Cuộc đời thật của Thuần phi trong 'Hậu cung Như Ý truyện': Tài nữ Tô Châu hiếm hoi được sắc phong Hoàng Quý phi ngay khi Hoàng hậu còn sống
Nếu không xét Lệnh Ý Hoàng Quý phi Ngụy thị về sau được Gia Khánh Đế truy tôn làm Hoàng hậu, thì Thuần Huệ Hoàng Quý phi là vị Hoàng Quý phi duy nhất trong lịch sử nhà Thanh xuất thân người Hán được hưởng lễ sắc phong khi còn sống dù cho xuất thân của bà được xem là thấp hèn nhất trong số phi tần của Càn Long.
Những phi tần, Hoàng hậu trong Hậu cung của triều đại Trung Hoa phong kiến cuối cùng, đa phần đều có xuất thân từ danh gia vọng tộc: nếu không có uy quyền, cũng có tiếng thơm nhiều đời từ thuở nhà Thanh khai sinh.
Ấy thế, cũng có một số ngoại lệ về những phi tần có xuất thân hoàn toàn bình thường mà lại từng bước đạt được vị trí cao trong hậu cung khiến cho hậu thế ngày nay không khỏi bất ngờ.
Bức chân dung này vào năm 2015 đã đạt giá kỷ lục 17,7 triệu USD tại cuộc đấu giá mùa Thu của hãng Sotheby's tổ chức ở Hong Kong.
Trong đó, Thuần Huệ Hoàng Quý phi - phi tần của Thanh Cao Tông Càn Long Đế chắc có lẽ là nhân vật nổi bật nhất trong danh sách những phi tần làm nên kỳ tích thời nhà Thanh.
Cụ thể, bà được cho là người có xuất thân thấp kém nhất kể từ khi bước chân vào Tiềm Để làm Cách Cách cho Bảo Thân Vương Hoằng Lịch (về sau là Càn Long Đế) nhưng từng ngày, nhờ vào việc sinh nở tốt mà bà đã nâng cao phi vị không ít lần, mang về cho gia tộc bình dân của mình không ít vinh hiển.
Thậm chí, nếu không xét Lệnh Ý Hoàng Quý phi Ngụy thị về sau được Gia Khánh Đế truy tôn làm Hoàng hậu, thì Thuần Huệ Hoàng Quý phi là vị Hoàng Quý phi duy nhất trong lịch sử nhà Thanh xuất thân người Hán được hưởng lễ sách phong khi còn sống.
Và trừ trường hợp Tuệ Hiền Hoàng Quý phi có được tước vị cao chỉ mang tính chất xung hỉ do Hoàng đế Càn Long an ủi trước lúc bà tạ thế, chưa kịp hưởng lễ sách phong đã qua đời, với trường hợp Đổng Ngạc Hoàng Quý phi từ thời Thuận Trị Đế, thì Thuần Huệ Hoàng Quý phi cũng là vị phi tần đặc biệt nhất, được ban cho tước hiệu Hoàng Quý phi ngay khi Hoàng hậu còn tại vị.
Chỉ nhiêu đó thôi cũng đủ nói lên được phần nào sự ân sủng của Thanh Cao Tông Càn Long đế dành cho bà. Vinh hoa ngất trời, dù cho sau lưng bà chẳng có mẫu tộc hay thế lực nào chống lưng giống như những vị phi tần khác.
Tài nữ Tô Châu xuất thân bình thường, một bước trở thành Hậu phi của Càn Long
Thuần Huệ Hoàng Quý phi sinh ngày 21 tháng 5 (âm lịch), năm Khang Hi thứ 52 (1713), dưới triều Thanh Thánh Tổ. Bà gốc là họ Tô, không rõ tên thật, sinh ra và lớn lên trong một gia đình hoàn toàn bình thường ở Tô Châu.
Đến tuổi trưởng thành, bà nhập Tiềm Để, làm Cách Cách của Bảo Thân Vương Hoằng Lịch - con trai thứ tư của Thanh Thế Tông Ung Chính Đế. Do chỉ xuất thân bình dân, hơn nữa lại là người Hán nên Tô thị không thể được chỉ định làm Trắc Phúc tấn.
Về lý do bà được chọn để làm vợ lẽ của Hoằng Lịch vẫn còn nhiều bỏ ngỏ trong giới sử học.
Nhiều giả thuyết cho rằng, bà có được cơ hội bước chân vào Hoàng tộc là nhờ vào nhan sắc và tài năng của mình, đã lọt vào mắt xanh của Hoằng Lịch khi ông vi hành Giang Nam với phụ thân Ung Chính. Chính vì lẽ đó, nhiều tài liệu gọi bà là tài nữ Tô Châu.
Đến năm Ung Chính thứ 13 (1735), ngày 25 tháng 5, Cách Cách Tô thị hạ sinh cho Bảo Thân Vương Hoằng Lịch tam A ca Vĩnh Chương. Cùng năm đó, ngày 3 tháng 9, Hoằng Lịch đăng cơ lấy hiệu là Càn Long Đế và bắt đầu sách phong phi vị cho Hậu cung.
Ngày 24 tháng 9, Cách Cách Tô thị được phong làm Thuần tần. Con đường thăng tiến chưa dừng lại ở đó, 2 năm sau, năm Càn Long thứ 2 (1737), Thuần tần tiếp tục được sách phong trở thành Thuần phi.
Lúc này đây, chính sự nở rộ vinh hoa chốn Hậu cung của Thuần phi mới thật sự đưa gia tộc Tô thị ở Tô Châu một bước lên mây.
Năm Càn Long thứ 4 (1239), gia đình họ Tô phụng chỉ Càn Long Đế sát nhập Hán quân Chính Bạch kỳ và được hưởng rất nhiều bổng lộc, ruộng đất.
Anh em của Thuần phi cũng được bổ nhiệm vào nhiều vị trí quan trọng, bắt đầu chính thức phục vụ cho triều đình Mãn Thanh, trút bỏ gốc gác thấp hèn.
Vinh hoa nối tiếp vinh hoa, năm năm sau đó, ngày 28 tháng 1 năm 1744, Thuần phi lại sinh thêm cho Càn Long Đế 1 tiểu Hoàng tử - lục A ca Vĩnh Dung.
Đến năm Càn Long thứ 10 (1745), ngày 23 tháng 1, Hoàng đế chỉ dụ tấn thăng Thuần phi Tô thị thành Thuần Quý phi. Lễ sách phong diễn ra vào ngày 17 tháng 11 cùng năm.
Hưởng sách phong chưa lâu, Thuần Quý phi hạ sinh thêm 1 tiểu Công chúa, Hoàng nữ thứ 4 của Càn Long Đế vào ngày 2 tháng 12.
Tranh này nằm trong bộ 11 bức tranh vẽ phi tần của Càn Long Đế, được đặt tên là đặt tên là "Tâm viết trì bình".
Hưởng sách phong Hoàng Quý phi ngay khi Hoàng hậu còn tại vị, 8 ngày sau qua đời
Chính do sinh nở liên tục quá nhiều con như vậy, nên sức khỏe của Thuần Quý phi cứ thế yếu dần, từ đó bà không thể sinh thêm một đứa con nào nữa.
Đến 15 năm sau lần sinh tiểu Công chúa, năm Càn Long thứ 25 (1760) Thuần Quý phi được các Thái y chẩn đoán mắc phải bạo bệnh trong khi tháng 3, con gái út của bà là Hòa Thạc Hòa Gia Công Chúa và Lục Hoàng tử Vĩnh Dung sẽ cử hành đại hôn.
Quá thương tâm cho tình trạng của người vợ đã lao lực sinh con cho mình, Càn Long Đế muốn bà an tâm khi tận mắt thấy các con của mình đều đã lập gia thất nên ngày 24 tháng 3 năm 1760 ra chỉ dụ phong Thuần Quý phi thành Thuần Hoàng Quý phi ngay cả khi Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị còn tại vị.
Lễ sách phong diễn ra vào ngày 11 tháng 4 cùng năm. 8 ngày sau đó, do không cầm cự được, Thuần Hoàng Quý phi qua đời, được ban thụy hiệu Thuần Huệ Hoàng Quý phi Tô Giai thị và an táng tại Dụ Lăng phi viên tẩm.
Đáng chú ý hơn, trong lúc bà bị bệnh trước khi qua đời, Càn Long Đế thường đích thân từ Viên Minh Viên ghé thăm, cứ 2 ngày 1 lần, cho đến khi bà tạ thế.
Khả năng cao là Thuần Hoàng Quý phi qua đời ở tẩm cung, điều này cho thấy sự ân sủng của Càn Long Đế đối với bà đã phá lệ nhiều đời của lão tổ tông, vì tần phi nhà Thanh khi bệnh sắp mất, đều phải chuyển đến Cát An sở ở bên ngoài Tử Cấm Thành.