Cuộc trưng cầu dân ý về người bản địa ở Úc thất bại

Hôm thứ Bảy (14/10), Úc đã công bố kết quả sơ bộ của cuộc trưng cầu dân ý về việc công nhận người bản địa trong hiến pháp. Kết quả cho thấy cuộc trưng cầu dân ý này xem như đã thất bại.

Người Úc đã phải bỏ phiếu "Có" hoặc "Không" trong cuộc trưng cầu dân ý, lần đầu tiên sau gần một phần tư thế kỷ, về câu hỏi liệu có nên thay đổi hiến pháp để công nhận người thổ dân và người dân đảo Torres Strait trong hiến pháp hay không.

 Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Bộ trưởng Người Úc Bản địa Linda Burney đưa ra tuyên bố về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc vào ngày 14 tháng 10 năm 2023. Ảnh: AAP

Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Bộ trưởng Người Úc Bản địa Linda Burney đưa ra tuyên bố về kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Tòa nhà Quốc hội ở Canberra, Úc vào ngày 14 tháng 10 năm 2023. Ảnh: AAP

Hiện, gần 70% số phiếu đã được kiểm trên toàn quốc. Kết quả đang là số phiếu "Không" dẫn trước phiếu "Có" với tỷ lệ 60% - 40%. Truyền thông Úc còn dự báo rằng đa số cử tri ở cả 6 bang của Úc sẽ bỏ phiếu chống lại việc sửa đổi hiến pháp 122 năm tuổi của nước này.

Một cuộc trưng cầu dân ý thành công tại Úc đòi hỏi phải đạt tỷ lệ ít nhất 4/6 người bỏ phiếu ủng hộ (hơn 66,6%). Và với kết quả sơ bộ nói trên, thì cuộc trưng cầu dân ý về người bản địa xem như đã thất bại, bởi vì dù cả 30% số phiếu chưa kiểm còn lại là "Có", thì tổng số cũng chỉ đạt khoảng 58%.

Thủ tướng Anthony Albanese thừa nhận đây không phải là kết quả mà ông mong đợi, nhưng cho biết đất nước sẽ phải tìm kiếm một con đường mới để hòa giải.

Ông Albanese nói trong một cuộc họp báo trên truyền hình: “Con đường hòa giải của đất nước chúng ta thường gặp nhiều khó khăn. Nhưng đêm nay không phải là cuối con đường và chắc chắn không phải là dấu chấm hết cho nỗ lực gắn kết mọi người của chúng tôi".

Các học giả và những người ủng hộ người dân bản địa ở Úc lo ngại chiến thắng của phe "Không" có thể cản trở các nỗ lực hòa giải trong nhiều năm.

Người thổ dân ở Úc, chiếm 3,8% trong tổng số 26 triệu dân của đất nước, đã sinh sống trên đất này khoảng 60.000 năm nhưng không được đề cập trong hiến pháp và là những người thiệt thòi nhất trong nước.

Những người ủng hộ đề xuất này tin rằng việc đưa “Tiếng nói Bản địa” vào hiến pháp sẽ đoàn kết nước Úc và mở ra một kỷ nguyên mới với người bản địa. Tuy nhiên, phe đối lập chính trị đã chỉ trích biện pháp này, cho rằng nó gây chia rẽ, không hiệu quả và làm chậm quá trình ra quyết định của chính phủ.

Các cuộc trưng cầu dân ý rất khó được thông qua ở Úc, chỉ có 8 trong số 44 cuộc trưng cầu thành công kể từ khi đất nước này được thành lập vào năm 1901. Đây là cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên ở Úc trong vòng gần 1/4 thế kỷ.

Huy Hoàng (theo Reuters, AAP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/cuoc-trung-cau-dan-y-ve-nguoi-ban-dia-o-uc-that-bai-post268622.html