Cuộc kiểm nghiệm cho tương lai

QĐND - Không lâu sau khi ông Abe Shinzo-Thủ tướng kiêm Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền tại Nhật Bản quyết định chia tay chính trường, hôm nay (14-9), mọi sự chú ý ở xứ sở mặt trời mọc dồn cả vào cuộc bầu cử quan trọng của Đảng LDP.

Đây không chỉ là cuộc bỏ phiếu để bầu chủ tịch mới của LDP mà còn là bước đệm để tìm ra người thay thế ông Abe Shinzo giữ chức thủ tướng trong một năm còn lại của nhiệm kỳ.

Có thể nói, quyết định từ chức đầy bất ngờ của ông Abe Shinzo khiến cuộc chạy đua cho vị trí chủ tịch tiếp theo của LDP sẽ diễn ra theo cách khá bất thường, bằng chứng là ở phương thức bỏ phiếu. Như giải thích của Tổng thư ký LDP Toshihiro Nikai, nếu áp dụng nguyên tắc thông thường là lấy ý kiến của hơn 1 triệu đảng viên LDP, các nhà tổ chức sẽ mất ít nhất hai tháng chuẩn bị, chưa kể phương án này cũng hao tiền tốn của và cản trở việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Bởi vậy, giải pháp mà đảng này đưa ra là đơn giản hóa quy trình bầu lãnh đạo mới thông qua một cuộc bỏ phiếu được tổ chức trong phạm vi hẹp, với sự tham gia của 535 người, gồm 394 nghị sĩ thành viên LDP cùng với 3 đại diện của mỗi đảng bộ cấp tỉnh.

Đảng LDP chuẩn bị cho cuộc bầu cử tìm nhà lãnh đạo mới. Ảnh: NHK

Đảng LDP chuẩn bị cho cuộc bầu cử tìm nhà lãnh đạo mới. Ảnh: NHK

Bên cạnh đó, thay vì rong ruổi khắp cả nước để tay bắt mặt mừng với các cử tri và giới thiệu những chính sách của mình như các cuộc bầu bán trước đây, các ứng cử viên của LDP phải dồn toàn tâm toàn sức cho chiến dịch tranh cử kéo dài chưa đầy một tuần trước khi bước vào cuộc bỏ phiếu khẩn cấp ngày 14-9. Các cuộc tranh luận giữa họ cũng chỉ được truyền hình trực tiếp chứ không tổ chức rầm rộ với đông người tham gia như trong quá khứ. Mọi thứ sẽ diễn ra nhanh gọn, tối giản đúng với phong cách thời đại dịch.

Cũng phải nhắc lại rằng, chỉ hai ngày sau khi LDP tìm được chủ tịch mới, Quốc hội Nhật Bản sẽ bước vào một cuộc bỏ phiếu bất thường để bầu thủ tướng. Với việc Đảng LDP chiếm đa số ghế tại Hạ viện và Thượng viện, ứng cử viên nào trở thành chủ tịch đảng này cũng gần như chắc chắn ngồi vào chiếc ghế thủ tướng đang bỏ trống, dù thời gian chỉ khoảng một năm. Nói cách khác, cuộc bầu cử khẩn cấp lần này về bản chất là cuộc lựa chọn thủ tướng cho nền kinh tế thứ ba thế giới ngay trong nội bộ Đảng LDP cầm quyền.

Nhìn vào 3 ứng cử viên tranh chức Chủ tịch LDP, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga được đánh giá là “gương mặt thân quen” hơn cả, trước hết bởi sự nghiệp chính trị của ông gắn liền với tư cách một nhân vật thân cận lâu năm của Thủ tướng Abe Shinzo. Tuần qua, ông Yoshihide Suga đã công bố cương lĩnh tranh cử với cam kết tiếp tục công việc và nỗ lực, tâm huyết của vị thủ tướng vừa tuyên bố từ chức, cùng những chính sách mang đậm hơi hướng của “kỷ nguyên Abe Shinzo”, bao gồm: Vực dậy nền kinh tế, tạo thêm việc làm, nỗ lực khống chế, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh “với bất cứ giá nào” và đặt mục tiêu có đủ vaccine cho toàn bộ người dân Nhật Bản vào nửa đầu năm 2021. Các cam kết khác mà chính trị gia 71 tuổi này đưa ra là khắc phục chủ nghĩa cục bộ giữa các cơ quan chính phủ, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng các chính sách đối ngoại và an ninh dựa trên cơ sở mối quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, đồng thời xây dựng quan hệ ổn định với Trung Quốc cũng như các quốc gia láng giềng.

Tham gia cuộc chạy đua cùng Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga là hai nhân vật đều sinh năm 1957, với bản lý lịch chính trường dày dặn không kém: Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida, hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu chính sách LDP và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, người từng có thời gian làm Tổng thư ký LDP. Trong khi ông Fumio Kishida cam kết mang lại sức sống mới cho khu vực nông thôn thông qua việc tận dụng công nghệ tiên tiến, đồng thời xem xét việc chia sẻ vai trò giữa nhà nước và các khu vực nông thôn, thì cương lĩnh tranh cử của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba lại hướng tới việc chuyển giao bớt quyền lực và nguồn lực tài chính của chính quyền trung ương cho chính quyền địa phương. Ngoài ra, ông Shigeru Ishiba cũng cam kết sẽ xử lý đại dịch Covid-19 và mạnh tay giải quyết một số tồn tại ở thủ đô Tokyo, dù trong mảng đối ngoại, ông được đánh giá là theo đuổi chính sách mềm mỏng hơn so với đối thủ Yoshihide Suga.

Ít giờ trước khi những lá phiếu được tung ra, thăm dò dư luận cho thấy Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga đang nhận được nhiều sự ủng hộ nhất từ các nghị sĩ LDP, xuất phát từ niềm tin rằng ông sẽ là sự lựa chọn phù hợp để kế tục các chính sách mà chính quyền của Thủ tướng Abe Shinzo đã và đang triển khai. Đây được coi là một lợi thế vô cùng lớn với ông Yoshihide Suga, bởi với việc LDP tổ chức bầu cử theo hình thức rút gọn, ứng cử viên nào nhận được sự hậu thuẫn đông đảo hơn từ 394 nghị sĩ thuộc đảng này sẽ có nhiều triển vọng chiến thắng. Tuy nhiên, với những người yêu thích một Nhật Bản tươi mới và phá cách, cơ hội dành cho cựu Bộ trưởng Ngoại giao Fumio Kishida và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba chưa hẳn đã lụi tắt.

Vậy nên, cuộc bầu cử hôm nay thực sự mang nhiều ý nghĩa và rất được chờ đợi. Đó không đơn thuần chỉ là việc lựa chọn một nhà lãnh đạo mới để khỏa lấp khoảng trống quyền lực mà ông Abe Shinzo để lại, mà hơn thế nữa còn là “cuộc kiểm nghiệm chớp nhoáng” cho tương lai của nước Nhật xoay quanh câu hỏi: Có nên duy trì các chính sách từ thời đại Abe Shinzo, và nếu có, phải làm thế nào để tiếp tục các chính sách đó?

Nhưng, chắc chắn rằng bất cứ ai trong số 3 ứng cử viên nói trên trở thành lãnh đạo mới ở Nhật Bản cũng đều chấp nhận bước vào thử thách và một cuộc kiểm nghiệm cho chính mình, bởi trong vỏn vẹn một năm còn lại, họ sẽ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề mà Nhật Bản đang đối mặt.

VŨ HÙNG

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=151535