Cuộc thi viết 'Người thầy kính yêu': Mơ lại được làm học trò của thầy!

Đã 15 năm rồi tôi không gặp lại thầy, cũng chừng ấy thời gian tôi vẫn hằng mơ một ngày tôi được trở lại thời sinh viên với bao kỷ niệm thân thương

Trở về dự lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Khoa Lịch sử - Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Huế, giảng đường ngày xưa chào đón tôi với cờ hoa băng rôn rực rỡ. Lòng tôi bồi hồi, xao xuyến nhớ lại hình ảnh thầy Huỳnh Công Bá yêu quý.

Người có ảnh hưởng sâu sắc

Thầy giáo - TS sử học Huỳnh Công Bá, giảng viên Khoa Lịch sử - Trường ĐHSP Huế, là người có ảnh hưởng sâu sắc đến tôi, người đã từng dạy dỗ, truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức trong học tập và trong nghiên cứu khoa học.

Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên bước chân vào Trường ĐHSP Huế năm 1999, tôi không kém phần bỡ ngỡ, cảnh vật và mọi thứ xung quanh đều xa lạ, thầy cô và bạn bè đều khác. Trong từng ánh mắt chứa đựng biết bao sự rụt rè và sợ sệt. Tuy nhiên, những cảm giác đó nhanh chóng qua đi với sự động viên, dìu dắt của các thầy, cô giáo Trường ĐHSP Huế, đặc biệt là thầy Huỳnh Công Bá đã tạo cho tôi niềm tin, phấn khởi vươn lên trong học tập, để tôi có sự nghiệp như ngày hôm nay.

Thầy Huỳnh Công Bá truyền cảm hứng lịch sử cho nhiều thế hệ học trò

Thầy Huỳnh Công Bá truyền cảm hứng lịch sử cho nhiều thế hệ học trò

Trong ánh nắng của những ngày mùa thu năm ấy, ấn tượng đầu tiên để lại trong tâm trí tôi lúc đó là chất giọng trong trẻo và đặc trưng của thầy - người con xứ Quảng Nam sao mà thân thương thế; rồi những chỉ dẫn nhiệt tình, những cử chỉ quan tâm của thầy có gì đấy sao mà ấm áp. Phải chăng đây chính là người cha thứ hai của nhiều đứa con đến từ khắp các miền quê khác nhau mang nhiều hoài bão và ước mơ như tôi…

Bài học đầu tiên tôi học ở thầy là bài giảng về Lịch sử Việt Nam (LSVN) cổ trung đại. Học phần này tương đối khó, thời lượng tiết nhiều. Nhưng với cách dạy cách giảng của thầy rất say sưa nhiệt tình làm chúng tôi hiểu bài và hứng thú học. Tôi nhớ có lần thầy dạy học phần "Làng xã Việt Nam", đến 12 giờ trưa chuông đã reo hết giờ từ lâu nhưng thầy vẫn say sưa giảng bài. Chúng tôi bụng thì đói meo, liền nói với "hết giờ rồi thầy ạ". Lúc đó thầy mới cho lớp nghỉ.

Rồi những chuyến đi thực tế, điền dã tại các địa phương, thầy đã cho chúng tôi cơ hội hiểu biết thêm lịch sử làng xã của các tỉnh, nhất là hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế. Trong các chuyến đi đó thầy hướng dẫn cách rập văn bia, dịch chữ Hán… qua đó giúp chúng tôi hiểu sâu hơn học phần "Lịch sử địa phương","Làng xã Việt Nam". Có thể nói, thầy Huỳnh Công Bá có nhiều đóng góp trong việc viết lại lịch sử của làng xã hai tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế.

Truyền nhiệt huyết, đam mê lịch sử

Thầy đã giảng cho chúng tôi biết bao bài học về lịch sử, về tình yêu quê hương đất nước và tinh thần chiến đấu bất khuất của dân tộc… nhưng có một điều thầy chưa bao giờ kể về mình, về cuộc sống thường nhật của thầy. Thầy sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, tốt nghiệp Trường ĐHSP Huế năm 1978, được nhà trường giữ lại làm giảng viên của Khoa Lịch sử Trường ĐHSP Huế, tham gia giảng dạy bộ môn lịch sử thế giới cận đại. Tuy nhiên, từ mong muốn được nghiên cứu và giảng dạy LSVN và ước mơ được góp phần khám phá, giới thiệu về LSVN cho mọi người, thầy tìm cơ hội chuyển sang bộ môn LSVN cổ trung đại.

Lối sống của thầy thật giản dị, đơn sơ, đạm bạc. Hằng ngày đến trường, thầy với chiếc áo sơ mi, đôi dép da lâu năm cùng với chiếc xe đạp cũ kỹ, chiếc cặp đen và những kiến thức, những tâm huyết, những niềm hy vọng của thầy chất chứa trong đó để truyền đạt cho các thế hệ sinh viên thân yêu.

Tôi nhớ mỗi lần đến lớp, bước vào tiết học nét mặt thầy lúc nào cũng trầm lắng, suy tư. Thầy xưng hô với chúng tôi là "các bạn" có gì đó thật gần gũi, ấm áp như người thân thiết, tri kỷ. Không chỉ là giảng viên giảng dạy tốt, kiến thức uyên thâm, học thuật cao, thầy còn hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho sinh viên và luận văn cho học viên cao học. Những đề tài được thầy hướng dẫn một cách nhiệt tình, tỉ mỉ lập luận chặt chẽ và được hội đồng khoa học đánh giá cao.

Nói đến thầy Huỳnh Công Bá, tôi còn khâm phục và ngưỡng mộ thầy về nghiên cứu khoa học. Đối với thầy, giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai công việc không thể tách rời nên thầy miệt mài nghiên cứu vượt qua mọi khó khăn.

Tốt nghiệp Trường ĐHSP Huế, bước chân vào môi trường giảng dạy ở phổ thông mà hình ảnh tiến sĩ sử học Huỳnh Công Bá vẫn mãi trong tôi. Thầy thật giản dị, luôn đem hết những tâm huyết của mình cống hiến cho sự nghiệp trồng người và nghiên cứu khoa học.

Tôi vẫn nhớ như in phong cách giảng dạy đầy nhiệt huyết của thầy và tôi cũng không thể quên những bài học làm người, đức hy sinh, cách đối nhân xử thế sao cho thấu tình đạt lý mà thầy đã dạy. Chính những phong cách ấy hằng ngày, hằng giờ đã gián tiếp thấm đượm và làm thay đổi nhận thức của chúng tôi. Chúng tôi hiểu không chỉ học những kiến thức từ bài giảng mà cả phong cách, đạo đức của thầy truyền cho mình. Đến hôm nay tôi vẫn đang tiếp nối sự nghiệp trồng người, chính thầy là người truyền cảm hứng để tôi không ngừng phấn đấu dạy tốt truyền nhiệt huyết đam mê lịch sử cho các em học sinh.

Bốn năm đại học nhanh chóng trôi qua với những kỷ niệm không thể quên của thời sinh viên ngày ấy. Suốt thời gian ấy và hôm nay, những kỷ niệm vẫn luôn được nhắc lại làm "một thời để nhớ" càng thêm sâu sắc.

Lắng đọng lại tận sâu trái tim tôi là tình nghĩa thầy trò, dẫu thầy đã rời xa cõi tạm. Chúng tôi không bao giờ còn được thấy nụ cười rộng mở, không còn nghe được giọng giảng bài của thầy nữa.

"Kho báu" thầy để lại

Trong ngôi nhà đơn sơ của thầy dường như không có gì đáng giá ngoài sách, cả một rừng sách, có thể nói như một thư viện. Toàn bộ tiền lương thầy đều dành mua sách. Những cuốn sách được thầy nâng niu trân trọng như những người bạn quý. Thầy đam mê nghiên cứu khoa học để lại cho đời những cuốn sách có giá trị hay. Thầy là người có sách viết chung thuộc hàng sớm nhất so với những đồng nghiệp: chỉ sau 3 năm từ lúc ra trường, thầy đã đứng tên chung trong một số quyển sách quan trọng như: "Những vấn đề khoa học lịch sử ngày nay", "Danh nhân Bình Trị Thiên", "Tây Sơn - Thuận Hóa và anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ - Quang Trung", "Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên - Huế: 700 năm hình thành và phát triển"...

Đến nay, thầy có mấy chục cuốn sách và hàng trăm bài báo được đăng trên các báo, tạp chí trong nước và nước ngoài. Sách của thầy dùng để làm tài liệu nghiên cứu học tập cho giảng viên, sinh viên trong các trường đại học. Có những cuốn được tái bản nhiều lần như "Lịch sử Việt Nam cổ trung đại", "Lịch sử văn hóa Việt Nam", "Lịch sử tư tưởng Việt Nam", "Cơ sở văn hóa Việt Nam", "Cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt Nam"...

Bài và ảnh: Lê Thị Thu Thanh (Triệu Phong - Quảng Trị)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/cuoc-thi-viet-nguoi-thay-kinh-yeu-mo-lai-duoc-lam-hoc-tro-cua-thay-20230817195931022.htm