Cưới nhau 6 năm, chỉ gặp nhau được 6 lần
Chuyện tình của vợ chồng cô giáo Đào Thị Thu Trang (Trường Tiểu học Bích Sơn, thị trấn Bích Động, Việt Yên, Bắc Giang) và trung tá Hà Văn Kiên (Cục chính trị Bộ tổng tham mưu) trải qua nhiều cách trở của không gian địa lý nhưng vẫn đầy lãng mạn.
Tình yêu qua những cánh thư tay
Anh chị học cùng nhau từ lớp 4 nhưng mãi đến khi chị đã là cô giáo, còn anh là một sĩ quan quân đội, họ mới chính thức nói lời yêu trong một lần anh về phép.
Anh Kiên kể, năm 2001, sau khi tốt nghiệp Học viện Chính trị - Quân sự, anh được phân công nhiệm vụ về công tác tại Vùng 4 hải quân. Khoảng cách xa cả ngàn cây số nên tình yêu của anh chị đều được gửi gắm vào những cánh thư. Hầu như đêm nào không ngủ được anh cũng viết thư cho chị, thư này chưa hồi âm thì thư khác đã gửi. Trong những bức thư ấy không chỉ có tình yêu hai người dành cho nhau mà còn có cả sự động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ.
Năm 2004, anh chị về chung một nhà trong niềm hân hoan của gia đình 2 họ và của bạn bè cho 2 người bạn ngày xưa học chung một lớp. Sau đám cưới, họ chỉ sống bên nhau được gần 1 tháng bởi anh lại khoác ba lô lên đường ra đơn vị. Chị Trang tâm sự: "Cả năm anh Kiên mới được nghỉ phép 1 lần. Mỗi dịp lễ, Tết thấy người ta có cặp có đôi, mình tủi thân lắm. Nhưng nghĩ lại, anh vì nhiệm vụ, cuộc sống của anh và đồng đội còn bao khó khăn, gian khổ, mình lại thương anh nhiều hơn, cố gắng vượt khó khăn của bản thân để anh yên tâm hoàn thành nhiệm vụ".
1 năm sau đó, bé Linh, con gái đầu lòng của anh chị, ra đời, chị Trang "vượt cạn" một mình không có chồng bên cạnh. Chị phải tranh thủ sự giúp đỡ của gia đình nội ngoại nuôi con. Mấy tháng sau, anh Kiên mới được về nghỉ phép thăm vợ con, rồi lại vội vàng trở lại đơn vị.
Luôn ở hai đầu nỗi nhớ
Những tưởng chuyện xa cách như trên đã là điều khó khăn nhưng tình yêu của họ lại thêm một lần thử thách khác. Tháng 7/2009, anh Kiên được đơn vị cử ra công tác ở đảo chìm Len Đao, khoảng cách địa lý đã xa nay lại càng xa hơn. Chị Trang thương chồng nơi đầu sóng ngọn gió, bao nhiêu nỗi nhớ mong được gửi qua những cánh thư vượt trùng khơi ra với đảo. Hồi ấy, anh ra đảo được một thời gian thì chị Trang được địa phương tạo điều kiện ra thăm chồng.
Chị xúc động kể lại: "Hành trình của tàu HQ 996 và đoàn công tác như chạy đua với thời gian trong 1 ngày từ đảo Song Tử Tây, xuất phát đi đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và làm lễ thả hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh ở đảo Gạc Ma. Đến đảo chìm Len Đao, tàu thả neo xong đã 9 giờ đêm. Lúc này, các thân nhân trong đoàn chỉ còn 2 người vợ và 1 người bố đi thăm con. Con nước thủy triều đang rút nhanh, bốn phía đảo Len Đao trơ ra những rặng san hô lởm chởm sắc như lưỡi mác. Từ tàu vào đến đảo phải vượt qua bãi cạn san hô dài hơn 3km. Nghĩ đến phút giây được gặp chồng sau gần 1 năm xa cách, bao mệt mỏi của chặng đường dài từ đất liền ra đảo bỗng tan biến hết. cái khoảnh khắc nhìn thấy chồng mình cùng đồng đội ra đón xúc động lắm!". Ở trên đảo chìm Len Đao với anh và đồng đội, chị mới cảm nhận được hết nỗi vất vả của người lính đảo. Khi chưa ra đảo, chị chỉ biết đảo qua sách, báo, phim ảnh... nhưng đến nơi mới cảm nhận hết được cái gian khổ nơi đây, mới thấy lòng quyết tâm bảo vệ bình yên Tổ quốc của các anh lớn lao đến nhường nào. "Để rồi từ đó yêu hơn, tự hào hơn khi mình được là vợ lính đảo Trường Sa", chị Trang tâm sự. Ngày rời đảo về đất liền, nhìn bóng chồng xa dần, chị không cầm được nước mắt nhưng anh chị tin vào tình yêu dành cho nhau sẽ là điểm tựa để cả hai vượt qua khó khăn.
Tròn 1 năm ở đảo, anh Kiên được về công tác ở đất liền, quà mang về tặng vợ và 2 con nhỏ là vỏ ốc biển, là san hô mà anh nhặt được trên bãi đá ngầm của đảo Len Đao. Mỗi năm anh được về phép 1 lần nên lúc nào vợ chồng anh chị cũng như vợ chồng mới cưới. "Đúng thế còn gì nữa, cưới nhau 6 năm, gặp nhau được 6 lần, không như mới cưới là gì", anh Kiên cười hiền bảo.
Sau 6 tháng trở về đất liền huấn luyện, tháng 1/2011, anh Kiên lại tiếp tục xung phong ra đảo Trường Sa lần 2. Một năm trời trên đảo Đá Thị, anh đã viết hàng trăm trang nhật ký cho vợ và các con. Mỗi khi nhớ nhà, anh lại mang ảnh của vợ con ra ngắm. Anh thấu hiểu, dù cuộc sống của 3 mẹ con còn bộn bề khó khăn nhưng không vì thế mà chị khiến anh bận lòng: "Mình không được thường xuyên chia sẻ tình cảm và những khó khăn với vợ, nhất là khi chăm con. Con ốm, vợ ốm. lúc ấy 3 mẹ con ở nhà rất vất vả. Mình cũng thương vợ lắm nhưng không biết làm sao. Chỉ biết gọi điện về động viên vợ cố gắng lên. Vậy mà khi ấy, vợ lại động viên ngược mình cứ yên tâm công tác và hoàn thành nhiệm được giao".
Anh tâm sự: "Mình là bộ đội, công tác xa nhà, xa đất liền. Mọi công việc, mọi gánh vác của người chồng, người cha, dồn hết lên đôi vai của vợ. Người vợ nơi quê nhà không những làm mẹ, làm con dâu mà còn làm cha, nuôi dạy con cái. Ở ngoài đảo xa, mình cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và đó cũng là món quà để tặng đất liền, cho người thân, đặc biệt là vợ và các con".
Đầu năm 2014, anh Kiên mới được về công tác gần nhà. "Nói là gần cho vui vậy thôi, chứ mình vẫn ở cách nhà gần 50km, cuối tuần mới được về với vợ con", anh Kiên chia sẻ.
Là vợ lính, thời nào cũng vậy, cũng có những thiệt thòi và cả sự can trường vượt qua khó khăn. Nhưng trong thử thách đó, vợ chồng chị Trang - anh Kiên vẫn nắm chặt tay nhau, gắn kết với nhau bằng niềm tin và sự chung thủy, viết nên những trang tươi đẹp của cuộc đời.