Cuộc thi viết về chủ quyền: Đến vùng biên nghe núi sông kể chuyện

Với những nhà giáo chúng tôi, thác Bản Giốc, hang Pác Bó, những cột mốc biên cương đã đi vào bài giảng, để nhắc nhớ cha ông bao đời dựng bờ giữ cõi, giữ bình yên cho chúng ta hôm nay

Hiện nay, các điểm du lịch đang từng ngày hình thành trên các tuyến biên giới của đất nước, góp phần thay đổi cuộc sống cho đồng bào vùng biên. Điều rất đặc biệt khi đến với du lịch vùng biên, đó không chỉ là tham quan danh lam thắng cảnh mà còn để chạm vào cảm giác thiêng liêng Tổ quốc bên mình.

Cảm giác đó thôi thúc đoàn chúng tôi từ Bình Dương đến với thác Bản Giốc (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng). Những đứa con ở xa lần đầu đến được vùng địa đầu đất mẹ, háo hức như trẻ thơ.

Cột cờ Bản Giốc ngày chúng tôi đến tung bay trong ngày nắng vàng, mây xanh, cạnh đó là thác đổ trắng xóa. Biên cương đẹp mà kỳ vĩ làm sao!

Cột mốc 836 phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Cột mốc 836 phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc

Phía bên kia cột mốc biên giới 836 là cầu kính nước bạn. Giữa rừng thiêng, nơi đây lúc nào cũng rộn tiếng cười, cột mốc không bao giờ đơn lẻ bởi ngày nào cũng có du khách muôn phương đến tham quan, chụp ảnh lưu niệm. Chạm tay vào cột mốc như chạm vào trái tim của chính mình.

Lưu luyến mỗi góc thác, mỗi nhành cây, tấc đất, chúng tôi trở về mang theo sự thân thuộc của biên cương. Bờ cõi Tổ quốc ở đó và mỗi chúng ta hãy góp một phần nhỏ để tô đẹp. Chúng ta lấy du lịch để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng biên, làm cho Bản Giốc xinh đẹp hơn và đó cũng là cách bảo vệ biên cương mà bao đời nay cha ông ta gìn giữ.

Rời Bản Giốc, chúng tôi đến với hang Pác Bó - di tích quốc gia đặc biệt, nơi năm xưa Bác Hồ về nước, cùng Đảng vạch con đường đánh Nhật, đánh Tây giành chính quyền.

Pác Bó nên thơ mà bất khuất hào hùng. Đây suối Lê Nin, kia núi Các Mác kể câu chuyện hào hùng của dân tộc. Núi liền núi, sông liền sông, bước lên vành đai biên giới, cảm giác thiêng liêng vô cùng.

Thác Bản Giốc hùng vĩ trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng

Thác Bản Giốc hùng vĩ trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng

Hình ảnh Bác Hồ và hang Pác Bó qua lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch càng khiến chúng tôi cảm phục về Bác. Nơi Bác nghỉ gió lùa lạnh lắm, nước từ giếng trời ướt tấm chăn Bác nằm mùa đông lạnh. Theo lời kể, lúc đó có người đề nghị lập mái lán trong hang để Bác tránh gió, tránh mưa nhưng vì hoạt động bí mật, Bác không đồng ý...

Nghe giới thiệu như hiện ra Bác còn đây, trong những ngày suối Lê Nin róc rách, trong vườn cây Bác tự tay chăm sóc, bên chiếc bàn đá Bác dịch sử Đảng. Cạnh đó là cột mốc biên giới 108 - cột mốc thiêng liêng lưu dấu Người đặt chân về Tổ quốc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước.

Ngày nay, hang Pác Bó là một điểm du lịch vùng biên nổi tiếng. Bước chân của mỗi người con đất Việt đến đây chính là đem hơi thở về cho biên giới.

Tác giả bên dòng suối Lê Nin, nơi Bác Hồ làm thơ, thuộc Khu Di tích Pác Bó - di tích quốc gia đặc biệt

Tác giả bên dòng suối Lê Nin, nơi Bác Hồ làm thơ, thuộc Khu Di tích Pác Bó - di tích quốc gia đặc biệt

Thác Bản Giốc, hang Pác Bó, cùng các điểm du lịch đang từng ngày hình thành trên các tuyến biên giới của đất nước, góp phần thay đổi cuộc sống cho đồng bào vùng biên, tô điểm thêm nét kỳ vĩ cho non sông đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Xa mà không xa, một dải biên cương đã theo chúng tôi trong mỗi câu chuyện kể, mỗi tấm ảnh lưu niệm và từng món quà mang về.

Và với nhà giáo chúng tôi, thác Bản Giốc, hang Pác Bó, những cột mốc biên cương… đã đi vào bài giảng, để nhắc nhớ cha ông bao đời dựng bờ giữ cõi, giữ bình yên cho chúng ta hôm nay.

Đợi một ngày lại đến với vùng biên thiêng liêng, để nghe núi sông kể chuyện Tổ quốc mình!

Bài và ảnh: Lê Thị Hiệp (Trường Chính trị Bình Dương)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bien-dao/den-vung-bien-nghe-nui-song-ke-chuyen-2022120319272344.htm