Cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán nóng trở lại
Giai đoạn cuối năm 2023, các công ty chứng khoán gấp rút tăng mạnh vốn khi thị trường chứng khoán sáng cửa phục hồi. Mặc dù việc tăng vốn khủng thường đi kèm lo ngại pha loãng cổ phần, nhưng theo nhiều chuyên gia, việc cổ phiếu nhóm chứng khoán pha loãng do phát hành tăng vốn là không đáng ngại, thậm chí còn được xem là động lực để thị giá cổ phiếu ngành này tăng giá.
CTCP Chứng khoán SSI (SSI) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. Nếu kế hoạch được cổ đông thông qua và thực hiện thành công, vốn điều lệ của SSI sẽ tăng từ 15.011 tỷ đồng lên 19.544 tỷ đồng.
Chạy đua tăng vốn
Với mức vốn này, SSI tiếp tục là quán quân vốn điều lệ của các công ty chứng khoán (CTCK), bỏ xa công ty có vốn điều lệ cao thứ hai là Chứng khoán VPBank (VPBankS) với 15.000 tỷ đồng, tiếp theo là VNDirect (VND) với 12.178 tỷ đồng (VNDirect đã có kế hoạch tăng vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng). Số tiền thu từ đợt chào bán dự kiến sẽ được dùng bổ sung cho hoạt động đầu tư và cho vay ký quỹ (margin).
Từ năm 2019 tới nay, SSI liên tục thực hiện các đợt tăng vốn quy mô lớn. So với mức vốn 5.100 tỷ đồng hồi tháng 1/2019, vốn của CTCK này hiện đã tăng gấp 3 lần.
Ngoài kế hoạch tăng vốn trên, SSI còn dự kiến chào bán 104 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá không thấp hơn 90% giá đóng cửa bình quân của 10 ngày giao dịch liên tiếp, qua đó tăng vốn điều lệ thêm 1.040,4 tỷ đồng.
Tương tự, CTCP Chứng khoán LPBank (LPBS) dự kiến trình cổ đông phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ gấp gần 16 lần nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Nếu hoàn tất 100% kế hoạch, vốn điều lệ của LPBS sẽ tăng từ 250 tỷ đồng lên 3.888 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán này dự kiến là 3.638 tỷ đồng, trong đó 500 tỷ đồng sẽ được phân bổ cho hoạt động đầu tư tự doanh; 200 tỷ đồng để mở rộng mạng lưới chi nhánh của công ty và 2.938 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán và các dịch vụ kinh doanh chứng khoán khác. Thời gian dự kiến giải ngân diễn ra trong giai đoạn 2024 – 2025.
Trước đó, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) đã công bố kế hoạch tăng vốn lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, trong khi Chứng khoán MB (MBS) cũng đã chốt quyền phát hành hơn 57 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 4.377 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chứng khoán ACB (ACBS) cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn góp đến từ ngân hàng mẹ - Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).
Đón cơ hội thị trường bùng nổ
Có thể thấy, các CTCK gấp rút tăng mạnh vốn trong giai đoạn cuối năm 2023 khi thị trường chứng khoán (TTCK) sáng cửa phục hồi vì được đánh giá sẽ đón nhiều thông tin hỗ trợ hơn, kèm với dòng tiền cải thiện khi tỷ giá USD/VND hạ nhiệt và các luật mới sắp thông qua. Giới đầu tư cũng kỳ vọng cú hích trên thị trường bất động sản.
Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Phân tích, Chứng khoán VnDirect, TTCK vẫn có nhiều thông tin hỗ trợ kèm với dòng tiền cải thiện. Cụ thể, tỷ giá trong nước liên tục hạ nhiệt những ngày gần đây sẽ tác động tâm lý tích cực tới nhà đầu tư; đồng thời giúp chính sách tiền tệ “dễ thở" hơn trong những tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay lại thị trường cổ phiếu.
Bên cạnh đó, cuối tháng 11, thị trường sẽ hướng sự chú ý tới nghị trường Quốc hội với kỳ vọng 3 dự Luật (sửa đổi) liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, tạo cú hích đối với triển vọng của nhóm doanh nghiệp bất động sản.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital cho rằng các yếu tố tiêu cực đã và đang giảm bớt, TTCK Việt Nam sáng cửa phục hồi.
Theo đại diện VinaCapital, mức định giá của VN-Index dựa trên P/E và P/B đã giảm xuống mức rẻ - điều chỉ diễn ra hai lần trong 10 năm qua. Tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) được dự báo sẽ phục hồi 35% so với cùng kỳ trong quý IV/2023 và tăng 20% trong năm 2024 sau khi nền kinh tế bớt khó khăn.
Trong khi đó, tỷ giá USD/VND đã ổn định nhiều tuần qua mà Ngân hàng Nhà nước không cần phải tăng lãi suất, cùng với việc đà tăng của đồng USD dường như đã kết thúc càng khiến luận điểm Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên mức lãi suất trong những tháng tới trở nên chắc chắn hơn.
Nhìn chung, hơn 2 năm qua, các CTCK dồn dập tăng vốn điều lệ, tổng quy mô tăng gấp 2,5 lần. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong bối cảnh cơ hội dài hạn trên TTCK được cho là rất lớn khi Việt Nam ngày càng hội nhập với nền kinh tế thế giới. TTCK có thể sớm được nâng hạng khi Chính phủ đang nỗ lực triển khai các giải pháp tháo gỡ những tồn tại. TTCK Việt Nam sẽ là địa điểm đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Thực tế, tổng số vốn hơn trăm nghìn tỷ đồng của 25 CTCK vẫn là con số nhỏ bé so với một thị trường cổ phiếu có quy mô khoảng 200 tỷ USD và một thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng rất lớn. Do đó, việc gấp rút tăng vốn của các CTCK được đánh giá là rất cần thiết trong bối cảnh thị trường như hiện nay.
Nguồn vốn tăng thêm không chỉ giúp các CTCK bổ sung năng lực cho vay, đầu tư cổ phiếu, từ đó đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, thêm dư địa cho vay trong bối cảnh thị trường khởi sắc, nhu cầu dùng đòn bẩy tăng lên.
Dù vậy, việc tăng vốn khủng thường đi kèm lo ngại pha loãng cổ phần đối với nhiều CTCK trên sàn. Tuy nhiên, để đánh giá về yếu tố có pha loãng hay không thì cần đánh giá kế hoạch sử dụng vốn sau khi phát hành.
Chẳng hạn, nhiều CTCK buộc phải tăng vốn để giảm rủi ro tài khoản và các khoản lỗ tiềm tàng. Một số công ty đang vướng một lượng tiền lớn, lên tới cả tỷ USD nằm ở trái phiếu. Như VNDirect, công ty này có vấn đề nội tại, phải tăng vốn để bù lại dòng vốn "chết" khi phải "ngâm" lượng lớn trái phiếu.
Theo tờ trình tăng vốn, đa số các CTCK đều sử dụng số tiền tăng vốn để mở rộng nguồn cung cho vay margin. Trong khi đây lại là mảng kinh doanh tương đối an toàn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng margin của nhà đầu tư vẫn rất lớn. Do đó, theo nhiều chuyên gia, việc cổ phiếu nhóm chứng khoán pha loãng do phát hành tăng vốn là không đáng ngại, thậm chí đây còn được xem là động lực để thị giá cổ phiếu ngành này tăng giá.