trong mắt dư luận không đảm bảo thành công của cuộc bầu cử. Vì theo các cuộc thăm dò, bà Hillary Clinton thắng cả 3 vòng tranh luận với ông Trump vào năm 2016, nhưng bà vẫn thua trong cuộc tổng tuyển cử.

Giới quan sát cũng có cái nhìn riêng khi cho rằng, trong màn “so găng” đầu tiên này, Tổng thống Trump được đánh giá là giành thế kiểm soát lớn hơn với thời lượng nói nhiều hơn và liên tục cắt ngang lời đối thủ và người điều phối. Tuy nhiên, trong bài viết của mình, tờ Los Angeles Times cho rằng, trong cuộc tranh luận đầu tiên, người thua cuộc không phải là Tổng thống Trump, cũng không phải là ông Biden, đó chính là cử tri Mỹ. Lý do là vì những gì họ nghe thấy chỉ là những màn ngắt lời bất lịch sự, từ ngữ oán giận công kích nhau, thay vì việc nêu ra những chính sách trong 4 năm cầm quyền sắp tới, nếu thắng cử.

Theo tiến trình bầu cử, hai chính khách này sẽ tham gia thêm hai cuộc tranh luận trực tiếp, lần lượt diễn ra ở Miami, bang Florida vào ngày 15-10 và ở Nashville, bang Tennessee vào ngày 22-10 trước khi diễn ra ngày bầu cử chính thức 3-11. Ông Biden hiện dẫn trước đối thủ trong các cuộc khảo sát trên toàn quốc và tại một số bang chiến địa chủ chốt, do đó chiến dịch tranh cử của ông Biden hy vọng các cuộc tranh luận sẽ là dịp để ông Biden có thể củng cố vị thế của mình. Trong khi đó, đối với ông Trump, các cuộc tranh luận sẽ là thời điểm quan trọng để lội ngược dòng trong các cuộc khảo sát.

KHẢ ANH

Kỷ lục 120 triệu người theo dõi

Những biểu cảm mà cử tri đánh giá là “mang lại không khí tiêu cực” của hai ứng viên trong suốt cuộc tranh luận. Ảnh: CNN

Những biểu cảm mà cử tri đánh giá là “mang lại không khí tiêu cực” của hai ứng viên trong suốt cuộc tranh luận. Ảnh: CNN

Cuộc tranh luận được hầu hết các hãng tin tức ở Mỹ truyền hình trực tiếp và có đến 120 triệu người theo dõi sự kiện này, một con số kỷ lục.

Tuy nhiên, cuộc “đấu khẩu” lần này chưa làm dư luận Mỹ hài lòng. Sau cuộc tranh luận, CBS đã theo dõi động thái của các cử tri trên toàn quốc. Trong đó, hơn 80% cho rằng giọng điệu của vòng đối đầu là tiêu cực. Hầu như không một cử tri nào theo dõi cuộc tranh luận này cảm thấy nhận được có nhiều nội dung. Chỉ 17% người có quan điểm này. Theo nhiều chuyên gia, với cách thức mà các ứng cử viên thể hiện như trong phiên tranh luận đầu tiên, lượng khán giả xem các cuộc tranh luận tiếp theo sẽ giảm đi đáng kể và điều này sẽ khiến cho cả hai ứng viên không thể đạt được mục đích trong cuộc đua - đó là tác động và làm thay đổi suy nghĩ của cử tri, nhất là cử tri dao động. “Đây là một cuộc tranh luận không hay cho công chúng Mỹ và rất có thể nó sẽ không ảnh hưởng gì đến chặng đua”, một chuyên gia nhận định.

T.N

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_232307_-cuo-c-do-i-da-u-na-y-lu-a-trump-biden.aspx