Cuộc khủng hoảng không hồi kết của ngành bất động sản Trung Quốc

Nhiều công ty bất động sản Trung Quốc đứng trên bờ vực vỡ nợ do căng thẳng tín dụng và doanh số bán hàng sụt giảm. Mới đây nhất là Zhenro Properties khi công ty này thông báo không thể đáp ứng nghĩa vụ thanh toán nợ.

Zhenro Properties, một tập đoàn bất động sản Trung Quốc, thông báo các nguồn lực của công ty tính đến thời điểm hiện tại không đủ đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán nợ trong tháng tới, theo hồ sơ gửi lên Sàn chứng khoán Hồng Kông.

Khủng hoảng nhà đất kéo dài khiến nền kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể “vực dậy” . Ảnh: Getty Images.

Công ty có trụ sở tại Thượng Hải đang trưng cầu ý kiến của các chủ nợ, hướng tới một số đề xuất miễn trừ và sửa đổi nhằm cải thiện tình hình tài chính chung. Theo China Real Estate Information Corp., Zhenro là đơn vị lĩnh vực xây dựng lớn thứ 30 tại Trung Quốc.

Công ty này cho biết các quỹ nội bộ có sẵn cho dịch vụ nợ “ngày càng hạn chế” và cho biết hiện nguồn lực của công ty này không đủ để thanh khoản nợ vào tháng 3/2022, bao gồm việc mua lại toàn bộ chứng khoán vào hôm 5/3 sắp tới. Công ty hy vọng có thể lùi hạn trả nợ.

Ảnh hưởng đến mục tiêu kinh tế chung

Ngành bất động sản Trung Quốc chứng kiến số lượng vụ vỡ nợ kỷ lục trong năm ngoái. Ảnh: Bloomberg.

Các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc đã phải đối mặt với tình trạng bất ổn hàng tháng qua do khả năng trả nợ kém, doanh thu bán nhà giảm mạnh và nhiều hãng không có khả năng trả nợ.

Năm ngoái, lĩnh vực này chứng kiến số lượng vỡ nợ kỷ lục sau khi Trung Quốc siết chặt quy định về vay nợ quá mức. Động thái trên diễn ra sau khi “tập đoàn bất động sản nợ nhiều nhất thế giới” China Evergrande bị tuyên bố vỡ nợ hồi tháng 12/2021.

China Evergrande - nhà phát triển bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc theo doanh thu - đã hai lần cảnh báo các nhà đầu tư về rủi ro vợ nợ, gây nên nỗi lo ngại đối với các nhà đầu tư. Tính đến tháng 12, China Evergrande đã không thể thanh toán đúng hạn lãi suất của hai trái phiếu coupon bằng đồng USD.

Tập đoàn này đang chật vật huy động tiền mặt để trả cho các nhà cung cấp và nhà đầu tư. Tình trạng này đã lây lan ra ngành phát triển địa ốc tại Trung Quốc.

Hồi tháng 10, các cơ quan xếp hạng tín dụng đã hạ mức xếp hạng của hai nhà phát triển Trung Quốc Fantasia Holdings và Sinic Holdings do tình trạng rủi ro dòng tiền của họ.

Fantasia đã không thể trả lại một trái phiếu trị giá 206 triệu USD đáo hạn 4/10. Cổ phiếu của công ty này bị ngừng giao dịch kể từ ngày 9/9. Kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu giảm mạnh gần 60%.

Ngay sau đó, nhiều nhà đầu tư cảnh báo China Evergrande là “khoảnh khắc Lehman Brothers” thứ hai. Vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ do khủng hoảng nợ dưới chuẩn chính là một trong những nguyên nhân châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Giới quan sát cũng chỉ ra sự yếu kém trên thị trường bất động sản của Trung Quốc - vốn là trụ cột của nền kinh tế. Trong những tháng qua, chính quyền Bắc Kinh đã tìm cách hạ đòn bẩy và ngăn chặn rủi ro đạo đức trong lĩnh vực bất động sản nước này.

Giới quan sát cũng tỏ ra lo ngại về khủng hoảng nợ và khả năng lây lan của “bom nợ” Evergrande đối với tăng trưởng của Trung Quốc và toàn thế giới, khi lĩnh vực bất động sản Trung Quốc chiếm tới 15% GDP của quốc gia châu Á này.

Động thái của Bắc Kinh

“Bom nợ” hơn 300 tỷ USD của China Evergrande đã phơi bày những lỗ hổng trong một ngành công nghiệp phát triển nóng như bất động sản, về việc sử dụng đòn bẩy quá mức, đối mặt với nhu cầu chậm lại và hiện đang chật vật để thanh toán các hóa đơn.

Theo dự đoán từ giới quan sát, Trung Quốc sẽ tiếp tục siết chặt kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản trong năm 2022, và thậm chí còn hơn thế nữa. Các ngân hàng như Goldman Sachs Group Inc., Nomura Holdings Inc. và Barclays Plc đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.

Chính quyền Bắc Kinh đang tỏ ra rất nghiêm túc khi tuyên bố rằng khác với các đợt suy thoái trước đây, họ sẽ ngừng sử dụng lĩnh vực bất động sản để kích thích nền kinh tế.

Các quan chức Bắc Kinh cho rằng nguồn cung nhà ở dư thừa chính là mối đe dọa lớn đối với ổn định nền kinh tế. Họ bày tỏ mong muốn đẩy mạnh đầu tư vào những lĩnh vực như sản xuất công nghệ cao, thay vì nhà đất như trước đây.

Ông Rob Subbaraman, nhà kinh tế trưởng của Nomura, dự báo tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm từ 7,1% trong năm nay xuống 4,3% vào năm 2022.

“Điều đó có thể làm giảm tăng trưởng GDP thế giới khoảng 0,5 điểm phần trăm. Nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ hy sinh tăng trưởng ngắn hạn để có được sự ổn định lâu dài hơn”, ông Subbaraman nhận định.

Hương Vũ (Theo Bloomberg)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-khung-hoang-khong-hoi-ket-cua-nganh-bat-dong-san-trung-quoc-post182286.html